Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 3/11/2009 21:21'(GMT+7)

Thuế phải cao để hạn chế việc khai thác tài nguyên bừa bãi

Nên quy định khung thuế cao để tránh khai thác tài nguyên bừa bãi.

Nên quy định khung thuế cao để tránh khai thác tài nguyên bừa bãi.

Thuế phải cao để hạn chế việc khai thác tài nguyên!

“Nghiên cứu nội dự luật tôi cảm nhận nội dung của dự luật chưa tiến bộ hơn so với pháp lệnh hiện hành thậm chí còn thụt lùi. Theo tôi ngoài 5 mục tiêu yêu cầu trong Tờ trình của Chính phủ, nội dung luật cần thể hiện cho được, phải hạn chế và không khuyến khích việc khai thác các nguồn tài nguyên không tái tạo bằng cách phải nâng mức thuế suất lên cao hơn nữa, sao cho việc thu thuế tài nguyên vừa góp phần phát triển kinh tế nhưng cũng vừa đủ kinh phí để tái tạo lại môi trường”, đại biểu Trần Hồng Việt - Hậu Giang phát biểu.

Theo đại biểu Việt, mức trần Thuế khoáng sản giảm so với pháp lệnh là không hợp lý, nhất là những loại khoáng sản không tái tạo. Đồng thời, khoảng cách quá xa giữa mức trần và mức sàn cũng là không phù hợp, vì không đảm bảo được tính chặt chẽ trong quản lý, đặc biệt là vai trò thẩm quyền quyết định thuế suất của Quốc hội.

Chung quan điểm, đại biểu Ngô Văn Minh - Quảng Nam đề nghị cần nâng cao mức thuế suất đối với các nguồn tài nguyên không tái tạo, khuyến khích những sản phẩm tài nguyên kim loại chế biến sâu, sản xuất tinh luyện, hạ thuế để đảm bảo nhất quán về chính sách.

“Hiện nay vàng khai thác tràn lan, chỗ nào cũng bảo được cấp giấy phép, rồi gây ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đời sống của nhân dân. Chúng ta đang từ 30% ở pháp lệnh bây giờ nâng lên luật còn 25%, tại sao lại có chuyện lạ kỳ như vậy. Theo tôi nghĩ không biết có đúng không, như vậy là chúng ta khuyến khích khai thác vàng một cách tràn lan như hiện nay”, ông Minh đặt vấn đề.

Từ thực tiễn tham gia các đợt khảo sát của Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Nghiêm Vũ Khải - Điện Biên nhận xét, việc thất thoát, lãng phí tài nguyên, ngoài lý do công tác quản lý còn nhiều bất cập thì nguyên nhân chủ yếu do thuế chúng ta quy định thấp và quản lý thuế tài nguyên không chặt chẽ.

“Vì thuế thấp cho nên người ta khai thác kiểu gì cũng có lãi, moi lên để bán cũng có lãi và có nhiều trường hợp người ta xin được mỏ rồi bán trao tay, kiếm vài tỷ quá đơn giản, vài chục tỷ tương đối phổ biến, có khi còn hơn thế nữa. Trong tình trạng như vậy việc ban hành Luật thuế tài nguyên là vô cùng cần thiết, tuy nhiên luật đó phải phát huy được mặt tích cực trong công tác quản lý thuế và quản lý tài nguyên đồng thời kiên quyết phải hạn chế được những tiêu cực và những bất cập”, ông nói.

Theo đại biểu Khải, quy định thuế suất phải hướng đến việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả, hướng đến vấn đề ứng dụng công nghệ và chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân - Tây Ninh cũng đề nghị phải thu thuế tài nguyên với một con số tương đối để bảo vệ nguồn tài nguyên, tức là những tài nguyên không tái tạo được thì phải thu thuế cao và đặc biệt cao đối với những tài nguyên sắp cạn kiệt.

Ông Xuân lấy ví dụ: “Như than, bây giờ những con số công bố chính thức của chúng ta là năm 2013 chúng ta bắt đầu nhập khẩu than, năm 2020 coi như hết sạch than. Vậy mà bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu ồ ạt, điều này không thể hiểu nổi. Mà chúng ta đang xuất với giá chỉ 80 đô la/tấn, nhưng khi ta nhập lại phải trên 100 đô la. Như vậy chúng ta làm kiểu này tức là ăn non, song sau này lại phải bỏ số tiền rất lớn cho thế hệ sau nhập vào”.

Từ đó, đại biểu Xuân cho rằng, Luật nên có một mức thuế rất cao và nếu thuế cao tới mức độ mà làm nản lòng những nhà xuất khẩu thì càng tốt.

Biên độ thuế suất quá rộng

Đây là nhận xét chung của nhiều đại biểu.

Đại biểu Triệu Sỹ Lầu - Cao Bằng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thu hẹp khung thuế suất cho từng loại khoáng sản cho hợp lý hơn, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản không tái tạo được.

“Trong dự thảo luật quy định quặng sắt, mangan, titan là từ 5 - 20%, vàng từ 6 - 25%. Tại Nghị định số 05 ngày 19/01/2009 đã quy định sắt, mangan, titan là từ 7 - 20%, vàng là từ 9 - 25%, nay Nghị định đang phát huy hiệu quả tốt. Tôi đề nghị dự thảo luật quy định mấy loại khoáng sản quý hiếm này như Nghị định 05 là hợp lý”, đại biểu Lầu nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Lạng Sơn nhất trí, biên độ thuế suất quy định trong dự thảo luật là quá rộng và như thế, dễ dẫn đến tùy tiện. Còn nếu thuế suất để rộng như thế thì phải xác định hàm lượng từ bao nhiêu đến bao nhiêu phần trăm thì tính thuế bao nhiêu phần trăm, như thế sẽ cụ thể hơn.

“Để đảm bảo tính hợp hiến, tôi đề nghị Quốc hội quyết định khung thuế suất với biên độ hẹp hơn đối với đối tượng chịu thuế chi tiết hơn và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định ở mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên”, đó là đề nghị của đại biểu Phương Thị Thanh - Bắc Kạn.

Theo bà Thanh, khung thuế suất đối với các loại tài nguyên để có biên độ khá rộng, vì vậy nên thu hẹp lại. Đồng thời phân loại, quy định chi tiết từng mặt hàng trong từng nhóm hàng để quy định cụ thể khung thế suất riêng biệt theo hướng loại tài nguyên không tái tạo chịu thuế ở mức cao hơn loại tài nguyên tái tạo.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - TP Hà Nội cũng nhất trí đề nghị Quốc hội và Chính phủ, Ban soạn thảo không nên xếp tài nguyên theo nhóm để đưa thuế suất chung theo biên độ rộng mà nên quy định từng loại tài nguyên ứng với mỗi loại thuế suất khác nhau, chỉ có như vậy mới phản ánh đúng giá trị tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt sẽ ngăn chặn được tình trạng chảy máu tài nguyên ra nước ngoài như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Mức thuế cụ thể nên giao Chính phủ quy định

Giải trình thêm với các đại biểu về dự thảo Luật thuế tài nguyên, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy định về thuế, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, thuế là công cụ quan trọng, góp phần vào quản lý, khai thác tài nguyên chứ không phải là tất cả.

Về thuế suất, trước hết là về khung, Bộ trưởng tiếp thu ý kiến nhận xét của các đại biểu về khung thuế quá rộng và sẽ xem xét để làm sao để có khung hợp lý hơn.

Về thuế suất giữa sàn và trần, Bộ trưởng cũng tiếp thu ý kiến đại biểu, sẽ nghiên cứu thiết kế hợp lý hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, năm 2008, ý thức được vấn đề phải bảo vệ tài nguyên, Chính phủ đã trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa thuế suất của nhiều loại khoáng sản, tài nguyên, đã nâng thuế suất cả sàn, cả trần lên.

Cũng theo Bộ trưởng, do tài nguyên khoáng sản có loại sản xuất chế biến trong nước và có loại xuất khẩu, nên việc nâng thuế suất lên cũng cần phải có một lộ trình, bởi nếu nâng thuế cao quá ngay lập tức thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Bộ trưởng cũng đề nghị, Quốc hội quy định khung thuế suất và trong khung đó thì giao thẩm quyền cho Chính phủ để Chính phủ điều hành một cách linh hoạt, đảm bảo lợi ích quốc gia đạt được lợi ích cao nhất.

Tránh tiêu cực trong nuôi con nuôi

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại tổ cho ý kiến về dự thảo Luật Nuôi con nuôi, tập trung vào một số nội dung: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; thành lập Hội đồng tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi; thẩm quyền quyết định nuôi con nuôi và chấm dứt nuôi con nuôi; điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi…

Theo các đại biểu, việc tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi cần thực hiện trên cơ sở luật pháp chặt chẽ, có kiểm tra kỹ để tránh những tiêu cực xảy ra...

Đại biểu Lê Thanh Tâm (TP. Hồ Chí Minh), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu cho rằng, phải quy định cụ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, góp phần đấu tranh phòng chống hiện tượng mua bán trẻ em làm con nuôi hoặc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi. Một số đại biểu đề nghị quy định độ tuổi trẻ em được nhận con nuôi là dưới 15 tuổi, trừ một số trường hợp trẻ em bị tàn tật, bị nhiễm chất độc da cam, bị bệnh hiểm nghèo thì có thể được nhận làm con nuôi khi hơn 15 tuổi.../.

TG (Theo Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất