Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 9/7/2015 22:16'(GMT+7)

Thượng đỉnh BRICS: Thời điểm đột phá của các nền kinh tế mới nổi

Tổng thống Putin bắt tay người đồng cấp Nam Phi Zuma (ảnh: EPA)

Tổng thống Putin bắt tay người đồng cấp Nam Phi Zuma (ảnh: EPA)

Sự kiện này được các chuyên gia đánh giá là bước chuyển lớn, khẳng định vị thế của BRICS trong trật tự thế giới mới đa cực.

Dự kiến một loạt văn kiện sẽ được ký kết tại hội nghị lần này, trong đó có Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động Ufa, Chiến lược đối tác kinh tế đến năm 2020 và nhiều văn kiện liên quan.

Tầm quan trọng của Hội nghị này được Tổng thống Bra-xin khẳng định: “Tôi nghĩ hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 của BRICS là thời điểm đột phá, vì chúng ta thảo luận về việc thành lập Ngân hàng phát triển mới và Quỹ dự trữ ngoại tệ”.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 này của BRICS được giới quan sát quan tâm đặc biệt. Nhà nghiên cứu chính trị thuộc Đại học New York của Mỹ, Cynthia Roberts cho rằng, Hội nghị năm nay đánh dấu bước chuyển từ trật tự thế giới cũ sang một trật tự mới đa cực mà ở đó, BRICS nổi lên với tư cách là tiếng nói có trọng lực về chính trị và tài chính. Nhận định này hoàn toàn có lý khi ngay trước giờ khai mạc hội nghị thượng đỉnh năm nay, các định chế tài chính đầu tiên của BRICS là Ngân hàng Phát triển mới và Quỹ dự trữ ngoại tệ đã được thành lập với tổng giá trị của định chế này là 200 tỷ USD.

Ngân hàng phát triển mới có tổng vốn là 100 tỷ USD, cựu Thống đốc ngân hàng ICIC của Ấn Độ Kundapur Vaman Kamath được bầu làm Chủ tịch. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, người giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị trong một năm tới, tuyên bố từ nay đến cuối năm, Ngân hàng phát triển mới này có thể tài trợ cho các dự án đầu tiên.

Bên cạnh đó, Quỹ dự trữ ngoại tệ của BRICS trị giá 100 tỷ đôla được thành lập nhằm bảo hiểm cho các tình huồng khẩn cấp và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30-7. Trong đó, Trung Quốc góp 41 tỷ USD, Nga, Ấn Độ và Brazil mỗi nước 18 tỷ, còn Nam Phi góp 5 tỷ.

Bên cạnh sự đột phá này, cũng không thể phủ nhận những đóng góp đầy ấn tượng của BRICS đối với nền kinh tế thế giới trong thập kỷ qua. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đóng góp của BRICS vào nền kinh tế thế giới đã tăng lên 50% trong 10 năm qua. Ngoài ra, BRICS hiện chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Các nước BRICS đã có sự tăng mạnh về thương mại đa phương năm 2014, với 291 tỷ USD.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, Tổng thống Nga Putin cho rằng, BRICS vẫn tin tưởng vào sự phát triển của các nước thành viên:“Năm ngoái, thương mại của chúng ta tăng 15%. Tuy nhiên, có sự điều chỉnh trong quý 1 năm nay. Nhưng tôi tin là xu hướng tăng trưởng thương mại sẽ vẫn được duy trì”.

Các chuyên gia cho rằng, những sáng kiến mới của BRICS có thể chưa được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống đồng đôla, nhưng định chế tài chính mới cũng khiến các nhà tài chính phương Tây phải suy nghĩ. Thực tế là các nhà tài chính phương Tây đang mất dần các công cụ cho phép họ có thể kiểm soát và chế ngự sự nổi lên nhanh chóng của BRICS.

Khái niệm về BRIC được các nhà kinh tế của Goldman Sachs đưa ra lần đầu tiên năm 2001, để chỉ các thế lực mới nổi của Á-Âu và Mỹ Latinh là Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil. Nhưng tới nay, BRICS đã trở thành một nhóm kinh tế chính trị mới, có tầm quan trọng đáng kể trên trường quốc tế.

Ông W.P.S.Sidhu, một chuyên gia về chính sách ngoại giao tại Viện Brookings India thừa nhận, “Dù bạn có thích hay không, thì BRICS vẫn nổi lên như một tiếng nói chính trị, tài chính có trọng lực trong thế giới đa cực mà nó khó có thể bị cô lập”./.

Theo VOVnews


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất