GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch
Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí
Minh; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại
diện lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Học viện tham gia buổi làm
việc.
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ
Chí Minh giai đoạn 2021-2022, nêu một số kiến nghị, đề xuất, Phó Giám
đốc thường trực Học viện, PGS. TS. Nguyễn Duy Bắc cho biết
thời gian qua, Học viện đã có sự đổi mới toàn diện và đồng bộ trên các
mặt công tác, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;
nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; kiện toàn tổ chức bộ máy, phát
triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật.
Học viện đã tổ chức các hệ lớp bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng
và chiến lược cán bộ của Đảng; thường xuyên đổi mới chương trình, nội
dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng nâng cao chất lượng
giảng dạy và học tập, gắn đào tạo lý luận và tổng kết thực tiễn, tri
thức lý luận với kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Trong xây dựng và phát triển nội dung, chương trình đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình
hình mới, học viện đã hoàn thành việc bổ sung, cập nhật 19 bộ giáo trình
cao cấp lý luận chính trị và biên soạn mới 10 giáo trình trung cấp lý
luận chính trị, tài liệu bồi dưỡng đối tượng 3, đối tượng 4 theo hướng
quán triệt sâu sắc Nghị quyết, các văn kiện của Đại hội XIII và bám sát
các vấn đề thực tiễn mới trong nước và quốc tế.
Các giáo trình đã được đưa vào giảng dạy trong toàn hệ thống học
viện, các cơ sở đào tạo cao cấp lý luận chính trị của Bộ Quốc phòng, Bộ
Công an và các trường chính trị tỉnh, thành phố, các trường bộ, ngành,
đoàn thể trung ương từ tháng 9/2021.
Đây là cách làm mới, thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt của Học viện.
Đối với các chương trình đại học và sau đại học, Học viện đang tiến
hành thực hiện rà soát và xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo theo
quy định mới tại Thông tư số 17/2021/TT/BGDĐT quy định về chuẩn chương
trình đào tạo; xây dựng đề án mở mã ngành đào tạo đại học nhóm ngành
giảng viên lý luận chính trị hướng tới đào tạo giảng viên lý luận chính
trị cho hệ thống Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố, trường
bộ ngành, đoàn thể và các trường đại học, cao đẳng của hệ thống giáo dục
quốc dân.
Đặc biệt, Học viện chú trọng lồng ghép nội dung thực hiện Nghị quyết
35-NQ/TW về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan
điểm sai trái thù địch vào chương trình, giáo trình, bài giảng của các
hệ lớp.
Cùng với đó, tăng cường các đoàn kiểm tra kỷ luật, kỷ cương, ý thức
thái độ giảng dạy, học tập của cán bộ giảng viên, khắc phục tình trạng
lười học và ngại học lý luận chính trị, có ý thức tổ chức kỷ luật, có
tác phong, lối sống lành mạnh, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của học
viện.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, năm 2021-2022, hệ thống Học viện
đã chủ trì triển khai trên 1.000 đề tài, nhiệm vụ khoa học; chủ trì tổ
chức hơn 350 hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp; trên 2.000
công trình nghiên cứu khoa học được xã hội hóa.
Học viện tổ chức triển khai một số chương trình, đề án trọng điểm như Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Nghiên cứu
tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - cấu phần
quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối
cảnh mới"; Đề án "Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục
trong hệ thống giáo dục quốc dân"; Đề án cấp bộ trọng điểm giai đoạn
2020-2025 "Nghiên cứu, tổ chức biên soạn bộ sách phổ thông về tuyên
truyền, phổ biến rộng rãi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
đường lối đổi mới đất nước"; Đề án cấp bộ trọng điểm năm 2021-2022
"Những giải pháp thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội
XIII nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống"; Chương trình "Sưu tầm
tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tiêu biểu của Đảng
và cách mạng Việt Nam"; Đề án cấp Bộ trọng điểm giai đoạn 2021-2025
"Tuyển chọn, biên dịch, xuất bản một số tác phẩm tiêu biểu của Hồ Chí
Minh từ Tiếng Việt sang tiếng nước ngoài".
Từ đầu năm 2021 đến nay, Học viện xây dựng được 21 báo cáo kiến nghị
trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ. Một số báo cáo kiến nghị đã
nhận được sự phản hồi tích cực từ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được
các đồng chí chỉ đạo gửi cho các đơn vị, địa phương có liên quan tiếp
nhận và ứng dụng kết quả.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện tiếp tục đổi mới
hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
của các đơn vị trực thuộc; xây dựng được một đội ngũ cán bộ, giảng viên
với số lượng khá đông đảo, với chất lượng không ngừng được nâng cao.
Tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị, đề xuất một số nội dung nhằm
nâng cao chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu lý luận chính
trị thời gian tới, các lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Học viện đề nghị
Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét phê duyệt đề án đào tạo giảng viên
lý luận chính trị bậc đại học ngành giảng viên lý luận chính trị nhằm
đáp ứng cơ bản và lâu dài nguồn cán bộ, giảng viên của hệ thống Học
viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố, trường bộ, ngành, đoàn thể
Trung ương, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và các trường đại
học, cao đẳng của hệ thống giáo dục quốc dân.
Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc
trung ương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện đề
án trường chính trị chuẩn; xem xét, đồng ý cho Học viện phối hợp với các
ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng dự thảo Quy định mới
của Ban Bí thư về Quy chế quan hệ phối hợp công tác giữa Học viện và các
ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy
trực thuộc Trung ương thay cho Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 11/11/2009
của Ban Bí thư.
Về công tác nghiên cứu khoa học, cán bộ Học viện đề nghị Bộ Chính
trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo phân công trách nhiệm, nhiệm vụ
và cơ chế phối hợp giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với Hội
đồng Lý luận Trung ương và Hội đồng khoa học các ban Đảng trong việc
nghiên cứu, tham mưu, tư vấn chính sách và công tác lý luận của Đảng;
giao nhiệm vụ và nguồn lực để Học viện phát huy thế mạnh của mình trong
tham gia nghiên cứu tham mưu chính sách, xây dựng các chương trình, đề
án, dự thảo văn kiện trình Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; xây dựng
chương trình bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ nòng
cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng;
trước mắt xây dựng chương trình bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ nòng
cốt của Học viện, các Trường Chính trị, trường cán bộ bộ/ngành/đoàn thể
Trung ương và đội ngũ chuyên gia, cán bộ nòng cốt của Ban Chỉ đạo 35 cấp
tỉnh và cấp huyện…
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo và kết luận buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN)
Kết luận buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh
giá, hai năm sau Đại hội XIII của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ
Chí Minh đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng đạt được nhiều kết quả tốt
trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Học viện không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào
tạo và chính nhờ việc không ngừng đổi mới đó đã góp phần nâng cao chất
lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện.
Công tác nghiên cứu khoa học có những bước tiến quan trọng, từng bước
đã khẳng định rõ vị thế, vai trò của Học viện là trung tâm quốc gia
nghiên cứu lý luận chính trị và tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, Học viện chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước
về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý của cả hệ thống
chính trị. Học viện đã phối hợp tốt với các ban, bộ, ngành và các địa
phương tổ chức nhiều hoạt động để thống nhất, nâng cao năng lực quản lý,
nâng cao chất lượng giảng dạy của các trường chính trị trong cả nước.
Học viện đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt, toàn diện công
tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái. Đồng thời, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng
cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc; xây dựng
đội ngũ cán bộ, giảng viên với số lượng khá, đông đảo, chất lượng được
nâng lên.
Chia sẻ một số ý kiến trong công tác Học viện thời gian tới, đồng chí Võ
Văn Thưởng nêu trăn trở và mong muốn lãnh đạo Học viện cùng đội ngũ cán
bộ, giảng viên Học viện có quyết tâm chính trị cao, giữ vững và khẳng
định bản sắc của trường Đảng cao cấp Trung ương, định vị vị trí quan
trọng số một không thể thay thế được của Học viện trong công tác đào tạo
cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp cho Đảng và Nhà nước.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, Trường Đảng phải là nơi quy
tụ những tinh hoa, cán bộ cấp chiến lược. "Làm sao chúng ta định vị để
ai đã bước vào Trường Đảng cao cấp Trung ương, sau này sẽ trở thành
những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng" - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn
Thưởng nhấn mạnh và cho rằng, những chương trình đào tạo có tính chất
đại trà về cao cấp chính trị nên giao cho các trường chính trị địa
phương, khu vực.
"Học viện phải giữ một vị trí rất thiêng liêng trong tâm tưởng, trong
suy nghĩ của đội ngũ cán bộ. Đảng viên đã vào đây rồi, phải được rèn
luyện toàn diện, đầy đủ", Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn
mạnh.
Bên cạnh đó, Học viện cần tập trung đề ra các giải pháp hiệu quả để
nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng đổi
mới phương pháp giảng dạy.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng bày tỏ mong muốn Học viện phải trở thành một "túi khôn" của Đảng bởi
trong quy định của Bộ Chính trị đã nêu rõ, học viện là trung tâm quốc
gia về nghiên cứu lý luận chính trị để cung cấp những luận cứ, cơ sở
khoa học để xây dựng đường lối, chiến lược phát triển đất nước.
Học viện cần củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy,
nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện; chú trọng xây dựng,
triển khai các chương trình và tài liệu học tập tốt với các chức danh.
Đồng thời, tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch./.
Thu Phương (TTXVN)