Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 15/11/2008 16:4'(GMT+7)

Tiến tới kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11: Kính trọng người thầy

Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Mối quan hệ thầy trò đã có từ hàng ngàn năm lịch sử, có thể kể từ thời đại Hùng Vương dựng nước. Tục ngữ có câu "Không thầy đố mày làm nên", một phương ngôn tuy cũ nay còn nhắc lại "Tiên học lễ, hậu học văn"... Đến thời đại Hồ Chí Minh thì "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Trong giáo dục đào tạo, huấn luyện "trồng người", Bác Hồ luôn chú ý đến tính thiết thực vì "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc".

Sứ mệnh cao cả của người thầy giáo đã được thể hiện trong suốt mấy nghìn năm lịch sử đầy gian khổ, nhưng vô cùng hiển hách của dân tộc đã để lại biết bao tấm gương sáng của các thầy cô giáo. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, thầy cô giáo đã hết lòng dạy bảo học trò, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong mối quan hệ thầy trò kể ra cũng cần nhắc lại chuyện ngày xưa. Ngày ấy học trò tự nguyện đến với thầy để thọ giáo. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thầy trò cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, sát cánh bên nhau. Trong hòa bình xây dựng đất nước thì thầy trò thi đua "dạy tốt, học tốt".

Đã có biết bao kỹ sư tâm hồn mỗi ngày góp từng viên gạch của mình xây dựng nền giáo dục Việt Nam. Biết bao bản nhạc, bài thơ, câu chuyện tình cảm động... ngợi ca những vẻ đẹp bình dị thầm lặng trong các nhà giáo ngày ngày chăm lo công việc "trồng người". Có nhiều thầy cô bằng kiến thức rộng mở ở trình độ cao đã dẫn dắt những học sinh của mình giành những giải xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi của khu vực Châu Á và quốc tế đem niềm tự hào về cho dân tộc. Có những thầy giáo "làng" nay đã xấp xỉ lục thập, thất thập vẫn thích tìm thú vui trong việc tập hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vào những lớp học tình thương, để vừa dạy học nắn dạy những nét chữ nét người đầu tiên, vừa hỗ trợ về vật chất và làm xoa dịu trong các em những nỗi bất hạnh... thật đáng được Nhà nước và nhân dân tôn vinh. Có thể nói, đạo dức cao đẹp, cái tâm trong sáng là cái gốc của mỗi con người, nhất là đối với người thầy. Bác Hồ dạy: Người thầy giáo "phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu, hậu lạc", nghĩa là khó khăn thì chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đấy là đạo đức cách mạng".

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, tất cả chúng ta, từ những người đang ngồi trên ghế nhà trường đến những người đang công tác và đã nghỉ hưu luôn nghĩ về những năm tháng tốt đẹp của mình được hưởng thụ sự giáo dục và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ thầy cô. Chúng ta tự hào vì nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo đã trở thành biểu tượng tốt đẹp về mọi mặt. Đó là những người thầy đáng kính. Những người thầy luôn luôn nhận được sự yêu kính chân thành không chỉ của học sinh, các bậc cha mẹ mà của cả xã hội.

Thế kỷ 21, là thế kỷ của nền văn minh trí tuệ, nền văn minh siêu công nghiệp. Biết bao nhiêu khái niệm chưa hẳn thật sự dễ hiểu với tất cả mọi người như: kinh tế tri thức; xã hội học tập; đi tắt đón đầu; công nghệ phần mềm… Điều ấy hẳn tự nó đã nói lên vai trò của giáo dục, vị thế của nhà giáo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa quan trọng biết nhường nào. Do đó, để phát huy kết quả đã đạt được, đội ngũ nhà giáo quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nặng nề song cũng rất vẻ vang, góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, rèn luyện nâng cao phẩm chất và năng lực, với tính trung thực, tinh thần "thực sự cầu thị", tôn trọng sự thật, biết bảo vệ lẽ phải; đẩy mạnh thi đua "dạy tốt, học tốt", đặc biệt là cùng với cộng đồng xã hội tiếp tục hưởng ứng tích cực cuộc vận động ba không "không với tiêu cực trong thi cử, không bệnh thành tích…" nhằm tạo chuyển biến mới trong ngành Giáo dục.

"Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" mãi mãi là chân lý. Để quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ một cách đồng bộ trong việc "trồng người" và chọn người để có được một đội ngũ cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên", có tài, có đức, đủ bản lĩnh góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, thiết nghĩ ngành Giáo dục phải thường xuyên đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên trở thành "những con người kiểu mẫu" cả về tư tưởng, đạo đức, cách làm việc, biết gắn bó chặt chẽ giữa "tri và hành", giữa "lý luận và thực tiễn", nghĩa là đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức, quản lý sao cho học sinh, sinh viên khi ra trường đạt được các mặt "đạo, đức, tài" trong ngành nghề và cống hiến. Hy vọng ngành Giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo phát huy nội lực của mình phát triển ngang tầm với vị trí đi trước một bước trong việc đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nguyễn Thanh Hoàng Báo An Giang




 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất