Một thị trường trên 80 triệu dân với mức độ tăng trưởng ngày càng lớn của viễn thông, CNTT và những ngành phụ trợ khác, ngành công nghiệp dịch vụ CNTT Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn để thu hút đầu tư nước ngoài và hoàn toàn có thể trở thành những Ấn Độ, Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến ngành này hiện vẫn còn "lẹt đẹt" ở phía sau là do chưa được đầu tư tương xứng, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện và những quy mô kinh doanh manh mún, thiếu chuyên nghiệp của các DN.
Theo đánh giá của đại diện IDC tại Việt Nam, thị trường dịch vụ CNTT Việt Nam có tính bột phát, các nhu cầu thường xuất hiện tức thì, các hình thức tiếp thị thiếu tính chuyên nghiệp, một số hợp đồng outsoucing chỉ phụ thuộc vào các mối quan hệ là chính...Điều này sẽ hạn chế ngành công nghiệp dịch vụ CNTT phát triển, như nó đang tăng trưởng rất cao trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ phó Vụ CNTT, Bộ TT&TT, mặc dù số lượng DN đăng ký hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ CNTT lên tới 10.000 DN, nhưng con số hoạt động thực sự chỉ đạt chưa tới 1/3, khoảng 3.000 DN, đó là chưa kể có rất ít DN chuyên sâu về một số loại hình dịch vụ nhất định. Tổng doanh thu toàn ngành này chỉ đạt con số khiêm tốn: 2 tỷ USD trong năm 2008, trong khi đó, trên thế giới, doanh thu từ ngành dịch vụ CNTT luôn chiếm tỷ lệ rất cao: từ 40 - 60% tổng doanh thu lĩnh vực CNTT.
- Một số dịch vụ CNTT chuyên sâu đã có tại Việt Nam: datacenter (dịch vụ dữ liệu trung tâm), call center (tổng đài dữ liệu), BPO (gia công quy trình nghiệp vụ), outsoucing (gia công phần mềm)
- Các dịch vụ CNTT phổ biến: tư vấn CNTT, đào tạo CNTT, cung cấp nội dung thông tin số, lưu trữ thông tin số, phát triển và thiết kế mạng bảo mật, phân phối các sản phẩm CNTT.... |
Ông Đường cho rằng, tình hình đầu tư trong các DN dịch vụ CNTT hiện còn ở mức thấp, quy mô nhỏ, chủ yếu kinh doanh trong vốn tự có mà chưa mở rộng huy động ra ngân hàng hoặc kêu gọi cổ phần. Và điều quan trọng làm nền tảng để các DN phát triển là các chính sách của nhà nước, đầu tư trực tiếp của chính phủ và hoàn thiện một số văn bản pháp lý còn thiếu như: các hướng dẫn luật CNTT, các quy định cụ thể về loại hình kinh doanh dịch vụ CNTT, các quy định cụ thể về hoạt động dịch vụ tư vấn dự án CNTT, dịch vụ an toàn thông tin...
Tiềm năng hơn cả của thị trường này là dịch vụ tư vấn dự án CNTT "nở rộ" trong vài năm trở lại đây, nhưng điều hạn chế và góp phần thiếu chuyên nghiệp cho thị trường là những bất cập lộ rõ trong hoạt động này, chẳng hạn: hầu như DN nào cũng có thể xin giấy phép cung cấp dịch vụ tư vấn CNTT; không cần chứng chỉ hành nghề vẫn có thể tư vấn CNTT; nhiều DN "xin" tư vấn miễn phí cốt để dành được hợp đồng cung cấp thiết bị giải pháp, dẫn đến ai kiểm chứng cho chất lượng tư vấn ấy?...
Do hiện trạng manh mún của thị trường dịch CNTT như vậy, Bộ TT&TT cho biết cần sớm xây dựng nghị định hướng dẫn điều kiện hoạt động, cơ chế, chính sách để phát triển dịch vụ CNTT trong nước. Một số đề xuất đã được nêu ra như: chính sách thúc đẩy phát triển chung, cơ chế tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong nước và ngoài nước, thúc đẩy sử dụng dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, quyền lợi của người sử dụng dịch vụ và điều kiện của nhà cung cấp dịch vụ./.
(Theo VietNamNet)