Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Nguyễn Thị Nguyệt, 70 tuổi, trú tại phường Lê Lợi, Thành phố Bắc Giang, vẫn không quản ngại khó khăn, gian khổ đi vận động mọi người ủng hộ về vật chất và tinh thần để giúp đỡ những mành đời nghèo khó, cơ nhỡ.
Tâm huyết với việc thiện
Cách đây 22 năm, một số nữ giáo dân thuộc giáo xứ Bắc Giang đã đứng lên thành lập hội Phúc Thiện với tinh thần tự nguyện làm việc thiện. Ngay lập tức, bà đã nhiệt tình tham gia hội. Con đường đưa bà đến với những việc làm nhân đạo cũng bắt đầu từ đó.
Ngày bấy giờ, dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, bà kiếm sống nhờ vào quán nước nhỏ bên vỉa hè. Thế nhưng bà vẫn dành dụm một số tiền nhất định để giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, cơ nhỡ.
Năm 1996, bà được được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội Phúc Thiện. Với cương vị đứng đầu hội, bà vận động các thành viên tham gia phong trào nuôi lợn nhựa tiết kiệm làm việc nghĩa.
Theo đó, hàng tháng, mỗi hội viên tự nguyện bỏ ra một số tiền nhỏ để cất vào lợn nhựa. Mỗi người có một hình thức tiết kiệm khác nhau, có người tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, có người lại trích ra từ lương hưu.
Ngay bản thân bà Nguyệt thực hành tiết kiệm bằng cách dùng số tiền ăn sáng mỗi ngày để bỏ vào lợn nhựa. Bữa sáng của bà là những thức ăn từ tối hôm trước nhưng vẫn sử dụng được.
Phong trào tiết kiệm làm việc nghĩa đã được các hội viên hội Phúc Thiện hưởng ứng rộng rãi và duy trì liên tục suốt hàng chục năm qua. Mới đầu chỉ có 26 thành viên tham gia, đến nay đã tăng lên 107 người, lan rộng ra khắp phường Lê Lợi và một số phường khác trong Thành phố Bắc Giang.
“Các hội viên phần lớn là người công giáo và cao tuổi nhưng rất tích cực tham gia phong trào tiết kiệm làm việc nghĩa. Số tiền tuy nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm lớn lao, ấm áp tình người”, bà Nguyệt nói.
Mỗi năm, các hội viên sẽ tổng kết số tiền tiết kiệm lại, giúp đỡ không hoàn lại những người nghèo gặp lúc hoạn nan, khó khăn. Tính đến nay, các hội viên đã tiết kiệm được hàng chục triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đều đượng dùng vào việc từ thiện, nhân đạo.
Sống phúc âm trong lòng dân tộc
Hàng năm, mỗi khi mùa mưa bão về hoành hành các tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn về người và của, đồng bào phải gồng mình trong mưa lũ cũng là lúc bà Nguyệt ăn ngủ không yên. Bà lại thấp thỏm hướng về người dân vùng lũ.
Những lúc như thế, chưa cần tổ chức hay cơ quan nào phát động, người dân khu phố lại thấy bà tất tưởi đi quyên góp, vận động mọi người ủng hộ đồng bào miền Trung. Không quản trời ngày hay trời tối, bà gõ cửa từng nhà hội viên hội Phúc Thiện, các doanh nghiệp để nhận cứu trợ.
Có người gửi bà một vài đồng, có người đưa một vài bộ quần áo. Mỗi người một ít cùng bà chung tay giúp đồng bào lũ lụt vơi bới khó khăn. Tính ra đến nay, bà đã quyên góp được hơn 1.500 bộ quần áo và hơn 3 triệu đồng giúp người dân trong cơn đại hồng thủy.
Không chỉ vậy, không ít những mảnh đời nghèo khó đã vượt qua lúc gian khổ nhờ có sự giúp đỡ của bà và hội Phúc Thiện.
Đang trong cảnh túng thiếu, phải xoay xở kiếm sống từng ngày, chị Nguyễn Thị Hằng ở phường Lê Lợi, Thành phố Bắc Giang đã kịp thời nhận được sự hỗ trợ của hội Phúc Thiện từ sự đóng góp tự nguyện của các hội viên với số tiền gần 2 triệu đồng.
Chị Hằng có gia cảnh đặc biệt khó khăn. Chồng chị bị bệnh tâm thần, hai con đang tuổi đi học, gánh nặng kinh tế gia đình đổ lên vai chị.
Thấy vậy, bà Nguyệt và bà Trần Thị Định, tổ trưởng hội Phúc Thiện cụm Nghĩa Long, phường Lê Lợi đã đứng lên vận động hội viên và bà con khu phố cùng đóng góp vật chất và tinh thần giúp gia đình chị vượt qua lúc hoạn nạn. Đến nay, cuộc sống gia đình chị đã ổn định.
“Tôi luôn tâm niệm là sống phúc âm trong lòng dân tộc. Tôi càng giúp đỡ được nhiều người nghèo khổ, tôi càng cảm thấy lòng mình thanh thản, hạnh phúc”, bà Nguyệt nói.
Năm 2010, bà Nguyệt đã được Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen và kỷ niệm chương vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo và xây dựng Hội chữ thập đỏ./.
(Theo: Nguyễn Thắng/VGP News)