Đúng như dự đoán, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đang diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Biarritz, Tây Nam nước Pháp đã đề cập tới một loạt chủ đề “nóng” của thế giới hiện nay, trong đó nổi bật là vấn đề hạt nhân Iran, tình hình bán đảo Triều Tiên, căng thẳng thương mại hay việc đưa Nga trở lại nhóm G8 trước đây...
Tình hình Trung Đông cũng như quan hệ Mỹ-Iran gia tăng căng thẳng khiến
vấn đề hạt nhân Iran thu hút sự quan tâm đặc biệt tại hội nghị lần này.
Trong bữa ăn tối làm việc kéo dài gần 3 giờ ngày 24/8, các nhà lãnh đạo
G7 nhất trí quan điểm chung rằng Iran không nên sở hữu hạt nhân. Tuy
nhiên, các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ lo ngại rằng chiến lược mà Tổng thống
Mỹ Donald Trump thực hiện trong thời gian vừa qua sẽ chỉ làm tình hình
Trung Đông thêm căng thẳng.
Đáng chú ý, sáng kiến của Mỹ về việc thành
lập liên minh bảo vệ an ninh hàng hải tại Eo biển Hormuz ở vùng Vịnh
hiện vẫn chưa được đem ra thảo luận tại hội nghị.
Về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hội nghị G7 năm nay
chứng kiến sự khác biệt về quan điểm của Mỹ với ngay cả các đồng minh
của Washington, điển hình là Nhật Bản.
Tại cuộc hội đàm song phương bên
lề hội nghị, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông không hài lòng về
loạt vụ phóng thử vũ khí vừa qua của Triều Tiên, song lại nhấn mạnh rằng
Bình Nhưỡng “không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào”.
Theo người đứng đầu
Nhà Trắng, có nhiều quốc gia thử nghiệm tên lửa tầm ngắn, chứ không chỉ
riêng Triều Tiên. Ông Donald Trump cũng cho biết sẵn sàng tiến hành cuộc
gặp nữa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Trong khi đó, Thủ
tướng Nhật Bản Abe Shinzo lại cho rằng các vụ phóng của Bình Nhưỡng vi
phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc. Thủ tướng Abe Shinzo cũng cho
biết, lãnh đạo các nước Canada, Pháp và Đức đã nhất trí hợp tác với Nhật
Bản trong các nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Được biết, cũng tại bữa tối làm việc ở khu nghỉ dưỡng Biarritz, các
lãnh đạo G7 đã đề cập tới khả năng đưa Nga trở lại nhóm. Tuy nhiên,
trong khi Tổng thống Donald Trump vẫn ủng hộ đề xuất này thì các thành
viên khác của G7 vẫn tỏ rõ sự phản đối.
Về vấn đề thương mại, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi Tổng thống Mỹ
Donald Trump xóa bỏ các “rào cản lớn” đối với các công ty Anh mong muốn
xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ. Ông Boris Johnson cho rằng, các
rào cản này có thể đe dọa thỏa thuận thương mại tự do song phương sau
khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Trước
khi diễn ra thượng đỉnh G7 năm nay, Tổng thống Donald Trump từng bày tỏ
lạc quan khi cho rằng Mỹ và Anh sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại tự
do “lớn và tuyệt vời”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nhật Bản phụ trách đàm
phán thương mại với Mỹ Toshimitsu Motegi cho biết, nước này và Mỹ cũng
đã đạt một đồng thuận lớn trong các cuộc đàm phán thương mại và lãnh đạo
hai nước hy vọng sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này bên lề thượng đỉnh
G7 ở Pháp.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo căng thẳng
thương mại tác động tiêu cực tới tất cả các bên liên quan. Trong bài
phát biểu trên truyền hình khi lãnh đạo của các quốc gia G7 tới tham dự
hội nghị, ông Emmanuel Macron tuyên bố mục tiêu của ông là thuyết phục
các đối tác tin rằng căng thẳng thương mại có hại cho tất cả các bên và
kêu gọi hợp tác vì "sự phục hồi thực sự" cho nền kinh tế toàn cầu. Tổng
thống Emmanuel Macron cũng kêu gọi các bên nỗ lực để giảm căng thẳng, ổn
định các vấn đề và tránh các cuộc chiến thương mại.
Giới phân tích trước đó cũng dự báo rằng căng thẳng thương mại là một
trong những nội dung nghị sự chính trong thượng đỉnh G7 lần này, nhất là
sau khi Mỹ áp đặt các mức thuế mới với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời
đe dọa tiếp tục đưa các sản phẩm rượu Pháp vào “tầm ngắm”./.
Anh Vũ (qdnd.vn)