Thứ Sáu, 20/9/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Sáu, 10/5/2019 9:5'(GMT+7)

Tích cực mở rộng đối tượng, tiến đến 100% dân số tham gia BHYT

1. Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị 38, các địa phương đã và đang tiến hành đánh giá những kết quả đạt được; trong đó nổi lên những điểm nhấn sau… một số kết quả đạt được hết sức khả quan, đó là:

Nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách BHYT được nâng lên; hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT từng bước được hoàn thiện, thủ tục hành chính trong việc giải quyết các quyền lợi cho người dân ngày được cải tiến và rút gọn. Tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội (BHXH) các cấp được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả và chuyên nghiệp; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng và thực hiện tốt hơn, công tác phát triển đối tượng tham gia và thu BHYT ngày càng phát triển. 

Quyền lợi của người dân tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được bảo đảm. Hiện nay, chi phí khám, chữa bệnh của đối tượng tham gia BHYT chiếm 70 - 90% nguồn thu của các bệnh viện, cơ bản bảo đảm các chi phí trực tiếp để phục vụ người bệnh và hoạt động của bệnh viện. 

Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ BHYT theo Nghị quyết số 18/2008/QH12, Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã giao quyền tự chủ cho cơ sở KCB đã tăng quyền lợi, giảm chi tiền túi đối với người tham gia BHYT khi sử dụng dịch vụ y tế, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số. 

Về cơ chế tài chính, đã thực hiện chủ trương từng bước chuyển việc cấp ngân sách Nhà nước chi thường xuyên cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đồng thời, bảo đảm tính công bằng trong đánh giá hiệu quả hoạt động giữa các cơ sở y tế trên cả nước, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT và thúc đẩy việc tham gia BHYT. 

Công tác giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT được tập trung cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng quản lý, tăng khả năng giám sát, kiểm soát, bám sát định hướng cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT, góp phần nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của cơ quan BHYT, của cơ sở khám, chữa bệnh. Cổng dữ liệu y tế và hệ thống thông tin giám định BHYT đã được triển khai và chính thức đi vào hoạt động từ 30-6-2016 là mốc quan trọng của ngành y tế và BHXH trong việc thực hiện chính sách BHYT.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chỉ thị 38 và quá trình triển khai Luật BHYT thời gian qua đã phát sinh một số hạn chế, bất cập. 

Một là, một số cấp ủy đảng, chính quyền còn chưa quán triệt, phổ biến sâu rộng chính sách về BHYT đến được đối tượng đóng, hưởng chế độ BHYT, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam bộ và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Người dân chưa được tuyên truyền đầy đủ về những quy định mới của Luật BHYT, chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm tham gia BHYT của bản thân và gia đình đối với xã hội,... dẫn đến chưa hiểu quy định, chưa sẵn sàng tham gia BHYT hoặc lúng túng trong đăng ký, tham gia BHYT.

Hai là, các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc như: Phạm vi được hưởng BHYT, mức hưởng; tổ chức khám chữa bệnh BHYT; phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT;…

Ba là, tình trạng bội chi Quỹ BHYT vẫn tăng và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tình trạng bội chi Quỹ BHYT đã lên tới 60 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, có tới 13 địa phương ước bội chi quỹ BHYT đến hơn 200 tỷ đồng mỗi tỉnh, thành phố. Nguồn kết dư Quỹ BHYT từ các năm trước đang cạn dần, nguy cơ sẽ âm quỹ BHYT nếu không có các giải pháp hữu hiệu...

Bốn là, tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Đó là những thách thức không nhỏ, cần có các giải pháp quyết liệt, tổng thể, toàn diện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì mới có thể thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân theo tinh thần của Chỉ thị 38 và quy định của Luật BHYT.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội  Việt Nam, đến hết tháng 4-2018, số người tham gia BHYT là 80,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% số dân. Gần 14% số dân chưa tham gia BHYT, chủ yếu là đối tượng hộ gia đình, người lao động tự do. Sở dĩ các đối tượng này tham gia BHYT chậm là do ý thức tham gia BHYT chưa cao, nhất là chính sách còn nhiều bất cập.

2. Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHYT. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương, nhất là các địa phương phải xác định thực hiện chính sách BHXH, BHYT là nhiệm vụ chính trị, là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình; đồng thời ưu tiên nguồn ngân sách, huy động kinh phí để hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, đài báo,… nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHYT và tự giác tham gia.

Ðặc biệt, phải xem công tác tuyên truyền là khâu đột phá, phải tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ, nhất quán về nội dung, tập trung đúng đối tượng, với các hình thức phong phú, phù hợp. Việc tuyên truyền không chỉ chuyển tải nội dung mới của Luật BHYT và các chính sách BHYT mà còn phải làm cho người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của họ khi tham gia BHYT. Trong thời gian tới, nhóm đối tượng cần tập trung tuyên truyền gồm nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên, người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp tư nhân; tạo được sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm tham gia BHYT trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư. Đó là yếu tố cơ bản để thực hiện thành công lộ trình BHYT toàn dân.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói BHYT, tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại. Nâng cao năng lực, chất lượng giám định BHYT bảo đảm khách quan, minh bạch. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở y tế. Cải tiến mạnh mẽ quy trình khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Đẩy mạnh tin học hóa hệ thống quản lý y tế nói chung, quản lý bệnh viện nói riêng để minh bạch hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý các cơ sở y tế.

Thứ ba, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT; tăng cường công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHYT. Kiện toàn tổ chức bộ máy BHXH, nhất là cấp cơ sở để thực hiện các chế độ, chính sách BHYT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; mở rộng hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh bảo đảm liên thông giữa bệnh viện với cơ quan BHXH, từng bước hiện đại hoá hệ thống thông tin quản lý  và sử dụng Quỹ BHYT. 

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và BHXH ở các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHYT, quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia từ cơ sở. Củng cố và tăng cường công tác quản lý Quỹ BHYT bảo đảm thu chi theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT giám sát việc thực hiện khám, chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở, đảm bảo sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT tại mỗi địa bàn cơ sở; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi Quỹ BHYT./.

Phạm Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất