Thứ Ba, 17/12/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 14/1/2010 15:42'(GMT+7)

Tiếp tục tìm kiếm, thăm dò nguồn dầu khí khu vực ĐBSCL

Thời gian qua, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) về dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã triển khai nhiều công trình dầu khí quan trọng tại khu vực này như Trung tâm Khí-Điện-Đạm Cà Mau; Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn; đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn ra biển Tây; Nhà máy điện Long Phú, Sóc Trăng…

Những công trình này đã được đưa vào sử dụng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Hiện, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang tích cực triển khai hoạt động tìm kiếm, thăm dò và chuẩn bị khai thác nguồn dầu khí tại các tỉnh ĐBSCL.

Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, Cụm khí điện đạm Cà Mau là dự án trọng điểm quốc gia. Hiện các dự án thành phần đã hoàn thành; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã tổ chức lễ chào mừng 10 tỷ KW/h điện đầu tiên của Nhà máy Điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 hoà lưới điện quốc gia. Hiện, Tập đoàn đang tích cực chỉ đạo để triển khai dự án Đạm Cà Mau, phấn đấu đến tháng 1/2012 sẽ hoàn thành và đưa vào sản xuất với công suất 800.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đang tập trung chỉ đạo và kiểm soát khá tốt các dự án Trung tâm Nhiệt điện Long Phú, dự án Sông Hậu và nhiều dự án trong vùng ĐBSCL.

Hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực ĐBSCL đã được thực hiện từ năm 1978. Những năm gần đây, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đang quay trở lại tiếp tục đầu tư, tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại ĐBSCL. Theo số liệu đánh giá sơ bộ,  ĐBSCL cũng là vùng có tiềm năng về dầu khí, nhưng trữ lượng không lớn.

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia sẽ mất thêm một thời gian để khoan, đánh giá và thẩm định.

Để các công trình dầu khí ở vùng được triển khai thuận lợi, ông Đinh La Thăng kiến nghị, ngoài sự hợp tác từ phía chính quyền các địa phương, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, khâu đền bù, giải phóng mặt bằng bởi công việc này có ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ các dự án. Bên cạnh đó, BCĐ Tây Nam bộ cũng như các địa phương có dự án đi qua cần có sự phối hợp tốt nhất với Tập đoàn, để các dự án sớm được đưa vào hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển./.

Trọng Điển - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất