Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 21/10/2022 15:16'(GMT+7)

Tiền Giang: “Xây dựng và phát triển văn hóa” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Tiết mục văn nghệ giao lưu của đơn vị huyện Gò Công Đông

Tiết mục văn nghệ giao lưu của đơn vị huyện Gò Công Đông

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có những quyết sách đúng đắn để phát triển văn hóa phù hợp với từng thời kỳ cách mạng. Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới và hội nhập, Đảng ta luôn khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa: “Xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Theo đó, văn hóa cần phải được chú ý, ưu tiên đi trước, tác động tích cực, thường xuyên đến sự phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa cần phải được xem là mục tiêu của mọi sự phát triển, là sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước. 

Ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa; đặc biệt tập trung thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và thực hiện Luật Di sản văn hóa, nên công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới ở tỉnh đạt được những kết quả quan trọng.

Đồng thời, hướng dẫn và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa lịch sử địa phương, dân tộc trên địa bàn tỉnh. Chú trọng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu các sản phẩm, đặc sản của Tiền Giang để thu hút khách du lịch theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 05/4/2017 của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai Nghị quyết của Đảng về văn hóa 

Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm triển khai, thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Xác định “Xây dựng và phát triển văn hóa” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt việc triển khai quán triệt sâu rộng chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cụ thể hóa Nghị quyết 33-NQ/TW bằng Chương trình hành động 57-CTr/TU, ngày 22/8/2014 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó, cấp ủy đảng khẩn trương xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nghị quyết, chú trọng các giải pháp phối hợp thực hiện, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ nhằm cụ thể hóa, đưa nội dung nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực trong đời sống xã hội, phục vụ lợi ích của Nhân dân và sự phát triển của tỉnh.

Tiết mục ca múa hát “Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi” chào mừng kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022)

Tiết mục ca múa hát “Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi” chào mừng kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022)

Xuất phát từ ý nghĩa và yêu cầu thực tế đó, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã xây dựng 4 Đề án: “Phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020”; “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025”; “Thí điểm nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường trên địa bàn thị xã Gò Công năm 2020”; “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021”.

Các phong trào văn hóa góp phần tạo thành sức mạnh nội sinh.

Quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho công tác xây dựng và phát triển văn hóa từ trước đến nay của Đảng ta. Văn hóa là sức mạnh nội sinh góp phần tuyên truyền, giáo dục, định hướng, “soi đường” cho nhận thức và hành động của mỗi con người. Khởi nguồn từ những hoạt động, phong trào văn hóa có giá trị về mặt nhân văn, có tính tổ chức cao hướng đến “chân, thiện, mỹ” sẽ làm cho con người có tình người hơn, thương yêu, chia sẻ với nhau hơn. Minh chứng từ thực tế “đồng lòng chống dịch” Covid-19 của cả nước vừa qua, từ lời kêu gọi, từ nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng mà toàn hệ thống chính trị và tất cả Nhân dân cùng “đồng lòng”, “cả nước cùng ra trận”, cùng “xuống đường” để chống “giặc”, có thể nói các phong trào mang tính văn hóa, từ các hoạt động của con người có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đất nước. Vì vậy các cấp ủy, chính quyền địa phương cần có những nội dung, giải pháp cụ thể hóa, chủ trương, nghị quyết, góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào hiện thực đời sống xã hội.

Các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ được quan tâm, đầu tư, tạo nên phong trào văn hóa lành mạnh, bổ ích làm nền tảng tinh thần trong nhân dân. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn như Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp; Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đường hoa Xuân và các hoạt động vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng lãm của Nhân dân trong tỉnh và du khách trong, ngoài nước vừa góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Tiền Giang. Đồng thời, góp phần giữ gìn, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc; bồi đắp lý tưởng, nhân cách sống, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Tiền Giang luôn quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh nhằm giữ gìn và tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, quảng bá giá trị di sản văn hóa của Tiền Giang với khách tham quan du lịch trong và ngoài nước. Hiệu quả khai thác và phục vụ khách tham quan tăng lên theo từng giai đoạn, giai đoạn 2010 - 2015 có 1.938.507 lượt khách; giai đoạn 2015 - 2020 có 3.312.435 lượt khách đến tham quan. Trong 9 tháng đầu năm 2022, lượt khách du lịch đến tỉnh 542,7 ngàn lượt, tăng 1,1 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 14 ngàn lượt, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có 439.637/464.764 hộ đạt 3 tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, đạt 94.59%; 1.005/1.005 ấp, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 100%; 163/172 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng được triển khai từ năm 2006, đến nay đã có 11/11 huyện, thành, thị xây dựng và đã công nhận 65 chợ văn hóa; 17 công viên văn hóa; 824 con đường văn hóa, 543 cơ sở thờ tự văn hóa. Có 184 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 162 di tích cấp tỉnh và 22 di tích cấp quốc gia, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt.

Công tác trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử, văn hóa; sưu tầm các hiện vật bảo tàng cũng được chú trọng thực hiện thường xuyên. Rạp hát Thầy Năm Tú và Nhà Bạch Công Tử là 02 di tích văn hóa nổi tiếng một thời của vùng đất lục tỉnh xưa nay đã được trùng tu, khai thác. Từ năm 2015 đến nay, rạp hát Thầy Năm Tú (phường 1, thành phố Mỹ Tho) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức hơn 600 chương trình đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương miễn phí, thu hút nhiều tài tử và khán giả mộ điệu đến dự xem và tham gia biểu diễn. 

Có thể nói công tác giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống để khơi dậy sức mạnh nội sinh luôn được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thời gian tới tỉnh Tiền Giang cần tập trung thực hiện một số nội dung, giải pháp sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới; đề ra những quyết sách phù hợp để khơi dậy sức mạnh nội sinh và phát huy vai trò “soi đường” của văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Thứ hai, nâng cao nhận thức trong nội bộ đảng và Nhân dân chăm lo sự nghiệp văn hóa chính là để tạo ra sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới hiện nay là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực tham mưu của cơ quan chuyên trách và cán bộ làm công tác văn hóa, góp phần đưa những quan điểm chỉ đạo, nội dung, chương trình hành động thực hiện nghị quyết thành hiện thực. Chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ văn hóa đủ chuẩn, đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu hoạt động vui chơi, giải trí thiết thực của Nhân dân.

Tóm lại, trong những năm qua với quyết tâm chính trị cao trong tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các giải pháp và sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các ban, ngành, đoàn thể trong tham mưu, tổ chức thực hiện, chắc chắn rằng trong thời gian tới việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Tiền Giang theo hướng phát triển toàn diện, đạt các giá trị chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực. Văn hóa sẽ thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tấn Quân

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất