Thứ Ba, 24/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 23/11/2015 20:34'(GMT+7)

Thực hiên lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta phải biết sử ta”, môn lịch sử ở trung học phổ thông phải là môn học bắt buộc, độc lập

Đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử.   Ảnh minh họa

Đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử. Ảnh minh họa

Bác Hồ kính yêu đã nói “Dân ta phải biết sử ta/ cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lịch sử là bộ môn nền tảng trong khoa học xã hội, có tác dụng trọng yếu đối với việc nâng cao phẩm chất nhân văn của học sinh. Môn học lịch sử phát huy tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, kế thừa truyền thống tốt đẹp của văn minh nhân loại, giúp học sinh biết và nhận thức được tiến trình phát triển của xã hội loài người và của dân tộc Việt Nam; hiểu được tác dụng của quần chúng nhân dân và cống hiến của những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử, tiếp thu kinh nghiệm và trí tuệ của người đi trước; giúp người học tìm về với cội nguồn văn hóa cha ông, tiếp thu những bài học đạo lý, giúp con người hình thành ý thức bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp và và ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với  quê  hương, cộng đồng, đất nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều năm qua, sự chú ý quan tâm của xã hội, của các cấp, ngành dành cho môn học lịch sử nước nhà vẫn chưa thực sự tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của nó.
Giờ đây, hơn lúc nào hết chúng ta phải thực hiện lời dạy của Người trong việc xây dựng chương trình nói chung và lịch sử nói riêng. Ở đây chúng tôi chỉ bàn đến môn Lịch sử ở Trung học phổ thông (THPT).

Trong Dự thảo Chương trình tổng thể liên quan đến môn Lịch sử ở THPT có các môn, phân môn, chuyên đề: 1. Môn Lịch sử tự chọn (dành cho học sinh (HS) chọn lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH) nói chung và ngành Lịch sử; 2. Phân môn lịch sử trong khoa học xã hội (lớp 10,11) dành cho học sinh chọn các môn khoa học tự nhiên; 3. Phân môn lịch sử trong môn “Công dân với Tổ quốc”; 4. Các chuyên đề tự chọn, trong đó có chuyên đề về lịch sử;  Có ý kiến cho rằng trong Dự thảo hiện nay thì thời lượng kiến thức dayl môn Lịch sử ngang bằng và thậm chí còn nhiều hơn chương trình hiện hành!
Nghe như vậy, người ngoài giới sử học tưởng là nhiều và tốt quá.

Nhưng đ
âu phải như vậy. Hãy nhớ lời Bác Hồ chỉ rõ “ Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà.”[1]. Chúng tôi là những người đã tham gia làm chương trình và viết sách giáo khoa nhận thấy nếu đầy đủ cả một  môn học, hai phân môn và một chuyên đề như trên thì rất khó mà xây dựng được chương trình chắc chắn, thiết thực, sẽ có sự chồng chéo, trùng lặp và phá nát môn Lịch sử. Vì lên THPT dự kiến môn Lịch sử sẽ không lặp lại kiến thức thông sử như Trung học cơ sở, chủ yếu dạy theo chuyên đề, chủ đề. Tôi cho rằng thà ít mà tinh, chỉ cần một môn bắt buộc cho tất cả học sinh và một môn dành cho học sinh lựa chọn môn học lịch sử.

Có ý kiến cho rằng, nội dung lịch sử còn được giáo dục tích hợp trong các môn học khác nữa.
Đúng là giáo dục lịch sử không chỉ thông qua môn học lịch sử mà có thể qua các tri thức tích hợp ở nhiều môn khác. Có lẽ do sự vận dụng khái niệm tích hợp một cách theo nghĩa quá rông? Đó là việc cho rằng học tác phẩm văn học thì phải học hoàn cảnh lịch sử? Thực chất đây là sử dụng một ít kiến thức lịch sử trong khi dạy văn học. Như vậy là tích hợp? Nhưng những tri thức lẻ tẻ, rời rác đó không thể tạo nên tính hệ thống của môn học lịch sử, không thể thấy được cái toàn diện, đầy đủ về lịch sử của một dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam. Gần với ý kiến trên nói kiến thức lịch sử không chỉ dạy ở phổ thông mà còn giáo dục lịch sử bằng nhiều hình thức đa dạng khác. Chúng tôi thừa nhận về lý luận thì đúng, nhưng hiện tại đâu có làm được. Hiện nay có một vài cơ quan tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, nhưng còn quá ít. Đã lâu rồi có phim Đêm hội Long Trì, gần đây có phim Trần Thủ Độ. Bao giờ mới có phim lịch sử như của nước ngoài để giáo dục cho thế hệ trẻ?

Trở lại nếu môn Lịch sử chỉ là môn tự chọn thì rất ít học sinh chọn môn này. Thực tế của nhiều năm gần đây là học sinh không thích học lịch sử. Có ý kiến nói nguyên nhân là do chương trình, sách giáo khoa chưa tốt, do phương pháp chưa đổi mới, do giáo viên dạy không hấp dẫn…Vấn đề này sẽ khắc phục dần dần. Theo tôi thì lớp trẻ hiện nay chạy theo xu thế hiện đại, thực dụng, đồng tiền lên ngôi, khoa học xã hội ở vị thế thấp kém, môn lịch sử càng kém, nên họ sẽ không chọn môn lịch sử. GS Phạm Tất Dong đã đề nghị nếu học sinh không thích học thì càng phải bắt buộc học sinh phải học lịch sử ở bậc THPT.

Về môn Khoa học Xã hội cho học sinh chọn Lý, Hóa, Sinh sẽ phải học, trong đó có Lịch sử. Thực tiễn ở phổ thông trước đây, lúc công bố các môn thi tốt nghiệp, thì các môn khác còn lại sẽ không học, hay chỉ học qua loa, có tính chất đối phó. Khi học sinh đã chọn Khoa học Tự nhiên thì học lịch sử cũng như vậy, chỉ là hình thức không có hứng thú gì. Như thế thì cũng không đảm bảo được yêu cầu giáo dục lịch sử.

Với những lí do nêu trên, đã thấy môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc. Tôi xin nhấn mạnh là trong điều kiện hiện nay ở nước ta khi các thế lực thù địch vẫn âm mưu phá hoại đất nước, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, nâng cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh thì bắt buộc học sinh phải học lịch sử ở THPT. Không nên vì giảm môn bắt buộc mà để môn lịch sử là môn tự chọn trong thời điểm lịch sử hiện nay thì rất nguy hiểm.
Cũng không nên ngại khi môn lịch sử là môn bắt buộc sẽ kéo theo các môn khác, vì lịch sử có đặc thù như trên tôi đã phân tích.

Một lý do nữa không thể không nói đến là kinh nghiệm quốc tế về chương trình môn
lịch sử. Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến thì nhiều quốc gia lấy môn Lịch sử là môn bắt buộc, cũng là vấn đề chính trị, vấn đề giáo dục tinh thần dân tộc cho học sinh.Tại Mỹ và Canada, môn lịch sử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục. Đó không chỉ là một môn học thông thường mà còn là một môn học nhằm giáo dục nhân cách, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức công dân. Đồng thời sự am hiểu lịch sử dân tộc là tiêu chuẩn hàng đầu đối với công dân Mỹ và Canada. Đây là môn học cơ bản bắt buộc ở các trường phổ thông, cùng với các môn học khác như Toán, Tiếng Anh, Vật Lý, Ngoại ngữ…[2]Trong 25 nước châu Âu, phần lớn môn Lịch sử là môn độc lập (bắt buộc), không là phân môn trong môn tích hợp nào[3]. Các nước ở gần chúng ta là Trung Quốc, thì ở bậc THCS (lớp 7 đến lớp 9), môn lịch sử luôn là môn học bắt buộc. Ở bậc THPT (Lớp 10 đến lớp 12), lịch sử là môn học chính thống, độc lập trong chương trình THPT. Hàn Quốc, bậc THPT có 3 môn học là Lịch sử Hàn Quốc, Lịch sử Đông Á, Lịch sử thế giới, thì Lịch sử Hàn Quốc là môn học bắt buộc[4]. Thông tin mới nhất hiện nay là Hàn Quốc đặc biệt chú ý đến sách giáo khoa môn Lịch sử. Hàn Quốc có 8 công ty xuất bản sách, nhưng sắp tới thì môn Lịch sử do Chính phủ chủ trì viết sách giáo khoa và xuất bản.

Về môn “Công dân với Tổ quốc” là một môn học mới, tích hợp của 3 phân môn: Đạo đức – Công dân, Lịch sử và Quốc phòng – An ninh. Việc tích hợp và tên gọi môn học này cần phải có cơ sở khoa học và thực tiễn xác đáng.
Chúng tôi cũng đã được giao nghiên cứu một nhiệm vụ liên quan đến lịch sử, Địa lý và môn học “Công dân với Tổ quốc”, nhưng riêng môn “CDVTQ”, tôi không có khả năng làm được, không tích hợp được vì đây là ba môn khoa học khác nhau. Hiện nay thì Bộ phận Thường trực đảm nhiệm. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi chưa thấy trên thế giới có nước nào có kiểu “tích hợp” này.  Trong dự thảo có ghi chú một số bang của Hoa Kỳ có tên môn học tương tự là “Công dân với chính quyền”. Chỉ đọc tên môn cũng thấy môn “Công dân với chính quyền” có lẽ khác “Công dân với Tổ quốc” ? Xin bộ phận Thường trực dịch nội dung môn “Công dân với chính quyền” để tham khảo.  Theo dự thảo, môn “Công dân với Tổ quốc” thuộc giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp với nội dung chủ yếu là “giáo dục đạo đức, kiến thức pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống, những hiểu biết ban đầu về kinh doanh, quốc phòng và an ninh (gồm những hiểu biết ban đầu về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam, về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự và nghĩa vụ quân sự của công dân)”. Như vậy,  chỉ có một số tri thức lịch sử được tích hợp để giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước. Vậy nếu để phân môn Lịch sử trong “Công dân với Tổ quốc” với tư cách như là một môn học bắt buộc là không phù hợp với định hướng chung của Chương trình GDPT, trong đó có chủ trương là phân hóa dần các lớp trên. Việc giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hãy để cho chính môn lịch sử làm sẽ tốt  hơn nhiều là phải thông qua môn học “Công dân với Tổ quốc”. Môn học lịc sử cung cấp những tri thức cơ bản, hệ thống về lịch sử thế giới  và lịch sử dân tộc góp phần trực tiếp và hiệu quả nhất (so với các môn học khác) cho việc giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc… Đồng thời nó cung cấp những tri thức cần thiết, tối thiểu cho nhiều môn học khác trong đó có cả môn “Công dân với Tổ quốc”  để các môn này làm tốt hơn chức năng giáo dục của mình. Nó có thể được coi hoặc có giá trị như một môn học có tính “công cụ” và cần được giáo dục bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông.[5]     

Từ những trình bày trên, chúng xin kiến nghị:

- Trong môn “
Công dân với Tổ quốc”  không nên có phân môn lịch sử.

- Ở
THPT môn lịch sử phải là môn học bắt buộc.

- Có thể có phương án
Lịch sử Thế giới là môn tự chọn ( gọi là Lịch sử 2); môn Lịch sử Việt Nam (Lịch sử dân tộc - Quốc sử) là môn bắt buộc (gọi là Lịch sử 1) . Mọi người đều biết vào năm 1941, Bác Hồ đã viết cuốn “Sử nước ta” (theo thể lục bát). Và tháng 2/1942, Bác viết bài “Nên học sử ta” (bằng văn xuôi) nhằm động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết, để đánh thắng ngoại xâm. Bác Hồ đã chỉ rõ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” và dạy những tri thức “thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà.” Đây chính là thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà Đảng đã ra Chỉ thị về vấn đề trọng đại này. Đây cũng là yêu cầu bức thiết trong việc giáo dục tinh thần dân tộc, nâng cao lòng yêu nước cho thế hệ trẻ trong điều kiện hiện nay.
NĐV 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, tr.80-81 (bức thư Người gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31/10/1955)
[2]  Xem Trần Thị Vinh, Bàn về “số phận”môn lịch sử trong Dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể.
[3]  Xem Ngô Minh Oanh, Chương trình môn Lịch sử trong trường phổ thông các nước trên thế giới
[4] Xem Nghiêm Đình Vỳ, trong Kỉ yếu hội thảo quốc tế về Phương pháp dạy học môn Lịch sư, Địa lý tháng 8/2015 của Viện Khoa học xã hội, thuộc trường ĐHSP Hà Nội.
[5]  Xem Đinh Ngọc Bảo, bàiNội dung giáo dục lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc”.

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất