(TCTG) - Đêm cuối tháng 10 năm 2010, thành phố cảng Hải Phòng yên tĩnh và thơ mộng, tôi có dịp được dự lễ trao giải thưởng các tác phẩm âm nhạc xuất sắc viết về chủ đề “Biển đảo quê hương” do Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát thành phố. Là người lính phòng không, làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời và biển, đảo của Tổ quốc, tôi háo hức chờ đợi được nghe các tác phẩm mới viết về biển đảo, ngoài ra không nghĩ đến một cuộc tìm kiếm hoặc gặp gỡ nào...
Theo dõi và lắng nghe các ca sỹ trình diễn các tác phẩm xuất sắc sẽ được công bố và trao giải thưởng đêm ấy, cảm xúc của tôi thật khó tả, bâng khuâng và cả tự hào. Đang mải mê với những cảm xúc, bỗng tôi nghe thấy tiếng của người dẫn chương trình giới thiệu tác giả: Nhạc sỹ Vũ Việt Hùng, Ban Tuyên giáo Trung ương với ca khúc “Lời từ hải đảo”. Tôi tập trung lắng nghe và thầm đoán tác giả của ca khúc đó là Anh, người lính, người Nhạc sỹ của hàng trăm ca khúc về lực lượng vũ trang và nhất là của bộ đội Phòng không đã cùng chiến hào với tôi nhiều năm trong Quân chủng Phòng không trước đây, nay là Quân chủng Phòng không- Không quân.
Phải nói “Lời từ đảo xa” là ca khúc với giai điệu nhẹ nhàng mà da diết và chỉ có người lính, người lính đã từng ở đảo, ở biển mới có cảm xúc sâu sắc và lắng đọng như vậy.Với ca từ giản dị, gần gũi, đầy tình yêu đồng đội, ngay từ câu mở đầu, người nghe đã thấy bức tranh của biển, đảo hùng vĩ và những nụ cười đầy nắng gió, tràn ngập kiêu hãnh của người lính: Tôi đến đây, với Trường Sa, cát bụi san hô, sóng biển mặn mà/ Đảo lớn đảo nhỏ, sóng reo gió hát/ Đồng đội quây quần, nụ cười sóng nhòa/ Tôi đã yêu, yêu lắm Trường Sa, đất Mẹ thiêng liêng, sáng dòng Lạc Hồng/ Tổ quốc trao cho, chúng con mãi nhớ/ Một lòng xin nguyện vững vàng nơi đây... Theo mạch cảm xúc đó, lời ca tiếp tục được giai điệu nâng cao, vút lên như những cánh chim hải âu giữa biển khơi, mang theo tình yêu của đất Mẹ, hòa quyện cùng ý chí của người lính, thành bản hòa ca về lời thề thiêng liêng quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của dân tộc, nhưng rất nhẹ nhàng: Trường Sa, Trường Sa mãi mãi không xa, dù thăm thẳm biển trời, dù đất liền cách xa/ Trường Sa, Trường Sa mãi mãi trong ta, dù cách trở nghìn trùng, dù giông tố mưa sa/ Biển quê hương vẫn mang trong lòng hơi ấm bờ xa.../ Tuổi thanh xuân chúng con xin thề, giữ vững Trường Sa.
Với cấu trúc âm nhạc chặt chẽ, lối tiến hành giai điệu như những lớp sóng, ca khúc vang lên trong một tiết tấu bình ổn và tốc độ vừa phải, đã tạo ra một không gian âm nhạc thanh bình, đầy khát vọng về một vùng biển, đảo bình yên của Tổ quốc.Tâm sự thêm về những sáng tác gần đây của anh trong cương vị công tác mới, anh nói, dù là lĩnh vực không dễ có cơ hội để sáng tác nhưng mình vẫn khai thác sự tinh tế, yếu tố nghệ thuật trong công tác tuyên giáo và thực ra anh em ta đã làm công tác tuyên giáo từ trong quân đội rồi đó. Bây giờ chỉ cần hoàn thiện các phác thảo đã tích lũy trong hành trình của mình cũng không ít chất liệu hay. Ca khúc “Lời từ đảo xa” cũng là một sản phẩm trên cơ sở phác thảo có từ những năm trong quân ngũ, cùng anh chị em lặn lội đi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc. Đến khi Hội Nhạc sỹ Việt Nam phát động sáng tác về biển, đảo quê hương là cơ hội để cảm xúc xa xưa trỗi dậy, kỷ niệm một thời quân ngũ, thời của nghệ sỹ, chiến sỹ bừng lên, thôi thúc mình dứt ra khỏi công việc hiện tại, hoàn thành ca khúc này, và nó đã được vang lên lần đầu tiên, vào đêm nay, nơi anh em mình gặp lại nhau.
Nhạc sỹ Vũ Việt Hùng từng là Trưởng đoàn Nghệ thuật của Quân chủng, tôi đã nghe nhiều ca khúc của anh viết về bộ đội phòng không. Đến nay các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Phòng không trên khắp mọi miền Tổ quốc vẫn đang hát và ghi nhận những cảm xúc của anh dành cho họ. Có thể kể đến một số ca khúc khá phổ biến như: Em còn tìm anh mãi (viết ngợi ca các liệt sỹ vô danh); Lời ru nơi cửa biển (viết tặng cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn Phòng không Hải Phòng); Trung đoàn sáng mãi tên anh (tặng cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn pháo cao xạ Tô Vĩnh Diện); Hành khúc sư đoàn 375 (tặng cán bộ, chiến sỹ đoàn Phòng không Đà Nẵng); Tình yêu người lính xăng dầu (tặng bộ đội xăng dầu); Nhịp cầu gần, nhịp cầu xa (tặng bộ đội Phòng không Hà Bắc)... Lính đặc biệt (tặng bộ đội đặc công); Thiên thần áo trắng (tặng chiến sỹ Quân y)...
Đêm ấy ở Thành phố hoa phượng đỏ thật khó quên, những ca khúc mới về biển, đảo quê hương đã làm cho thành phố biển như trẻ lại, xinh đẹp hơn, hùng vĩ hơn và cũng tự hào hơn. Với tôi, lại càng hạnh phúc hơn vì âm nhạc đã đưa tôi đến những cung bậc khác nhau nhưng đều là tình yêu đối với biển trời tổ quốc, với đồng đội, trong đó có Anh- người nghệ sỹ, chiến sỹ năm nào, nay vẫn tiếp tục sáng tác về đồng đội thân yêu của mình, Tổ quốc mình./.
Trần Thủy