Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 8/6/2011 9:9'(GMT+7)

Yêu cầu về phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế đất nước

Phát triển kinh tế là một quá trình lâu dài, trong đó phát triển con người là mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế.

Phát triển kinh tế nhanh là chỉ thời gian gia tăng quy mô kinh tế ngắn, tức là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tỷ trọng các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tăng cao, tình trạng cải thiện mức sống của mọi người dân trong xã hội diễn ra nhanh chóng và đều khắp. Phát triển kinh tế bền vững là duy trì phát triển kinh tế liên tục trong một thời gian dài.

Thực tế cho thấy, những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững đều có chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, dân chủ được cải thiện, tỷ lệ lạm phát thấp, quản lý nhà nước tốt, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, đời sống người dân được cải thiện rộng khắp.

Đối với nước ta, thời kỳ  2011 – 2020 sẽ là một thời kỳ có  ý nghĩa rất đặc biệt đối với lịch sử  phát triển kinh tế. Đó là thời kỳ cho phép Việt Nam từng bước một, đi từ một nước có mức thu nhập trung bình thấp đến mức thu nhập trung bình cao, và tiếp tục vươn lên cao hơn nữa.

Đại hội XI của Đảng xác định mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”.

Việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, các chính sách chủ yếu mang tính chiến lược để phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 gồm một số yêu cầu sau.

Thứ nhất là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc tổ chức thực hiện của Đảng và Nhà nước. Thực tế cho thấy, các vấn đề nếu được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao thì  hiệu quả và tính khả thi thường cao, lĩnh vực nào buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ dạo, kiểm tra thì thường không đạt kết quả mong muốn.

Thứ hai là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vấn đề này có ý nghĩa nền tảng quan trọng hàng đầu đối với phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế trong thời kỳ tới. Đây là nội dung đã được đề cập đến rất nhiều, nhưng trong giai đoạn đến 2020 nên tập trung vào một số trọng tâm chủ yếu sau: - Xác định đúng tầm quan trọng của sức mạnh kinh tế của Nhà nước trong quản lý nền kinh tế quốc dân; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi hình thức sở hữu cùng phát triển; nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý kinh tế của nhà nước; tiến hành thí điểm xây dựng một số yếu tố của cơ chế kinh tế mới; hoàn thiện hệ thống thông tin kinh tế

Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực có phẩm chất tốt, kỹ năng chuyên môn cao. Sự phát triển nguồn nhân lực có phẩm chất tốt và kỹ năng nghề nghiệp đạt trình độ cao có ý nghĩa rất quyết định đối với phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế.

Thời kỳ  2011-2020 cần đổi mới căn bản công tác đào tạo nhân lực và chính sách dùng người. Đây là việc người Việt Nam nhất thiết phải tự làm và phải làm cho bằng được. Các giải pháp chính sách cụ  thể để phát triển nguồn nhân lực có phẩm chất tốt, kỹ năng chuyên môn cao trong giai đoạn đến 2020 có thể là cải cách giáo dục để nâng cao mặt bằng trí  tuệ xã hội, để làm cho đội ngũ lao động có thể đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của quá  trình công nghiệp hóa; đổi mới chế độ tuyển chọn, sử dụng nhân lực theo hướng phải tạo cơ hội bình đẳng trong việc tuyển dụng, đề bạt mới phát huy tối ưu khả năng của đất nước và mới tạo khí thế hăng say làm việc; nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương, tạo cơ sở cho việc định hướng đào tạo và sử dụng nhân lực, đặc biệt là nhân tài.

Thứ tư là phát triển khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế. Những nội dung chính cần triển khai để khoa học – công nghệ phát triển và phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững thời kỳ 2011- 2020 gồm đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu cho hoạt động nghiên cứu và triển khai; tạo ra cơ chế  khiến khu vực kinh doanh phải chủ yếu dựa vào việc  ứng dụng những thành quả của khoa học và công nghệ mà phát triển; xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học  đủ mạnh, đảm bảo cho nền kinh tế có cơ sở nội sinh về khoa học – công nghệ  vững mạnh.

Thứ năm là cải thiện căn bản hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ và hiện đại. Xây dựng hệ  thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại phải đi trước một bước để tạo ra tiền đề vật chất cho quá trình phát triển nhanh và có hiệu quả. Đây là yếu tố vật chất mang tính chiến lược dài hạn, nhưng đang là khâu yếu, rất cần sự đột phá với quyết tâm cao.

Trong thời gian trước mắt, việc phát triển hệ  thống kết cấu hạ tầng cần tuân thủ một số  nguyên tắc như phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo tính hiệu quả tổng thể và tầm nhìn xa; phải đảm bảo tính đồng bộ, hoàn chỉnh.

Thứ sáu là đảm bảo an sinh xã hội. Việc đảm bảo an sinh xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững về mặt xã  hội và là điều kiện xã hội cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững về  kinh tế. Nội dung chủ yếu nhất về đảm bảo an sinh xã hội gồm: chính sách tạo việc làm và chống thất nghiệp: việc làm đầy đủ là một trong những chỉ số phản ánh mức độ phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế; chống đói nghèo và tái đói nghèo;

Giải pháp chống đói nghèo và tái đói nghèo căn bản, lâu dài vẫn là hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề cho người nghèo ở một phía, và tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích tăng cường đầu tư và sử dụng lao động là người nghèo ở phía khác…

Thứ bảy là bảo vệ môi trường sinh thái. Để bảo vệ môi trường sinh thái, cần thực hiện nghiêm ngặt các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt chú ý đảm bảo quy trình phê duyệt và giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư. Quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan đến việc phê duyệt, thẩm định dự án, quản lý môi trường và của các nhà đầu tư kinh doanh, nhất là những dự  án có nguy cơ cao đối với việc gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích những nghiên cứu khoa học và áp dụng vào sản xuất những công nghệ không gây ô nhiễm môi trường và hình thành các ngành, nghề kinh tế mới thân thiện với môi trường. Nghiên cứu áp dụng chỉ tiêu thống kê GDP xanh, hạch toán tăng trưởng có tính tới yếu tố môi trường.

Thứ tám là phát triển hài hòa giữa các vùng. Trên góc nhìn tổng thể, sự hài hòa trong phát triển giữa các vùng là sự phát triển có hiệu suất cao nhất nhờ khai thác tối ưu lợi thế so sánh của mỗi vùng đặt trong tổng thể lợi ích quốc gia. Vì vậy, một mặt, phát triển hài hòa giữa các vùng không có nghĩa là sự phát triển dàn đều, đặc biệt là xét ở góc độ đầu tư phát triển.

Mặt khác, lại không được bỏ rơi những nơi khó khăn, điều kiện phát triển còn hạn chế. Vì thế, vai trò điều hòa sự phát triển của Nhà nước đối với sự phát triển hài hòa giữa các vùng có ý nghĩa rất quyết định.

Giải pháp chủ đạo giải quyết những mâu thuẫn này trước hết là  tạo ra môi trường bình đẳng cho việc tiếp cận các cơ  hội phát triển của mọi người dân ở mọi vùng của đất nước. Vì vậy, cùng với các chính sách liên quan tới nâng cao chất lượng dịch vụ công (giáo dục, y tế…), cần đổi mới chế độ quản lý hộ khẩu theo kiểu phân biệt giữa thành thị với nông thôn, tạo ra sự hài lòng về nơi định cư, sinh sống với khả năng lựa chọn đa dạng.

Thứ chín là hội nhập quốc tế. Nhìn từ góc độ một giải pháp cơ bản, lâu dài, giải pháp về mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế cần được triển khai ở 3 khía cạnh: hài hòa hóa các cơ chế, chính sách quản lý các hoạt động kinh tế, trong đó những chuẩn mức quản lý mang tính kỹ thuật thì nên theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; lấy việc du nhập tri thức, công nghệ, kỹ thuật, thiết bị, phương thức kinh doanh... hiện đại của thế giới làm mục tiêu trực tiếp của việc lựa chọn đối tác đề có hướng ưu tiên tiếp cận; cần xác định rõ một chiến lược thị trường (đối tác) và dành sự  nỗ lực cho việc giành và giữ thị phần  ở các thị trường đó.

Khi đặt vấn đề như vậy, rõ ràng là hướng thị trường được ưu tiên sẽ là những trung tâm kinh tế và khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới: Mỹ, Nhật Bản và EU... Ngoài ra, nằm liền kề một nền kinh tế khổng lồ, đang có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đang đạt đến ngưỡng có  sự thay đổi to lớn về cơ cấu cầu (tiêu dùng) là Trung Quốc, bởi thị trường này cũng đang mở ra những cơ hội trước nay chưa từng có đối với Việt Nam, (chứ không phải chỉ là  sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam). Tuy nhiên, trước mắt, nếu cần thiết phải đặt một hướng ưu tiên trong số những ưu tiên này thì đó nên là thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc.

TS. Nguyễn Văn Cường/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất