Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 8/6/2011 21:26'(GMT+7)

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt

Thị trường chuyển động tích cực, nhưng còn không ít khó khăn

Theo đánh giá của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa được tổ chức tại Hà Nội, sau 5 tháng quyết liệt tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP và 3 tháng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP  của Chính phủ, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực: Thị trường ngoại tệ, vàng ổn định, tỷ giá đã được kiểm soát trong biên độ cho phép; dự trữ ngoại tệ tăng; tăng trưởng tín dụng được kiểm soát.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 6-6-2011 cũng khẳng định: “Thị trường ngoại hối tiếp tục có những chuyển biến tích cực, trạng thái ngoại tệ của Ngân hàng thương mại được cải thiện, tâm lý thị trường ổn định hơn, thị trường ngoại tệ tự do tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ và hầu như không có giao dịch. Các Ngân hàng thương mại tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng và Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng khoảng 877 triệu USD từ đầu năm đến nay. Tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng có xu hướng giảm, tỷ giá mua - bán của các Ngân hàng thương mại dưới mức trần cho phép” .

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ,  nền kinh tế còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có việc lãi suất cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết: Lãi suất cho vay VND bình quân thực tế trong tháng 5-2011 khoảng 18,3%/năm, tăng 3%/năm so với cuối năm 2010.

Qua khảo sát của chúng tôi hiện nay, cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đều khó khăn về vốn.

Doanh nghiệp kêu khó vay vốn

“Chỉ có 1/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 2/3 còn lại không hoặc khó tiếp cận được vốn từ nguồn này. Thông tin trên được Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại hội thảo “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, dù tiếp cận vốn từ ngân hàng rất khó khăn, song đây vẫn là kênh chính khi có đến 74,47% doanh nghiệp hướng tới, trong khi các kênh khác chưa được sử dụng hiệu quả. Điều đáng nói là mức lãi suất cho các doanh nghiệp vay hiện đang ở mức quá cao. Trần huy động vốn của Ngân hàng Nhà nước quy định đối với các ngân hàng thương mại là 14%/năm, lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xê dịch khoảng 17-18%/năm. Song, vì phải chạy đua cạnh tranh huy động vốn, nên các ngân hàng thương mại đã "phá rào", đẩy lãi suất huy động vốn lên từ 15 đến 19%/năm, tùy vào thời điểm và số lượng tiền gửi. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay từ các ngân hàng có thể bị đẩy lên 20 - 22%. Một số ngân hàng còn tự đặt ra nhiều loại phí, khiến mức lãi suất thật mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vay có thể lên tới 27%. Nhưng với lãi suất này, doanh nghiệp vay được tiền cũng rất khó.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 19-5-2011 chỉ  tăng 0,01% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,64%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 2,19%.

Rất nhiều doanh nghiệp phàn nàn, bây giờ vay tiền của ngân hàng thật khó.

Ngân hàng kêu khó huy động vốn

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân trong ngày 7-6, Đại tá Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho rằng, một trong những khó khăn của các ngân hàng thương mại hiện nay là huy động vốn. MB là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, có uy tín trên thị trường tín dụng, vì thế người dân gửi tiền vào ngân hàng trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng, nhưng tiền vốn mà các doanh nghiệp, các tổ chức gửi vào ngân hàng giảm mạnh. Do tổng số vốn huy động được không nhiều, nên MB không thể đáp ứng hết yêu cầu vay của các khách hàng.

Qua khảo sát của chúng tôi, trước bối cảnh lãi suất cho vay cao, rất nhiều doanh nghiệp tạm thời rút vốn từ ngân hàng về để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo thêm áp lực căng thẳng về vốn cho các ngân hàng. Cũng không loại trừ khả năng tiền đồng đã được pháp nhân rút ra và gửi lại cho ngân hàng nhằm hưởng lãi suất cao dưới tên thể nhân. Cá nhân mặc cả lãi suất tiền gửi với ngân hàng dễ hơn doanh nghiệp. Mặt khác theo quy định hiện hành, đồng vốn huy động được, các ngân hàng  phải phân bổ cho hàng tá khoản như dự trữ bắt buộc, trích dự phòng, vướng quy định chỉ được dùng 80% huy động để cho vay… Trong khi đó, lạm phát tăng cao lại không khuyến khích người dân đem tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm ở ngân hàng.

Giải pháp nào để gỡ khó?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất hiện quá cao. Điều này có thể dẫn đến mối nguy vỡ bong bóng tài sản. Bởi, với lãi suất chót vót như thế, người thực sự có nhu cầu vay tiền sẽ khó tiếp cận nguồn vốn vay. Trong khi đó, lực lượng đầu cơ lại vay được lượng lớn nguồn tiền gửi. Đây là mối nguy tổng dư nợ khó đòi sẽ tăng cao, gây khó khăn cho thanh khoản của ngân hàng.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trong lúc lạm phát còn cao, lãi suất không thể nào giảm xuống được. Hiện lãi suất đã quá cao, không thể tăng nữa nhưng phải duy trì ở mức đó. Bởi thực tế, ngân hàng vẫn phải giữ mức lãi suất thực dương so với chỉ số lạm phát.

Tiến sĩ Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh chính sách tiền tệ được thắt chặt đến mức ngặt nghèo như hiện nay, để gỡ khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp, không nên thắt chặt thêm nữa.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân trong ngày 7-6, lãnh đạo một số ngân hàng và doanh nghiệp kiến nghị: Giải pháp gỡ khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp lúc này là nới lỏng từng bước chính sách tiền tệ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, để kiềm chế lạm phát, phải duy trì chính sách tiền tệ như hiện nay. Đại tá Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội nhận định: Nếu kiên trì thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ thì lạm phát sẽ giảm, lãi suất tất yếu sẽ giảm. Chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ lúc này.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 5, sau khi nghe các thành viên Chính phủ báo cáo, thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%, trong đó chú ý điều hành phân bổ đều theo các quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt là các thời điểm mùa vụ sản xuất, kinh doanh khi nhu cầu vốn tăng cao; để tạo khả năng thanh khoản trên thị trường, tiếp tục sử dụng linh hoạt các loại lãi suất thuộc công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước; quán triệt các ngân hàng thương mại tạo sự đồng thuận, tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.

Chỉ đạo nói trên của Thủ tướng Chính phủ, không những là giải pháp quan trọng để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà còn là giải pháp gỡ khó cho các ngân hàng và doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất