Thứ Sáu, 22/11/2024
Phòng chống tác hại thuốc lá
Thứ Tư, 3/8/2022 15:14'(GMT+7)

Thuốc lá gây tổn thất nhiều mặt cho đời sống xã hội

Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hộ hấp. Theo đánh giá của Hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút hoặc mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.

Sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu ki-lô-gam chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Theo WHO, các tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển do hơn 80% số người sử dụng thuốc lá là tại các nước này.

Tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức Chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra giám sát... công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

So với năm 2015, năm 2020, tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.

Theo kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh trong độ tuổi 13-17 từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019, đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ.

Hơn 80% trong số 1,3 tỷ người sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi gánh nặng bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá là nặng nề nhất. Sử dụng thuốc lá góp phần gây ra đói nghèo bằng cách chuyển hướng chi tiêu của hộ gia đình từ các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và chỗ ở sang thuốc lá do tính chất gây nghiện cực mạnh khó có thể bỏ được trong thời gian ngắn.

Các chi phí kinh tế của việc sử dụng thuốc lá là rất lớn. Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe bản thân, tăng nguy cơ bệnh lý và tổn thương tâm lý mà còn làm tăng gánh nặng kinh tế gia đình khi phải bỏ ra các chi phí đắt đỏ điều trị các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra cũng như nguồn nhân lực bị mất do bệnh tật và tử vong sớm do thuốc. Một khi kinh tế gia đình không đảm bảo dễ làm phát sinh các vấn đề tệ nạn xã hội như: trộm cướp, buôn bán trái phép ma túy, mại dâm, bạo lực làm mất an ninh trật tự xã hội.

Ngoài việc gây tổn thất kinh tế ở cấp quốc gia như tăng chi phí chữa bệnh do hút thuốc gây ra, giảm năng suất lao động thì một lượng chất thải do dụng cụ hút thuốc, nhất là đối với thiết bị thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng bao gồm nhiều thành phần (nhựa, pin, bảng mạch điện, lọ dung dịch...), khi bị vứt bỏ dưới dạng vỡ, nát có thể phát tán ra môi trường các chất độc hại như kim loại, axit, nicotine... gây nổ, hủy hoại môi trường.

Hút thuốc gây lãng phí phần đáng kể nguồn ngân sách vốn đã rất eo hẹp của các gia đình nghèo. Tiền mua thuốc lá làm giảm chi cho giáo dục, lương thực và chăm sóc sức khỏe hộ gia đình. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tại Australia là 7%, ở Hungary là 10,4% và ở nông thôn tây nam Trung quốc là 11%. Ở Bangladesh, nếu 2/3 số tiền mua thuốc lá được dùng để mua thức ăn thì khoảng 10 triệu người sẽ tránh được suy dinh dưỡng.

Ở một số quốc gia, trẻ em từ các hộ gia đình nghèo được thuê làm nghề trồng thuốc lá để tăng thu nhập cho gia đình. Những người nông dân trồng thuốc lá cũng phải đối mặt với một số rủi ro về sức khỏe, trong đó có chứng “bệnh thuốc lá xanh - nông dân trồng thuốc lá thường không mang bao tay, tiếp xúc với lá thuốc tươi trong môi trường ẩm ướt đã bị chất nicotine thấm qua da với liều lượng khá lớn biểu hiện ra ngoài các triệu chứng như choáng váng, nôn, đau đầu...”.

Tại Việt Nam, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách Quốc gia nhưng phần đóng góp không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Năm 2012, người dân Việt Nam đã chi cho việc mua thuốc lá là 22 nghìn tỷ đồng. Các hộ nghèo tại Việt Nam đã tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc trả tiền học cho con cái của mình.

Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra trong năm 2011 là hơn 23 nghìn tỷ đồng. Các tổn thất Việt Nam chưa tính được do sử dụng thuốc lá bao gồm chi phí điều trị 22 bệnh còn lại (tại Thái Lan tổng chi phí này là hơn 414 triệu USD/năm); chi phí giảm hoặc mất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm liên quan đến thuốc lá, (tại Mỹ là 167 tỷ USD/năm, Úc là 23 tỷ USD/năm); chi phí nghỉ giữa giờ để hút thuốc, tổn thất do cháy nổ liên quan đến thuốc lá, chi phí vệ sinh môi trường tăng.../.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất