"Di sản văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tư tưởng và khuynh hướng thẩm mỹ" là chủ đề Hội thảo khoa học do Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng và Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp tổ chức ngày 16/11.
Hội thảo là hoạt động nhằm giữ gìn và phát huy di sản văn học của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng thời cũng là một trong chuỗi các sự kiện nhân kỷ niệm 430 năm ngày mất của Trạng Trình.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam khẳng định Hải Phòng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt," giàu truyền thống hiếu học, thời nào cũng có những bậc anh hùng, hào kiệt. Riêng về khoa bảng, dưới thời quân chủ, Hải Phòng có hơn 100 vị đại khoa Hán học, trong đó có ba trạng nguyên, tiêu biểu là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm và Song nguyên Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn là hai trong số tác gia Hán Nôm tiêu biểu nhất của Hải Phòng.
Theo đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học Trung ương và địa phương trao đổi ý kiến, công bố các kết quả nghiên cứu mới về Nguyễn Bỉnh Khiêm và sự nghiệp thơ ca của ông.
Trong thời gian tới, di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và đó cũng là sự tôn vinh đặc biệt đối với Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, là niềm vinh dự của quê hương Vĩnh Bảo và thành phố Hải Phòng.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận bốn nhóm nội dung liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn từ góc độ lịch sử văn hóa-xã hội và tư tưởng; Những vấn đề văn bản và tình hình nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm; Thơ ca Nguyễn Bỉnh Khiêm - nội dung và khuynh hướng thẩm mỹ; Nguyễn Bỉnh Khiêm với Hải Phòng.
Trong phần tham luận với chủ đề “Di sản văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm trong đời sống nhân dân huyện Vĩnh Bảo," ông Nguyễn Văn Quyn - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo, khẳng định cho đến nay, vị trí, vai trò và ảnh hưởng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với đời sống xã hội nói chung và di sản văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm nói riêng với nhân dân Vĩnh Bảo vẫn luôn hiện hữu. Người dân Vĩnh Bảo luôn dành cho Nguyễn Bỉnh Khiêm sự ngưỡng mộ, tôn kính nhất. Những hoạt động tôn vinh thành tựu giáo dục của thành phố đều diễn ra tại Khu đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, qua đó khẳng định sự ngưỡng mộ của người dân Vĩnh Bảo cũng như thành phố Cảng với những đóng góp to lớn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn trong lịch sử dân tộc, có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong thế kỷ XVI - “cây đại thụ”, nhà học giả, nhà triết gia của thế kỷ. Ở mỗi thời đại, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều được đánh giá cao “là tinh anh của non sông đúc lại," là người có tài thao lược, tích cực nhập thế, điển hình cho lối ứng xử mới của người tri thức giữa thời loạn. Ông còn là người luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục con người, được coi là một trong những bậc thày của nền giáo dục Việt Nam.
Với tài năng của một tác gia lớn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của văn học dân tộc. Những tác phẩm của ông có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần thúc đẩy sự phát triển của tiến trình văn học dân tộc./.
TTXVN