Chủ Nhật, 8/12/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Năm, 29/10/2020 15:27'(GMT+7)

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc

Xây dựng nông thôn toàn diện và đúng hướng

Giai đoạn 2016 - 2020, Vĩnh Phúc đã ban hành và triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; đặc biệt tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và bố trí nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Các chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, được nông dân đón nhận, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần quan trọng trong chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn toàn diện và đúng hướng.

Cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, thời vụ chuyển biến tích cực; cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật được tăng cường áp dụng; công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm tổ chức thực hiện. Cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp được triển khai tích cực, đã xác định rõ các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP để tập trung đầu tư. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Vùng rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP tại huyện Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch… Vĩnh Phúc đã xây dựng được một số mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau, quả an toàn, sạch; một số sản phẩm có thương hiệu và có sản phẩm xuất khẩu như: Thanh long ruột đỏ Lập Thạch, ớt, chuối tiêu hồng…

Chăn nuôi được phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng và trở thành ngành sản xuất chính; đặc biệt là chăn nuôi lợn, bò sữa và gia cầm đã trở thành thế mạnh của tỉnh, nhiều giống vật nuôi mới có chất lượng tốt được đưa vào sản xuất. Hình thành nhiều vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn và phương thức chăn nuôi công nghiệp, tiên tiến, hiện đại như: Chăn nuôi lợn (huyện Lập Thạch, Yên lạc); chăn nuôi gia cầm (huyện Tam Dương, Tam Đảo); chăn nuôi bò sữa (huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo)…; xây dựng một số chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn, thịt gà an toàn và trứng gà sạch.

Sản xuất thủy sản tập trung phát triển các giống mới theo hướng thâm canh và bán thâm canh, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và có giá trị gia tăng cao. Tổ chức quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả rừng tự nhiên; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại dược liệu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi đa mục tiêu để phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cung cấp nước cho dân sinh; Nâng cao mức bảo đảm an toàn hồ chứa, công trình thủy lợi.

Xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện tích cực. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện và nâng lên. Kết quả xây dựng nông thôn mới đã đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu phát triển sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Vĩnh Phúc là một trong 9 tỉnh của cả nước có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 thôn đạt chuẩn thôn dân cư NTM kiểu mẫu.

Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đến hết năm 2020 ước đạt trên 50 triệu đồng/người, tăng gần 2 lần so với năm 2015.

Thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu, nhiệm vụ về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu hộ gia đình. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Nguyên nhân của hạn chế có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là do ruộng đất còn manh mún, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đối khí hậu, rủi ro cao, hiệu quả và lợi nhuận thấp so với các ngành khác; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; khó lường.

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định: “Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, trong đó: “Tiếp tục đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; thực hiện đề án cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ khí hoá nông nghiệp, sản xuất hàng hoá gắn kết với tổ chức thị trường, chế biến và xuất khẩu,… nâng cao thu nhập và đời sống người dân vùng nông thôn.

Đối với xây dựng nông thôn mới: Tập trung nguồn lực tiếp tục đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng và nâng cao giá trị nhân văn, bản sắc nông thôn Vĩnh Phúc. Xây dựng kế hoạch duy trì đạt chuẩn, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”.

Để thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu, nhiệm vụ về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao đã nêu trong Báo cáo Chính trị, và khắc phục những tổn tại, hạn chế trên, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ban hành và tổ chức có hiệu quả các chính sách đặc thù về đầu tư, hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Hai là, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ để phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ba là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, gắn trách nhiệm duy trì đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của các địa phương với nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Phát triển ngành nghề nông thôn; bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường nông thôn. Phát triển nhanh các sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao trở lên.

Bốn là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp,ng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa trong sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Năm là, nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hưng Phong

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất