Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 27/3/2011 15:52'(GMT+7)

Thương hiệu cho Gạo Việt Nam

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Cách đây hai năm, tôi đã có dịp nghe Giáo sư Hiramatsu, nguyên Thị trưởng tỉnh Oita, cha đẻ của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” trao đổi về những kinh nghiệm mà Nhật Bản đã áp dụng thành công phong trào này. Ông đã nhấn mạnh đến việc các địa phương cần chọn cho mình được một sản phẩm đặc biệt nổi trội, có tính cạnh tranh nhất mà địa phương khác không có. "Một sản phẩm thực sự đặc sắc của địa phương tự nó sẽ mang tính toàn cầu", Giáo sư  Hiramatsu nói.

Thực tế tại Việt Nam, ở mỗi vùng quê đều có những sản phẩm riêng có. Tuy vậy, về cơ bản, những sản vật này vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên “ao nhà” mà chưa đủ tầm để vươn ra “biển lớn”. Là một quốc gia có nền “văn minh lúa nước”, lúa gạo thực sự là sản vật ngàn đời, vô cùng quý giá của người Việt.

Vậy gạo Việt đã thực sự nổi trội trên thị trường thế giới và tạo được “thương hiệu mạnh” quốc gia? Câu trả lời là chưa.

Gần 20 năm qua, “hạt gạo làng ta” đã từng ngày vươn ra thế giới. Việt Nam luôn nằm trong tốp những nước xuất khẩu gạo lớn. Riêng năm 2010, nước ta đã sản xuất đạt gần 40 triệu tấn lúa, về đích trước 5 năm (theo kế hoạch của Chính phủ, năm 2015 mới đạt 40 triệu tấn); xuất khẩu gần 6,8 triệu tấn với kim ngạch vượt ngưỡng 3 tỷ USD. Đó thực sự là “niềm mơ” đối với hàng trăm quốc gia trên thế giới. Chỉ có điều, gạo Việt “hội nhập” đã lâu nhưng chỉ xuất khẩu nhiều về số lượng mà chưa thực mạnh, chưa tạo dấu ấn riêng trên thị trường thế giới!

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng trọng điểm của cả nước về sản xuất gạo. Tuy nhiên, chất lượng lúa đang là vấn đề khá nan giải, nhiều loại giống được gieo trồng trong cùng một vùng nên chất lượng gạo không thuần chủng và không đồng đều. Do thiếu nguồn cung cấp giống tốt, hiện chỉ có hơn 30% giống cấp xác nhận được sử dụng trong sản xuất lúa. Vấn đề bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập, gây hao hụt lớn và ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo. Vì vậy, phẩm cấp hạt gạo sau khi chế biến không cao, khó tiếp cận được với các thị trường khó tính, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan.

Thực tế, ở tất cả các chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, người nông dân trực tiếp sản xuất ra cây lúa có lợi nhuận rất thấp, vì vậy, nếu không có giải pháp nâng cao lợi nhuận cho nông dân, ngành nông nghiệp khó có thể phát triển bền vững. Muốn giải quyết vấn đề này, chỉ có con đường liên kết hợp tác, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh để tạo ra sản lượng lớn, chất lượng hàng hóa đồng đều, từ đó doanh nghiệp dễ đầu tư gắn với ký kết hợp đồng thu mua. Một trong những việc “cần làm ngay” là Nhà nước phải sớm tổ chức lại hệ thống mậu dịch gạo xuất khẩu. Đồng thời, có sự đổi mới cơ bản trong chính sách nông nghiệp để thật sự chấm dứt thời kỳ nông dân làm thuê rẻ mạt cho các thương lái, chuyển sang thời kỳ nông dân làm chủ doanh nghiệp cổ phần, ngày càng đạt lợi tức cao hơn trong sản xuất - thị trường. Đây chính là “cái gốc” để họ sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, là điều kiện cần giúp gạo Việt Nam thực sự đủ mạnh, tạo ra thương hiệu riêng, nổi trội trên thị trường thế giới./.

(Theo: Nhất Ngôn/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất