Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 11/10/2022 14:37'(GMT+7)

Tủ sách và tủ lạnh

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Cách nói ẩn dụ của TS. Nguyễn Mạnh Hùng được nhiều chuyên gia, diễn giả, độc giả... bày tỏ đồng tình. Thúc đẩy văn hóa đọc trong bối cảnh bùng nổ công nghiệp thông tin, công nghệ thông minh là vấn đề vô cùng quan trọng nhưng cũng vô cùng nan giải. Chúng ta đã nói nhiều, bàn nhiều, nhưng hiệu quả đạt được trên thực tế vẫn chưa như mong muốn!

Chỉ cần nhìn ngôi nhà, căn hộ, phòng trọ, phòng làm việc... của các cá nhân, gia đình hiện nay thì rõ. Bất kỳ ai, dù ở đâu, làm gì, trong căn phòng, ngôi nhà của mình cũng không thể thiếu cái tủ lạnh. Đó là công cụ thiết yếu phục vụ nhu cầu của cái dạ dày. Nhà có điều kiện kinh tế, nhà giàu, ở trong các biệt thự, căn hộ cao cấp... thì tủ lạnh có khi cần đến mấy cái. Trong không gian đó, tủ lạnh không chỉ là nơi trữ lạnh, bảo quản thức ăn mà còn là một thiết chế trong kiến trúc, nghệ thuật sắp đặt. Tủ lạnh, vì thế, được các nhà sản xuất không ngừng nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, tối ưu hóa tính năng và công dụng. Tủ sách, ngược lại, đã và đang bị coi nhẹ, bỏ quên, thậm chí là biến mất, ngay cả trong các biệt thự hạng sang...

Nhìn sâu hơn về quá khứ, khi đại đa số gia đình chưa có tủ lạnh, dù đời sống kinh tế khó khăn nhưng sách thì không thể thiếu. Sách và đọc sách là nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Hình ảnh trẻ mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu dán mắt vào cuốn truyện hay cụ già tóc bạc phơ ngồi tựa gốc đa làng soi chữ qua cặp kính lão... mãi là một biểu tượng đẹp trong văn hóa của người Việt. Nhưng, nó đã ở thì quá khứ. Lấy hình ảnh ấy để soi rọi trong môi trường công nghệ số hiện nay chỉ là cách để người ta hồi tưởng, làm giàu hơn vốn sống, bồi đắp cho sắc thái truyền thống. "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông" nên không thể mơ ngày xưa trở lại...

Tủ lạnh và tủ sách chỉ là hình ảnh ẩn dụ của hai thái cực: Hiện đại và truyền thống!

Mỗi bước tiến của văn minh công nghiệp là một bước thụt lùi, biến mất của những sản phẩm vật chất và hình thức sinh hoạt thủ công, truyền thống. Công nghệ nghe-nhìn ngày càng tiện ích, hiện đại thì việc đọc theo phong cách truyền thống ngày càng ít đi. Đó là quy luật tất yếu. Vì thế, trong bối cảnh đất chật, người đông, hàng trăm, hàng ngàn hộ gia đình phải chen chúc trong các khu chung cư, căn hộ chật hẹp, việc mong muốn độc giả dành không gian để lắp đặt tủ sách, giá sách, e là khó khả thi.

Chính vì vậy, không thể nói rằng những người không có tủ sách là hạn chế về tri thức! Nhưng, nếu ai đó thứ gì cũng có mà tìm đỏ mắt không thấy dấu vết của sách và văn hóa đọc thì rất khó để nói, đó là người giàu tri thức!

Hãy nói cho tôi biết bạn đọc gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người thế nào!

Mơ ước để đến một ngày nào đó trong mỗi nhà, tủ sách to hơn tủ lạnh là rất khó khả thi. Nhưng để giúp độc giả đọc sách nhiều hơn thì hoàn toàn có thể. Muốn người dân đọc sách thì phải kích cầu, kích thích niềm đam mê, tình yêu sách. Các mô hình: Hội sách, nhà sách, phố sách, đường sách, cà phê sách, khách sạn sách, sách điện tử... chúng ta đã và đang triển khai là rất hữu ích. Nhưng đó vẫn chỉ là những hình thức và giải pháp. Muốn bạn đọc yêu sách thì thị trường đọc phải cung ứng được nhiều sách hay. Sách hay là chữ nghĩa trong đó chạm đến được trái tim độc giả, giúp độc giả làm giàu tri thức, vốn sống, vươn tới ước mơ, hòa cùng khát vọng dân tộc hùng cường...

Nhu cầu làm giàu tri thức không bao giờ vơi cạn. Nhu cầu ấy ngày càng cao, khát vọng thời đại ngày càng lớn mà thị trường sách đầy thứ làng nhàng, dễ dãi, vô bổ... thì cho dù tủ sách có to đến mấy cũng chẳng để làm gì./.

Phan Tùng Sơn (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất