Thứ Bảy, 27/7/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Sáu, 13/11/2020 10:0'(GMT+7)

Tiếp tục rà soát các điểm nguy cơ sạt lở núi, di dời dân đến nơi an toàn

Mưa kéo dài những ngày qua gây sạt lở tuyến giao thông độc đạo với chiều dài 3,7km dẫn đến thôn 3, xã An Nghĩa, huyện An Lão, Bình Định. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Mưa kéo dài những ngày qua gây sạt lở tuyến giao thông độc đạo với chiều dài 3,7km dẫn đến thôn 3, xã An Nghĩa, huyện An Lão, Bình Định. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Những quả đồi đất đã ngậm no nước ở các huyện An Lão, Hoài Ân, Vân Canh tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi. Các địa phương ở tỉnh Bình Định đang khẩn trương rà soát, có phương án di dời đảm bảo an toàn cho người dân.

Sáng 12/11, hàng chục hộ đồng bào dân tộc H’re tại khu tái định cư thôn 1, xã An Dũng, huyện vùng cao An Lão, tỉnh Bình Định chứng kiến trận sạt lở núi khiến ai cũng lo sợ. Sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 12, mái ta luy dương cao hơn 20 mét của quả đồi sau khu tái định cư bất ngờ đổ sập xuống, kéo theo hàng ngàn khối đất, đá ập xuống sát nhà dân.

“Đang ngồi cho gà ăn nghe thấy ầm, rồi sạt lở. Kêu mấy người trong nhà hoảng quá chạy ra ngoài, may là cũng kịp chạy. Lo lắng, hồi hộp giờ có dám ở trong nhà đâu, lúc nào cũng đi ra chỗ khác ở”, chị Đinh Thị Nhân, nhà ngay chân quả núi kể lại, thấy cảnh tượng này bà con hoảng loạn.

Khu vực định cư thôn 1, xã An Dũng, huyện An Lão chưa bao giờ xảy ra sạt lở. Nhà tái định cư của người dân cũng nằm cách xa chân núi nên qua nhiều mùa mưa bão, chưa xảy ra thiệt hại gì về người và tài sản. Thế nhưng, sau trận sạt lở vừa rồi bà con không dám trở lại nhà.
Lãnh đạo huyện An Lão đã đến hiện trường kiểm tra, huy động lực lượng vũ trang trợ giúp bà con di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi cao ráo trước khi bão số 13 đổ bộ. Đồng thời, vận động bà con di dời đến các nhà khác trong làng để đảm bảo an toàn.

Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã An Dũng, huyện An Lão nói: “Trong thời gian tới đề nghị lãnh đạo huyện ủy, UBND và Ban quản lý dự án sớm có giải pháp khắc phục về lâu dài. Hiện giờ tư tưởng người dân rất hoang mang và cũng sợ tiếp tục sạt lở, nguy hiểm tới tính mạng và tài sản của bà con”.

Tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, người dân cũng rất lo lắng vì tình trạng sạt lở đất đá gây chia cắt. Đây là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong các đợt lũ vừa qua. Tại xã Vĩnh Kim, các thôn O3, Đắk Tra và Con Trú vẫn đang bị chia cắt, đường dẫn vào các làng bị đất đá chắn ngang đường. Đã gần 1 tuần trôi qua nhưng làng O3 vẫn còn đang bị chia cắt với bên ngoài. Hiện trong làng điện, nước không có, thực phẩm dự trữ không còn, bà con thì sợ ra ngoài vì lo lại sạt lở đường vùi lấp.

Ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, huyện đã tổ chức 1 đoàn công tác lên và bố trí 1 số gạo, trước mắt là hỗ trợ gạo, mỳ tôm, dầu ăn và các nhu yếu phẩm cần thiết để trước mắt đảm bảo đời sống của bà con và sau đó sẽ có kế hoạch về lâu dài.

Trực tiếp kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở khi mưa lớn kéo dài, đánh giá tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục và sẵn sàng ứng phó bão số 13, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, về lâu dài sẽ tính đến phương án di dời bà con đi nơi khác để đảm bảo an toàn.

“Lo nhất nếu tiếp tục mưa bão thì khả năng sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra cho nên chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt là phải di dời các hộ dân ở chân núi đến nơi an toàn. Tỉnh đã giao cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh làm trưởng đoàn cùng với các cơ quan chức năng đi khảo sát từng vị trí, từng địa điểm. Ở vị trí nào thì phải di dời đến đâu, có sơ đồ, có phương án, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện việc di dời bảo đảm an toàn, tính mạng của người dân”, ông Dũng cho biết thêm.

Tối 10/11, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định) cho biết tuyến giao thông độc đạo với chiều dài gần 4km từ trung tâm xã đi vào thôn 3 bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt toàn bộ.


Đời sống người dân tại đây vô cùng khó khăn do hệ thống điện lưới mất nhiều ngày nay, thông tin liên lạc bị cắt đứt, không có nước sạch. UBND huyện An Lão đang cắt cử người gùi thực phẩm và nước uống vào cứu trợ 37 hộ dân này.

Hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai phương tiện để thông đường nhưng với lượng đất đá lớn như hiện nay phải san ủi nhiều ngày mới thông tuyến.
Theo ông Nam, hiện giao thông đến 4 xã An Vinh, An Nghĩa, Anh Toàn và An Dũng bị chia cắt hoàn toàn. Hàng chục ngàn m3 đất đá sạt lở gây tắc đường ở 16 điểm; 2.700 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt.

Huyện An Lão đang khảo sát để dựng hai cầu tạm và mua hai chiếc ghe giúp người dân qua lại; đồng thời tăng cường bác sĩ về địa bàn 4 xã đang bị chia cắt; cứu trợ khẩn cấp nước uống thức ăn cho các vùng còn bị cô lập.
Ngày 10/11, đoàn lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đã đến thăm, hỗ trợ một tỷ đồng cho người dân bị thiệt hại nặng do bão số 12 ở Bình Định.

Đoàn công tác đã trực tiếp trao quà cho 50 hộ dân vùng lũ huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng; hỗ trợ 2 hộ có nhà bị sập hoàn toàn ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) với mức mỗi hộ 40 triệu đồng…

Trước đó, Đoàn công tác Bộ Công an, do Thứ trưởng Bùi Văn Thành làm Trưởng đoàn, đã đến thăm và hỗ trợ 500 triệu đồng cho UBND tỉnh Bình Định khắc phục hậu quả mưa bão.
Trao đổi với TTXVN, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn - người trực tiếp chỉ huy lực lượng tìm kiếm các thuyền viên mất tích trên vùng biển Quy Nhơn, cho biết đến tối 10/11, 84 thuyền viên trên 8 tàu hàng bị chìm đã tìm thấy 82 nạn nhân, trong đó có 71 người còn sống và 11 người đã tử vong.

Bộ Quốc phòng đã điều động 26 thợ lặn đặc công của Lữ đoàn đặc công Hải quân 126 thuộc Quân chủng Hải quân tham gia tìm kiếm các thuyền viên mất tích. Các thợ lặn sử dụng các khí tài đặc chủng để lặn, dò tìm các nạn nhân trong khoang những tàu chìm. Tuy nhiên, khu vực biển Quy Nhơn có gió to, sóng lớn, lực lượng thợ lặn vẫn chưa thể tiếp cận các khoang tàu chìm.
Thiếu tướng Tiến cho biết thêm, lực lượng Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung đã tập hợp đầy đủ các chuyên gia, phương tiện kỹ thuật, sẵn sàng ứng phó với sự cố tràn dầu khi trục vớt các tàu bị chìm này.

Phương án ứng phó được thống nhất là hút hết dầu trên 8 tàu bị chìm trước khi trục vớt, tiếp đó là sử dụng phao bao vây kín khu vực tàu trong quá trình trục vớt để dầu trên tàu không lan rộng gây ô nhiễm.

Cảng vụ Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định và các chủ tàu bị chìm đang họp bàn thống nhất phương án trục vớt cụ thể từng tàu để sớm bảo đảm an toàn luồng cảng Quy Nhơn cũng như nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.
Theo báo cáo mới nhất của tỉnh Bình Định, mưa bão đã gây thiệt hại lớn, làm 19 người chết, trong đó có 11 thuyền viên chìm tàu ở vùng biển Quy Nhơn, 7 người đang mất tích; hơn 260 căn nhà bị sập, 833 nhà hư hỏng, tốc mái, 15.440 nhà ngập nước; 20 tàu cá bị chìm, một tàu bị cuốn trôi, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở hư hỏng nặng, tổng thiệt hại ước tính hơn 860 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp tỉnh 1.000 tấn gạo và 250 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cơn bão số 12./.

Tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất