Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 14/6/2010 10:23'(GMT+7)

Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới, thức ăn đường phố là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng.

Tại Việt Nam, thức ăn đường phố bán trên hè phố và bán rong rất phát triển ở các đô thị. Tuy nhiên, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố diễn ra một cách phổ biến, đây chính nơi phát sinh nguy cơ cao lây nhiễm bệnh dịch.

Tại chợ Cầu Giấy, lúc 8 giờ sáng, dãy hàng bún, phở nằm khuất trong góc, ngay cạnh những hàng bán thực phẩm tươi sống, chiếc bàn để khách ăn thấp lè tè, phía dưới ngổn ngang xương, giấy ăn trên nền chợ ẩm thấp, nhớp nháp… Quán bún đầu dãy hàng ăn, ngay sát nồi nước dùng là một đống rác với đủ thứ hổ lốn. Nhưng khách vẫn liên tục ra vào bất chấp những điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Xuyên, Ban Quản lý chợ Cầu Giấy cho biết, chợ vẫn thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở những hộ kinh doanh giữ vệ sinh, quận Cầu Giấy, Sở Y tế Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra định kỳ.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về điều kiện vệ sinh tại các hàng ăn ở chợ, nguồn gốc thực phẩm thì bà Xuyên lấy lí do diện tích của chợ nhỏ khó sắp xếp: “Tổng diện tích chợ chỉ có 1400 m2, việc sắp xếp hàng ăn được thực hiện từ khi mới vào chợ, bây giờ muốn chuyển đổi chắc chắn phải cải tạo lại. Về nguồn gốc rau, chúng tôi không đảm bảo hết. Trong khi chợ không có quầy nào bán rau sạch nhưng nhiều bếp ăn ở đây vẫn sử dụng rau tại chợ”.

Tại một quán cơm bình dân ở khu vực gần trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vào giờ trưa, khách đã đông nghẹt. Thực khách của quán ăn này chủ yếu là sinh viên. Quán nằm ngay bên cạnh đường, bụi bẩn, nhưng những khay đồ ăn bày trên bàn không được che đậy. Phía bên cạnh, vài gánh hàng rong bán bún đậu mắm tôm, bún cua cũng đông khách không kém quán cơm. Chủ các gánh hàng rong dù có đeo bao tay giữ vệ sinh nhưng khi lấy ghế hay nhận tiền của khách họ cũng chẳng tháo ra…

Nguyễn Việt Đức sinh viên năm thứ 3, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, giá những hàng quán vỉa hè hợp với túi tiền sinh viên, vào quán sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh thì không đủ tiền. Nguyễn Việt Đức nói: “Họ có một xô nước và rửa tất cả các bát đũa vào đó. Từ đầu buổi tới cuối buổi cũng chỉ một xô nước đó thì làm sao vệ sinh được. Nhưng vệ sinh khá thì giá lại đắt nên phải chấp nhận thôi”. 

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh Thực phẩm, các vụ ngộ độc thực phẩm trong những năm gần đây có tới hơn 76% là do thức ăn đường phố và dịch vụ ăn uống công cộng. Bà Chu Thị Dự, Phó Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn cho rằng, thức ăn đường phố có nguy cơ rất cao phát sinh dịch bệnh, đặc biệt là tiêu chảy cấp nhất là thời điểm mùa hè. Và tự mỗi người phải ý thức việc bảo vệ chính bản thân mình bằng cách ăn uống vệ sinh.

Bà Chu Thị Dự nói: “Mùa hè thường là mùa của bệnh dịch, trong đó thường gặp nhất là dịch sốt xuất huyết, dịch tiêu chảy cấp, và dịch cúm A. Dịch tiêu chảy thường lây theo đường ăn uống cho nên cách phòng tốt nhất là mình vệ sinh chân tay sạch sẽ trước khi ăn, đồ ăn phải đảm bảo ăn chín uống sôi đây là cách tốt nhất phòng bệnh”.

Thực tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố vẫn là vấn đề nan giải tại các đô thị lớn trong cả nước. Chưa có một cơ quan nào đảm bảo được về vệ sinh an toàn cho thức ăn đường phố, và tình trạng mất vệ sinh vẫn diễn ra phổ biến, chính điều này có thể tạo nên nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt trong thời điểm nắng nóng hiện nay./.

Hoài Lam - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất