Thứ Hai, 23/12/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 13/8/2015 21:47'(GMT+7)

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Nới biên độ tỷ giá là kịp thời và nhạy bén

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)


Những trao đổi dưới đây của tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, với báo chí sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

- Ông có thể cho biết nguyên nhân của việc phá giá đồng nhân dân tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa qua?

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa: Thông thường, một ngân hàng Trung ương khi chủ trương phá giá đồng tiền của họ một cách tương đối mạnh đều nhằm mục tiêu quan trọng nhất là lập lại cân bằng kinh tế vĩ mô, trước hết là cân bằng về ngân sách. Khi phá giá đồng tiền thì thường có lợi cho ngân sách, tức có sự chênh lệch nhất định giữa khoản thu ngân sách tính ra đồng nội tệ, tính ra đồng ngoại tệ và chi ngân sách tính ra đồng ngoại tệ.

Thứ hai, phá giá đồng tiền cũng làm cho lương thực tế của những người làm công ăn lương giảm đi, như vậy cũng có lợi cho các doanh nghiệp. Đặc biệt những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, họ muốn lập lại cân bằng của cán cân vãng lai dài hạn. Họ dự đoán Trung Quốc có những thay đổi căn bản về mặt cấu trúc nên họ phải tính toán trước.

Ngoài ra, họ dự định tái cấu trúc nền kinh tế dựa vào thị trường nội địa, nhưng hướng đó có vẻ thất bại vì thị trường nội địa của họ chưa đủ lớn để hấp thụ được toàn bộ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện nay. Vì thế họ quay lại hướng cũ là dựa vào xuất khẩu, đương nhiên họ phải phá giá nhân dân tệ để có lợi cho xuất khẩu của họ.

Phá giá đồng tiền cũng tác động mạnh đến những sản phẩm có tính thương mại, không ảnh hưởng lắm đến hàng hoá trên thị trường nội địa, như vậy kích thích được cả hai: giữ ổn định thị trường nội địa vừa kích thích được xuất khẩu. Đó là ý tưởng dài hạn của họ. Họ cũng đứng trước các sức ép ngắn hạn như đồng USD tăng giá (dự kiến có thể tăng hơn do FED có thể tăng lãi suất), thương mại quốc tế đang ở những điểm đáy của tăng trưởng, họ làm trước việc điều chỉnh tỷ giá để đón trước sự phục hồi của thương mại quốc tế, ngoài ra việc giá dầu giảm cũng ảnh hưởng đến cán cân vãng lai của họ. Như vậy, có thể thấy, việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc là bài toán tốt về dài hạn cho Trung Quốc.

- Vậy việc giảm giá đồng nhân dân tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa: Có hai xu hướng ảnh hưởng: ảnh hưởng lớn nhất là xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc. Cụ thể, hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn tại Trung Quốc, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại Trung Quốc giảm, ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng những nhà nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lại được lợi.

Việt Nam đang nhập khẩu nhiều công nghệ, thiết bị từ Trung Quốc. Tuy nhiên nếu xuất khẩu sang các nước châu Á thì bất lợi vì không chỉ Trung Quốc, các nước châu Á khác cũng buộc phải phá giá đồng tiền, do đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể tăng lên. Việc điều chỉnh này của Trung Quốc chưa có ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư.

- Sau điều chỉnh của Ngân hàng Trung uơng Trung Quốc, các ngân hàng trung ương ở châu Á cũng có động thái phá giá đồng nội tệ, liệu có lo ngại về cuộc chiến tranh tiền tệ?


Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa: Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng có sự sụt giảm mạnh sau quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Nếu Mỹ phản ứng lại căng thẳng thì nguy cơ dẫn đến chiến tranh tiền tệ là có thực. Có thể Mỹ sẽ điều chỉnh tỷ giá sớm hơn dự kiến.

- Liên quan đến phản ứng của Ngân hàng Nhà nước với việc điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +-1% lên +-2% có hiệu lực từ ngày 12/8, ông đánh giá như thế nào về động thái này của Ngân hàng Nhà nước?

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa:
 Động thái nới lỏng biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước có thể nói là kịp thời, nhạy bén với thị trường. Với biên độ này, thị trường có thể có dao động nhất định trong vài ngày đầu sau đó sẽ ổn định. Hy vọng duy trì biên độ tỷ giá từ nay đến cuối năm. Chúng ta phải theo dõi động thái của Mỹ, các ngân hàng trung ương khác trước việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ.

- Ông nhận định thế nào về áp lực lên tỷ giá cuối năm?


Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa: Dự báo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Đông Nam Á, vào Trung Quốc gặp khó khăn, đặc biệt nhập siêu Trung Quốc tăng lên. Bảy tháng qua, nhập siêu vào khoảng 3,4 tỷ USD, cả năm khoảng 5-6 tỷ USD, do đó chưa có biến động lớn.

Xuất khẩu Việt Nam có xu hướng tăng chậm hơn so với những năm trước nhưng không hoàn toàn do tỷ giá. Mà giá nông sản toàn cầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đặc biệt mặt hàng thủy hải sản. Giá dầu cũng giảm mạnh, ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ của Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta đã ngừng xuất khẩu than trong năm nay. Tổng sản lượng xuất khẩu theo giá trị giảm, tính theo lượng thì vẫn tăng.

Do đó, tác động của việc giảm giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đối với tỷ giá USD/VND có dấu hiệu mạnh lên nhưng không nhất thiết phải điều chỉnh tỷ giá thời điểm này.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Đỗ Huyền/TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất