Bất chấp sự phản đối của Nhà Trắng, Thượng viện Mỹ ngày 18/6 đã thông
qua dự luật chính sách quốc phòng trị giá 612 tỷ USD, theo đó cho phép
cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine và gây nhiều khó khăn cho kế
hoạch đóng cửa nhà tù tại Guantanamo của Tổng thống Barack Obama.
Với 71 phiếu thuận và 25 phiếu chống, dự luật đã thuận lợi vượt "ải"
Thượng viện. Theo dự luật trên, Lầu Năm Góc sẽ cắt giảm hàng tỷ USD ngân
sách lãng phí và tiến hành nâng cấp quân lực, trang bị thêm máy bay
tiêm kích tấn công kết hợp F-35B và tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia.
Dự luật cũng dành 300 triệu USD hỗ trợ khí tài quân sự cho Ukraine, bao gồm radar và vũ khí chống tăng.
Tuy nhiên, dự luật này cũng sẽ gây khó khăn cho nỗ lực đóng cửa nhà tù
Guantanamo của Tổng thống Obama, bằng việc gia hạn lệnh cấm xây dựng
hoặc nâng cấp các cơ sở của Mỹ để giam giữ tội phạm khủng bố và cấm
chuyển các tù nhân từ Guantanamo tới lãnh thổ Mỹ ngoại trừ trong trường
hợp khẩn cấp về y tế.
Ngay sau đó, với tỷ lệ 50 phiếu thuận và 45 phiếu chống (không đạt được
đa số 60% cần thiết), các nghị sỹ Dân chủ đã chặn dự luật chi tiêu quốc
phòng tài khoá 2016 thông qua tại Thượng viện Mỹ.
Đây là một phần trong chiến dịch buộc phe Cộng hòa đa số phải bắt đầu
đàm phán về ngân sách bằng cách chặn bất cứ dự luật phân bổ ngân sách
nào tiến đến được cuộc bỏ phiếu cuối cùng.
Trước phiên bỏ phiếu, Thượng nghị sỹ Harry Reid, thủ lĩnh phe thiểu số
của đảng Dân chủ tại Thượng viện, cùng một số lãnh đạo đảng này đã gửi
một bức thư tới Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số của
đảng Cộng hòa tại Thượng viện, để kêu gọi khởi động các cuộc đàm phán
ngân sách vào tuần tới.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ. Ngay sau khi
có kết quả bỏ phiếu, ông McConnell đã ra một kiến nghị giữ lại bản dự
thảo trên để tiếp tục cân nhắc.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến giữa hai phe Dân
chủ và Cộng hòa xung quanh vấn đề cắt giảm ngân sách vẫn chưa tìm ra
giải pháp.
Các nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa lập luận quốc phòng là một nội dung quan
trọng, đặc biệt trong bối cảnh đang xảy ra xung đột tại nhiều nơi trên
thế giới.
Trong khi đó, Tổng thống Obama cùng các thành viên đảng Dân chủ cho rằng
các chương trình nội địa phi quân sự cũng không kém phần quan trọng và
việc dỡ bỏ cắt giảm chi tiêu nếu được áp dụng thì phải được tiến hành
đồng thời ở cả hai bên./.
(TTXVN)