Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 10/11/2012 15:34'(GMT+7)

Đề xuất tăng lương gần với mức sống tối thiểu hơn

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối tháng 6/2012 tại 60 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đại diện cho 4 vùng lương trong cả nước. Từ kết quả của cuộc khảo sát, Viện Công nhân-Công đoàn đã có những kiến nghị về việc tăng mức lương tối thiểu và quy định bữa ăn ca.

Lương tối thiểu phải lên 3 triệu đồng

Theo khảo sát, khi đánh giá về thu nhập của mình so với chi phí cho cuộc sống hàng ngày, 16,6% lao động cho rằng thu nhập của họ không đủ sống, 38,4% cho rằng phải chi tiêu tiết kiệm với đủ trang trải, 45% cho rằng thu nhập tạm đủ sống và chỉ 6,6% có tiền tích lũy từ thu nhập hàng tháng.

Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy, mức lương tối thiểu hiện tại chỉ mới đáp ứng được 49-56,3% mức sống tối thiểu.

Dựa trên kết quả khảo sát, Viên Công nhân-Công đoàn đã đề xuất năm 2013 cần mức tăng lương tối thiểu sao cho đáp ứng được 80% mức sống tối thiểu. Cụ thể, vùng I sẽ là 3 triệu đồng, vùng II là 2,8 triệu đồng, vùng III là 2,5 triệu đồng, vùng IV là 2 triệu đồng.

Mức đề xuất này cao hơn mức mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình lên Chính Phủ phương án điều chỉnh lương tối thiểu tại vùng trước đó (cao nhất là 2,7 triệu đồng/tháng).

Lý giải mức đề xuất cao hơn này, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn cho biết: “Theo lộ trình điều chỉnh lương, đến năm 2015, tiền lương tối thiểu sẽ đáp ứng được mức sống tối thiểu, nếu năm 2013, lương tối thiểu không bằng 80% mức sống tối thiểu thì đến năm 2015 khó có thể đạt được mục tiêu này”.

Mặt khác, theo ông Đặng Quang Điều, nhiều doanh nghiệp FDI tách tiền lương ra thành các khoản phụ cấp, trợ cấp để giảm số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... và để khi doanh nghiệp gặp khó khăn có thể dễ dàng cắt các khoản phụ cấp của người lao động để giảm lương. Vì thế, việc tăng mức lương tối thiểu là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Cần bắt buộc hỗ trợ tiền ăn ca

Bên cạnh thực hiện khảo sát tiền lương, thu nhập và mức sống tối thiểu của công nhân, Viện Công nhân-Công đoàn còn thực hiện khảo sát bữa ăn ca.

Theo kết quả khảo sát, vẫn có 5% doanh nghiệp được khảo sát không hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động, 10% doanh nghiệp hỗ trợ một nửa và 75% doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ tiền ăn ca.

Hình thức bữa ăn ca cho người lao động phần lớn là do doanh nghiệp tự tổ chức nấu (46,9%) hoặc thuê cá nhân bên ngoài cung cấp suất ăn (25,6%). Tuy nhiên, có tới 27,5% người lao động phải tự tổ chức bữa ăn dẫn tới bữa ăn ca không đảm bảo.

Mức hỗ trợ tiền ăn của doanh nghiệp cho người lao động cũng rất khác nhau. Mức hỗ trợ bình quân của mỗi suất ăn là 13.900 đồng/suất. Có 10,4% người lao động chỉ được hỗ trợ một nửa tiền ăn ca với mức trung bình là 8.000 đồng/bữa, thậm chí có doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 5.000 đồng/bữa. Tuy nhiên, theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ tiền ăn ca với mức cao 20.000-25.000 đồng/bữa nhưng tính thẳng vào lương và để người lao động tự lo.

Qua khảo sát theo vùng, người lao động ở vùng I đề xuất mức tiền ăn ca bình quân là 20.600 đồng/ngày, vung II là 18.200 đồng/ngày, vùng 3 là 17.100 đồng/ngày và vùng IV là 16.600 đồng/ngày. Bên cạnh đó, đa số người lao động trong các loại hình doanh nghiệp đều mong muốn hình thức bữa ăn giữa ca là do doanh nghiệp tổ chức.

Từ kết quả khảo sát, ông Đặng Quang Điều cho rằng trong quá trình xây dựng Luật tiền lương tối thiểu sắp tới cần có những quy định bắt buộc doanh nghiệp phải cung cấp bữa ăn ca cho người lao động và cần quy định rõ mức hỗ trợ bằng 1% tiền lương tối thiểu vùng để đảm bảo bữa ăn giữa ca cho người lao động./.

(Hồng Kiều/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất