Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Hai, 19/11/2012 19:59'(GMT+7)

Thuế Thu nhập cá nhân: Sẽ còn khoảng 1 triệu người nộp thuế

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Sau hơn 3 năm thực hiện, cùng với quá trình vận hành, biến động của tình hình kinh tế - xã hội, một số quy định của Luật thuế TNCN đã bộc lộ hạn chế: không còn phù hợp với tình hình mới, nhất là mức động viên từ thu nhập của người dân; chưa bao quát hết những vấn đề phát sinh trên thực tế; một số quy định về thủ tục chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung 6 điều liên quan đến 3 vấn đề quan trọng là mức giảm trừ gia cảnh (GTGC), phạm vi đối tượng chịu thuế, kỳ tính thuế và quyết toán thuế.

Đến 2014 giảm thu khoảng 13.350 tỷ đồng

Dự thảo luật quy định nâng mức GTGC cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng; đồng thời bổ sung quy định: Khi giá thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức GTGC.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) tán thành với mức GTGC như quy định của Dự thảo luật nhằm bảo đảm phù hợp hơn với diễn biến chỉ số CPI và sức mua của VND; Đáp ứng tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2014 và những năm tiếp theo; Giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP; Tăng cường nguồn lực cho chi phí ngày một cao đối với y tế, giáo dục, văn hóa; góp phần kích cầu, khuyến khích tiêu dùng; thực hiện chính sách nuôi dưỡng nguồn thu.

Tuy nhiên, việc nâng mức GTGC lên như quy định trong Dự thảo luật sẽ làm thay đổi mục tiêu ban đầu của Luật thuế TNCN đã được Quốc hội khóa XII thông qua là “số người nộp thuế từng bước được tăng lên, ngày càng nhiều người có thu nhập từ mức trung bình trở lên trong xã hội có cơ hội làm quen dần với sắc thuế này và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với đất nước, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước”.

Theo Tờ trình số 244/TTr-CP ngày 22/9/2012 của Chính phủ, cả nước hiện chỉ có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN (chỉ chiếm 4,4% dân số cả nước). Nếu nay sửa đổi Luật theo hướng nâng mức GTGC như trong Dự thảo luật thì dẫn đến thu hẹp đối tượng phải nộp thuế, chỉ còn khoảng 1 triệu người, giảm quá lớn so với hiện nay và chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người có thu nhập. Tương tự như vậy, số lượng hộ kinh doanh cá thể thuộc diện nộp thuế TNCN cũng giảm khá lớn; không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi Luật thời gian qua.

Việc nâng mức GTGC sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu NSNN (năm 2013 giảm thu NSNN khoảng 5.200 tỷ đồng; năm 2014 giảm thu khoảng 13.350 tỷ đồng), sẽ làm giảm nguồn lực để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, qua 3 năm thực hiện Luật thuế TNCN, số thu từ thuế TNCN không ngừng mở rộng cả về số tuyệt đối cũng như mức độ động viên. Số thu năm 2009 đạt 110% so với năm 2008, năm 2010 bằng 183,6% so với thực hiện 2009 và năm 2011 số thu ước bằng 146,6% so với số thu 2010. So với GDP, động viên từ thuế TNCN đã tăng từ mức 0,87% GDP năm 2008 lên mức 1,52% GDP năm 2011. Với phương án dự kiến, tuy số thu ngân sách nhà nước (NSNN) có giảm song cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, đời sống người dân sẽ nâng lên, mức độ động viên từ thuế TNCN cũng sẽ tăng dần, qua đó góp phần cơ cấu lại nguồn thu NSNN, đảm bảo ổn định, tăng trưởng nguồn thu ngân sách để giải quyết tốt hơn các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

Quốc hội sẽ quyết định điều chỉnh GTGC

Dự thảo luật quy định: Trường hợp giá thị trường biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành với quy định của Dự thảo luật về việc giao UBTVQH điều chỉnh mức GTGC nhằm bảo đảm phù hợp về thẩm quyền quyết định chính sách thuế theo đúng quy định của Luật tổ chức Quốc hội song vẫn đáp ứng yêu cầu linh hoạt trong xử lý các tình huống bất thường.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) bày tỏ: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng CPI biến đổi trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp gần nhất. Bởi vì CPI không thể thay đổi trong vài ngày hay vài tuần, mà Quốc hội 6 tháng họp một nên có thể xem xét kỹ quyết định vấn đề này cho phù hợp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên giao Chính phủ quy định để bảo đảm tính chủ động khi giá cả biến động bất thường. Đại biểu Chu Đức Quang (đoàn Lạng Sơn) cho rằng: Trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% theo tôi nên giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo tính chủ động, nhanh chóng, phù hợp với cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa chính sách.

Nên bỏ biểu thuế suất thứ 7?

Một số ý kiến cho rằng, Biểu thuế suất hiện hành quy định 7 bậc thuế là khá nhiều, chưa điều tiết hợp lý thu nhập với người có thu nhập cao. Vì vậy, đề nghị sửa đổi Biểu thuế suất theo hướng giãn khoảng cách các bậc thuế hiện hành xuống còn 5 bậc với các mức thuế suất 5%; 10%; 15%; 25% và 35%.

Đại diện quan điểm này là đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM). Đại biểu đề nghị Quốc hội nên bỏ bớt mức thuế bậc 7 (35%). Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem lại mức này, nếu bỏ thì thất thu bao nhiêu để cân nhắc, bởi vì theo tính toán của đại biểu, thất thu không nhiều mà lại có cảm giác thuế cao. “Nếu chúng ta bỏ bậc 7 thì Việt Nam nằm trong những quốc gia có cạnh tranh về thuế thu nhập ở mức dưới 30%, rất cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư” – đại biểu Trần Du Lịch phân tích.

Một điểm nữa, theo đại biểu Trần Du Lịch: đa số người nộp thuế TNCN làm công ăn lương, là cán bộ khoa học kỹ thuật, những chuyên gia giỏi, những người làm quản lý… nếu mức thu thuế cao thì nó không có động lực cống hiến. Chúng ta nên cân nhắc kỹ nếu bỏ bậc thuế này mà không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu thì nên bỏ bớt đi.

Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, nên giữ biểu thuế như Luật hiện hành vì với tính chất của Luật thuế TNCN thì biểu thuế suất như hiện hành là hợp lý. Việc giãn khung thuế suất sẽ làm giảm ý nghĩa điều tiết thu nhập là tính chất cơ bản của loại thuế này. Mặt khác, nếu tiếp tục giãn khung thuế suất sẽ dẫn đến tiếp tục giảm số thu NSNN; qua tổ chức thực hiện Luật và khảo sát thực tế cho thấy, việc áp dụng mức khung hiện hành vẫn bảo đảm tính hợp lý.

Luật thuế TNCN sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất