Chủ Nhật, 22/9/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 1/12/2012 21:29'(GMT+7)

Thủy điện và Phát triển bền vững

Phát lệnh khởi công dự án Thủy điện Trung Sơn. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Phát lệnh khởi công dự án Thủy điện Trung Sơn. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Dự án Thủy điện Trung Sơn công suất 260MW vừa được khởi công cách đây ít ngày cho thấy một vài điều khác biệt so với những thủy điện trước đây: Thứ nhất, những thông tin về dự án này rất minh bạch, dày dặn, phong phú, dễ tìm kiếm. Chỉ cần vào trang web của Ban Quản lý dự án, hoặc vào trang web của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - đơn vị tài trợ cho dự án - là đã có rất nhiều thông tin về dự án này, trong đó có yếu tố an toàn, các báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội, việc giải quyết khiếu nại đối với người dân...

Thứ hai là theo chủ đầu tư, những vấn đề về môi trường và động đất đều được tính toán ở mức độ tối đa, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro, thiệt hại và thảm họa. Thủy điện Trung Sơn được thiết kế đập tràn sự cố (đập cầu chì) để phòng ngừa, giảm thiệt hại từ những trận lũ khủng khiếp nhất (xác suất là 1000 năm có một lần) có thể xảy ra. Ngoài ra, đập còn có cống xả cát ở đáy để tăng tuổi thọ công trình. 

Thứ ba là việc di dân tái định cư, đền bù nhà ở, đất sản xuất, tái tạo sinh kế cho người dân được tiến hành thận trọng, lấy ý kiến của chính quyền, người dân trong vùng dự án, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học... theo phương pháp thuyết phục chứ không cưỡng chế. Người dân phải di dời được họp bàn để chọn vùng tái định cư, vị trí chỉ cách nơi ở cũ khoảng vài ki-lô-mét. Họ có thể sống ở nhà tái định cư được xây sẵn, hoặc được cấp tiền để tự xây nhà mới theo nguyện vọng...

Thủy điện đang là vấn đề nóng, thậm chí gây "dị ứng", tập trung nhiều bức xúc trong xã hội. Những bức xúc thường liên quan tới an toàn hồ, đập; động đất kích thích; hủy hoại môi trường; các khiếu kiện, xáo trộn, bất ổn cho cuộc sống người dân vùng dự án... Một số thủy điện lớn đã được hoàn thành hàng chục năm nhưng người dân thuộc diện tái định cư vẫn chưa thể "an cư lạc nghiệp". Suy cho cùng, nguyên nhân của thực trạng phát triển thiếu tính bền vững của thủy điện là do các dự án đã được tiến hành một cách vội vàng, không theo quy hoạch, hoặc quy hoạch chưa thật khoa học, hợp lý. Có cảm giác như, trong không ít trường hợp, lợi ích về kinh tế từ dự án thủy điện chưa thực sự hài hòa với lợi ích của người dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án và vấn đề bảo vệ môi trường. 

Dự án thủy điện Trung Sơn mới khởi công nên chưa thể đánh giá toàn diện về những mặt tích cực của nó. Từ nay tới năm 2017, khi công trình được hoàn thành và ngay cả sau khi đi vào vận hành là khoảng thời gian rất dài để những lời nói hay, những lời hứa hẹn được kiểm nghiệm trên thực tế. Thế nhưng, những biểu hiện của tính minh bạch, thái độ có trách nhiệm và phương pháp tiến hành công việc một cách khoa học đã tạo ra niềm tin bước đầu rằng công trình này có thể xây dựng cách nhìn khác, thiện cảm hơn về thủy điện. Mỗi dự án thủy điện cần đạt được sự hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, an dân, chăm lo đời sống của người dân vùng dự án. Nếu làm được như thế thì sẽ hạn chế được những xung đột gay gắt giữa nhu cầu phát triển và sự bảo tồn, ổn định, bền vững./.

(Hồ Quang Phương/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất