Có thể khẳng định rằng, mặc dù đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình dài trước mắt, song sự kiện này là bước ngoặt quyết định, đánh dấu mốc lịch sử để Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh bao vây cấm vận kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua, qua đó giúp thúc đẩy mối quan hệ song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, thể thao...
Ngày 17/12 (giờ Oa-sinh-tơn), Mỹ và Cu-ba đã thông báo đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, mở ra chương mới cho quan hệ giữa hai nước. Để Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) và Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) đưa ra tuyên bố lịch sử này là cả một quá trình “ngoại giao bí mật” kéo dài 18 tháng với vai trò trung gian tích cực của Giáo hoàng Phran-xít.
Theo tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn, trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 17/12, Tổng thống B.Ô-ba-ma tuyên bố “đã đến lúc chấm dứt cách tiếp cận lỗi thời vốn không thể giúp thúc đẩy quan hệ Mỹ - Cu-ba”. Thế nhưng, để đưa ra được tuyên bố trên là cả một hành trình dài đầy khó khăn.
Oa-sinh-tơn bắt đầu tiếp xúc thận trọng với Ha-va-na từ năm 2013, chỉ ít tháng sau khi ông B.Ô-ba-ma bắt đầu nhiệm kỳ hai tại Nhà Trắng. Trọng trách này được đặt lên vai Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm Giôn Ke-ri (John Kerry). Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu và làm như thế nào là một việc vô cùng khó khăn trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Cu-ba đóng băng từ nhiều thập kỷ qua. Trong bối cảnh như vậy, vai trò trung gian vô cùng quan trọng. Ngoại trưởng Ke-ri lập tức hướng đến sự trợ giúp của Va-ti-căng, một trong rất ít các thể chế toàn cầu nhận được sự tôn trọng rộng rãi cả ở Mỹ và Cu-ba.
Theo tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn, mùa xuân năm 2013, Tổng thống Mỹ cho phép hai cố vấn cấp cao tiếp xúc với các đại diện của chính quyền Cu-ba, bàn về khả năng xúc tiến các cuộc đàm phán mở đường. Đến tháng 6 cùng năm, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rốt-đơ (Ben Rhodes) cùng với ông Ri-các-đô Du-ni-ga (Ricardo Zuniga), cố vấn các vấn đề Mỹ La-tinh, đã bay tới Ca-na-đa để có cuộc gặp đầu tiên trong tổng số 9 cuộc gặp bí mật với đối tác Cu-ba. Ca-na-đa trong thời điểm này không tham dự trực tiếp vào tiến trình đàm phán.
Các cuộc gặp bí mật diễn ra trong không khí căng thẳng khi Mỹ giữ vững quan điểm “sẽ không thể có bước cải thiện trong quan hệ hai nước nếu như Cu-ba không trả tự do cho nhà thầu A-lan Grốt (Alan Gross), một công dân Mỹ”. Đến đầu năm 2014, một nhà trung gian đầy quyền lực khác đã tham gia vào tiến trình này. Đó là Giáo hoàng Phran-xít (Francis).
Là người Mỹ La-tinh đầu tiên nắm cương vị cao nhất tại Tòa thánh Va-ti-căng, Giáo hoàng đã đề cập tới khả năng tái lập quan hệ Mỹ - Cu-ba với Tổng thống B.Ô-ba-ma khi ông B.Ô-ba-ma tới thăm Tòa thánh hồi tháng 3. Đến mùa hè, Giáo hoàng đã gửi thư cho cả ông B.Ô-ba-ma và Chủ tịch Ra-un đề nghị hai bên giải quyết những vấn đề nhân đạo như tù nhân ở Goan-ta-na-mô, việc Cu-ba trả tự do cho công dân Mỹ A-lan Grốt và Mỹ thả các điệp viên Cu-ba. Trong các bức thư, vị Giáo hoàng người gốc Mỹ La-tinh đầu tiên trong lịch sử cũng hối thúc Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô và Tổng thống B.Ô-ba-ma chấm dứt tình trạng đóng băng quan hệ kéo dài nhiều thập kỷ, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước.
Nhờ có Giáo hoàng và những cộng sự thân cận của Ngài, như cựu đại diện của Giáo hoàng tại Cu-ba hay Quốc vụ khanh, Hồng y Pi-ê-trô Pa-rô-li-ni (Pietro Parolini), một nhà ngoại giao lão luyện tinh tế, Va-ti-căng đã kín đáo tổ chức và đón tiếp một cuộc gặp mang tính chất quyết định giữa đại diện chính quyền Mỹ và Cu-ba hồi tháng 10 vừa qua. Trong khi đó, Ngoại trưởng G.Ke-ri có 4 cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Cu-ba Bru-nô Rô-đri-ghết (Bruno Rodriguez), tiếp tục thảo luận các điều kiện để bình thường hóa quan hệ, trong đó tập trung chủ yếu vào trường hợp của ông A-lan Grốt.
Đến mùa thu 2014, Mỹ và Cu-ba đã hoàn tất thỏa thuận trả tự do cho A-lan Grốt trong cuộc gặp ở Va-ti-căng. Sau đó, Oa-sinh-tơn đã lần lượt trả tự do cho 3 chiến sĩ tình báo Cu-ba bị giam giữ tại các nhà tù ở Mỹ. Rào cản lớn nhất đã được dỡ bỏ, cơ hội đàm phán tiếp tục được mở ra. Đỉnh cao là cuộc điện đàm 45 phút giữa Tổng thống B.Ô-ba-ma và Chủ tịch Ra-un hôm 16/12, được coi là đối thoại cấp cao lần đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận chống Cu-ba năm 1961. Cam kết tái lập quan hệ ngoại giao đầy đủ được hai bên khẳng định một ngày sau đó.
Có thể khẳng định rằng, mặc dù đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình dài trước mắt, song sự kiện này là bước ngoặt quyết định, đánh dấu mốc lịch sử để Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh bao vây cấm vận kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua, qua đó giúp thúc đẩy mối quan hệ song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, thể thao,... đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước./.
Bình Nguyên (QĐND)