(TG) - Thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực định hướng và hỗ
trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải
carbon, nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các
giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng,
sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Một trong những nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, là hoạt động sản xuất phát thải carbon cao, gây hiệu ứng nhà kính. Đây là hệ quả tất yếu của nền kinh tế một chiều, hay còn gọi là nền kinh tế tuyến tính. Trong nền kinh tế một chiều, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng là nguyên liệu đầu vào, quá trình tổ chức sản xuất theo tuyến tính nhằm mục tiêu cốt lõi là năng suất sản phẩm. Nhưng năng suất càng cao cũng có nghĩa là tài nguyên càng bị khai thác nhiều.
Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế phát triển tất yếu, một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”. Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu cũng như đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, vấn đề phát triển xanh, xuất khẩu xanh, bền vững không còn là chủ đề mới. Hiện nay, các cơ quan chính phủ, tổ chức công và khối tư nhân trên thế giới đã đặt sự quan tâm lớn tới vấn đề liên quan tới chủ đề thương mại xanh.
Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam
2023: “Xúc tiến xuất khẩu xanh” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/11 tại Hà
Nội.
Theo Lãnh đạo Bộ Công thương, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường. Theo đó, phát triển xanh, bền vững được định hướng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 của Việt Nam; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 1/10/2021 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg về Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải carbon, nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn.
Mới đây, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 980/QĐ-TTG ngày 22/8/2023 về danh mục đối tượng ưu tiên đầu tư các sản phẩm công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường và Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than.
Bộ Công Thương cũng thường xuyên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức chuỗi hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng theo chủ đề giữa Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm trao đổi thông tin, cập nhật các thông tin mới nhất về quy định của quốc tế, chính sách pháp luật quốc gia nhập khẩu, đặc biệt các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, các chính sách, tiêu chuẩn sản phẩm xanh để giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực trong quá trình phát triển và sản xuất kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu và yêu cầu của các nhà mua hàng quốc tế.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương mong muốn tiếp tục nhận được các khuyến nghị về xây dựng chính sách để thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu xanh, các giải pháp cho hiệp hội và doanh nghiệp xúc tiến chuyển đổi xanh trong sản xuất và xuất khẩu, giải pháp về xúc tiến xuất khẩu xanh... Từ đó tiếp tục có những đánh giá phân tích và xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả, định hướng cho hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với bối cảnh mới./.
Nguyễn Thị Phượng - Nguyễn Trọng Quân