Thứ Sáu, 20/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Tư, 18/7/2012 16:40'(GMT+7)

“Thương binh tàn nhưng không phế” - một cuốn sách đầy tính nhân văn

Ngay từ trang bìa, người đọc đã có ấn tượng bởi phía trên là nền trời màu xanh, dưới đó là một bức tường đang xây dở và có một bàn tay chỉ còn 2 ngón đã nhặt lên 1 viên gạch hồng góp vào để xây tiếp bức tường ấy. Nổi trên nền bìa xanh hông là dòng chữ tên sách “Thương binh tàn nhưng không phế”. Sách dày 268 trang, khổ 13cm x 19cm. Đây là cuốn tư liệu tập hợp 44 bài viết của 44 tác giả về 44 thương binh tiêu biểu trong cả nước thể hiện tinh thần vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, làm giàu cho quê hương đất nưóc. Có người thương bnh bị mù một mắt, cụt cả 2 tay nhưng vẫn miệt mài qua bao năm tháng mở đất trồng cây, đi tìm nghề mới, thắp sáng cho cả một vùng quê nghèo khó. Có người thương binh dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người, đem kiến thức văn hóa đến cho các em thơ. Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà văn, nhà báo, nhà khoa học xuất sắc, hoặc những cán bộ lãnh đạo, nhà quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ Trung ương đến cơ sở. Một số đã được tuyên dương Anh hùng lao động trong thời kỳ đất nước đổi mới.

Bao nhiêu câu chuyện là bấy nhiêu tấm gương vượt khó của các thương binh. Đó là “Thương hiệu cá giồng anh Bình” của tác giả Vũ Đạt kể vế anh thương binh Lê Thanh Bình ở xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá. Bị mất một mảng hộp sọ, cụt tay phải, bàn tay trái chỉ còn 3 ngón, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, anh đã đào ao thả cá bằng 2 cánh tay chỉ còn có 1 nửa. Anh được mọi người gần xa biết đến bởi thương hiệu “cá giống anh Bình”. Và thương hiệu ấy cũng trở thành niềm tự hào của chính quyền, hội cựu chiến binh và mỗi người dân quê hương xứ Thanh.

Câu chuyện “Bản lĩnh của một giám đốc thương binh”. Tác giả Dương Chí Tưởng giới thiệu về thương binh Huỳnh Thanh Sơn. Trở về sau chiến tranh với đôi chân không còn nguyên vẹn nhưng bằng nghị lực phi thuờng, anh đã trở thành Tổng giám đốc của một công ty vật liệu xây dựng có tiếng ở Bình Dương. Năm 2000 anh Sơn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Rồi người thương binh Nguyễn Mạnh Hiệp ở xã Hiền Ninh huyện Sóc Sơn, Hà Nội được giải thưởng "Bông lúa vàng Việt nam" nhờ thành tích nhận cải tạo 12,4 ha đồi rừng của lâm trường Sóc Sơn để trồng rừng có hiệu quả, đem lại nguồn kinh tế lớn, phủ xanh đất trống đồi trọc của vùng quê mình. Đó là ông Nguyễn Văn Ẩn - thương binh hạng ¼, Chi hội trưởng chi hội CCB ấp Thanh Điền xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách (Bến Tre), người đã sáng lập mô hình “vườn tình thương”. Là người thương binh đã 7 lần được phong danh hiệu Dũng sĩ - ông Đào Khắc Nhạn (Hoà Hiệp nam, Tuy Hoà, Phú Yên), nay trở thành Triệu phú nuôi tôm. Là anh thương binh nặng ¼ Trần Ngọc Lượng xã Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, Nghệ An từ thương binh nặng trở thành doanh nhân thành đạt. Là người thương binh mù Nông Quốc Mạ, Thôn Tân Hòa, Tản Lĩnh (Ba Vì - Hà Nội). Ông đã được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương Hội viên điển hình tiên tiến Hội người mù huyện Ba Vì…

Với văn phong giản dị, cách viết dễ hiểu, đi vào lòng người, có tính thuyết phục cao, cuốn sách mang ý nghĩa nhân văn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Qua cuốn sách, người viết bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ Quốc. Mỗi tấm gương là một câu chuyện đầy tính nhân văn viết về cuộc đời của các anh lính Cụ Hồ đã phát huy bản chất tốt đẹp của người lính trên mặt trận kinh tế. Các anh đã góp vào những viên gạch hồng xây dựng quê hương.

Khép trang sách lại, nhưng mỗi cuộc đời trong đó lại hiển hiện trước mắt ta, càng đọc, càng cảm phục các anh. Suy ngẫm một chút, ta thấy những tấm gương đó đã thực sự thấm thía câu nói của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế” và thể hiện bằng hành động cụ thể. Đúng vậy, các anh vừa là những chiến sĩ lập công lớn trên mặt trận chiến đấu, giờ đây lại tiếp tục lập công trên mặt trận sản xuất và dựng xây Tổ Quốc. Trong cuộc chiến, các anh đã đóng góp một phần xương máu của mình để bảo vệ non sông, thì giờ đây, các anh lại góp trí tuệ và tài năng của mình vào công cuộc dựng xây nước nhà. Cuốn sách “Thương binh tàn nhưng không phế” đem đến cho chúng ta nhiều điều bổ ích. Đọc xong ta thêm tự hào và trân trọng những thành quả mà các anh thương binh đã đóng góp cho đất nước, quê hương. Mỗi chúng ta hãy tự suy ngẫm về mình. Các anh thương binh là người mất đi một phần cơ thể, mà còn làm được những điều phi thường . Còn chúng ta thì sao? Đó là điều mà tất cả mọi người - trong đó có cả bạn và tôi - cần phải suy ngẫm và hành động thiết thực, có ích hơn cho công cuộc xoá đó giảm nghèo để dựng xây đất nước, quê hương mình.

Nguyễn Thị Hồng Vui, Khoa Thông tin thư viện - ĐH Văn hoá HN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất