Thứ Tư, 2/10/2024
Xã hội
Thứ Tư, 3/12/2014 20:1'(GMT+7)

“Tiếp cận công lý cho người bị bạo lực giới: Khoảng trống trong chính sách và thực thi”.

Toàn cảnh Hội thảo diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 3/12

Toàn cảnh Hội thảo diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 3/12

Theo báo cáo tại Hội thảo: Tại việt Nam, bạo lực giới đối với phụ nữ là một vấn đề phức tạp do ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa và các định kiến xã hội. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng khung pháp lý và đề ra các cơ chế phối hợp đa ngành để thúc đẩy tiếp cận công lý cho người bị bạo lực giới. Tuy nhiên vấn đề thực thi pháp luật của các cơ quan chịu trách nhiệm và việc thiếu vắng các số liệu về vấn đề bạo lực giới cho thấy có một khoảng cách lớn giữa chính sách pháp luật và cuộc sống.

Cho đến nay, mới chỉ có có duy nhất một báo cáo quốc gia về bạo lực gia đình, còn các hình thức bạo lực giới khác như vấn đề bạo lực với phụ nữ làm mại dâm, vấn đề quấy rối và xâm hại tình dục với trẻ  em gái vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu ở tầm quốc gia. Số liệu từ  nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình và phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 cho thấy sự phổ biến của bạo lực gia đình tại Việt Nam là rất cao trong đó 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình trong suốt cuộc đời của họ nhưng có tới 87% đã không tìm đến sự giúp đỡ  từ các dịch vụ công cộng. Những lý do khiến người bị bạo lực không sử dụng các dịch vụ này do thiếu hiểu biết về các dịch vụ công; không tin tưởng vào chất lượng của các dịch vụ vì thái độ và cách xử lý của các cơ quan chức năng. Điều đáng lo ngại là rất ít nạn nhân được chăm sóc y tế và có rất ít nạn nhân chia sẻ với cán bộ nhân viên y tế về vấn đề của họ.

Phát biểu khai mạc hội thảo bà Shoko Ishikawa- trưởng đại diện của cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho rằng: Để từng bước khắc phục được vấn đề bạo lực giới, chính phủ Việt Nam cần triển khai những biện pháp cụ thể để điều tra xử lý những người vi phạm. Đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý đầy đủ cho phụ nữ để khi xảy ra những trường hợp đáng tiếc họ có thể tự bảo vệ mình về mặt pháp luật.  Bà Shoko Ishikawa nhấn mạnh: Thực tế cho thấy Việt Nam cần chung tay giúp chính những người phụ nữ chịu sự bạo lực có thể nói lên tiếng nói của mình vì tiếng nói của những nạn nhân đóng vai trò rất quan trọng. Chấm dứt tình trạng này là nhiệm vụ hàng đầu trong việc chung tay của toàn xã hội và đã đến lúc chúng ta cần cùng nhau loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ .

Tại hội thảo, trong phiên sáng nay, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về Chính sách pháp luật và hệ thống hỗ trợ pháp lý cho người bị bạo lực giới tại Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hưng Quang đánh giá thời gian qua Việt Nam đã có nhiều văn bản cam kết bảo vệ quyền con người cũng như tham gia vào các điều ước quốc tế cơ bản liên quan đến quyền con người với nội dung phòng chống bạo lực và phân biệt đối xử về giới. Tuy nhiên, tính hiệu quả của thực thi các chính sách, pháp luật vẫn còn nhiều điều phải đặt ra. Trong đó nội dung các quy định còn chồng chéo, không rõ ràng, thiếu vắng các định nghĩa cụ thể dẫn đến khó áp dụng quy định pháp luật trong những trường hợp cụ thể.  

Về tình hình trợ giúp pháp lý (TGPL)  với đối tượng là nạn nhân của bạo lực giới, ông Trần Nguyên Tú, Phòng quản lý chất lượng vụ việc TGPL – Cục Trợ giúp pháp lý đánh giá: Trong 6 tháng đầu năm 2014, các trung tâm trong cả nước đã thực hiện được 85 vụ việc TGPL cho phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình; 54 vụ việc đối với phụ nữ, trẻ em bị xâm hại tình dục… tuy nhiên cũng theo đánh giá này, hiện nay không phải tất cả nạn nhân bạo lực giới đều được TGPL. Điều này có thể thấy qua các rào cản trong hoạt động TGPL như chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục riêng đối với phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới; nhiều nạn nhân còn chưa biết đến hoặc e ngại khi tiếp cận TGPL; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị TGPL cho nạn nhân bạo lực giới nhất là giữa các tổ chức thực hiện còn chưa hiệu quả.

Từ những rào cản đó, các đại biểu tại hội thảo đã thống nhất kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với nạn nhân bạo lực giới nói chung và chính sách pháp luật  hình sự nói riêng để bảo đảm lợi ích hợp pháp của họ. Bên cạnh đó, thời gian tới cần có khái niệm pháp lý về “bạo lực trên cơ sở giới” trong đó bao gồm các khái niệm “quấy rối tình dục”, “xâm hại tình dục”… Cần có các biện pháp thúc đẩy và mở rộng phạm vi TGPL để các nạn nhân của bạo lực giới có thể tiếp cận được dịch vụ. Đồng thời từng bước nâng cao năng lực, kỹ năng TGPL cho người thực hiện các vụ việc liên quan đến bạo lực giới./.

Vân Khánh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất