Chủ Nhật, 20/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 9/12/2016 11:11'(GMT+7)

Nghệ An: 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư về vấn đề an toàn thực phẩm

Trồng rau sạch an toàn ở tỉnh Nghệ An (Ảnh: Phúc Hợp)

Trồng rau sạch an toàn ở tỉnh Nghệ An (Ảnh: Phúc Hợp)

Trước tiên, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá tình hình, xây dựng và triển khai các chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể, từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức về công tác an toàn thực phẩm tại địa phương. Kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quan trọng triển khai có hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TW cũng như Luật An toàn thực phẩm và các quy chuẩn về an toàn thực phẩm. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết việc thực hiện Chỉ thị nhằm phát hiện, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục tồn tại, hạn chế và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW trong thời gian tới.

Thứ hai, công tác tuyên truyền về vấn đề an toàn thực phẩm được chú trọng thực hiện từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với trình độ dân trí từng vùng, miền như: tập huấn, tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, họp tổ, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, báo, đài, pa nô, áp phích, tờ rơi, truyền thanh, truyền hình... tập trung chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng vào các đợt cao điểm như dịp Tết Nguyên Đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu với các thông điệp (trung bình 10 lượt/1 loại thông điệp/năm) và chuyên đề chuyên sâu. Trung bình mỗi năm Báo Nghệ An đã đăng tải trên dưới 800 tin, bài. Trong 05 năm qua, ngành y tế đã phối hợp với Đài PT-TH tỉnh xây dựng và phát sóng 20 phóng sự, 77 buổi phỏng vấn trả lời tư vấn chuyên mục sức khỏe và hàng trăm nghìn lượt phát thanh về an toàn thực phẩm ở đài phát thanh địa phương; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo các chi cục chuyên ngành tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn cho hơn 33.657 lượt người, treo 535 băng rôn, 2.750 tờ rơi các loại; ngành công thương đã tổ chức 9 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho hơn 700 người lao động tham gia trực tiếp. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Chỉ thị số 08-CT/TW; Luật An toàn thực phẩm, Luật bảo vệ người tiêu dùng; cách chọn mua, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn, điều kiện đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm...

Công tác tuyên truyền, phổ biến về an toàn thực phẩm còn có sự phối hợp tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động phong trào thực hiện các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; thông qua các Tổ tự quản, Ban Thanh tra nhân dân để thực hiện kiểm tra, giám sát về đảm bảo an toàn thực phẩm ở khu dân cư. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hội Nông dân tỉnh tuyên truyền tới các hộ gia đình nông dân tuyệt đối không sử dụng hóa chất cấm, hóa chất độc hại trong trồng trọt, chăn nuôi…

Công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục đã làm chuyển biến tích cực nhận thức của của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương, đơn vị trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cũng là thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp.

Thứ ba, năng lực và chất lượng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từng bước được nâng cao. Quan tâm kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tế. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, UBND tỉnh và 100% các huyện, thành phố, thị xã kịp thời kiện toàn lại ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo. Từ đó, các văn bản quan trọng được ban hành như Quyết định số 2624/QĐ-UBND ngày 08/6/2016 về việc bổ sung thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An; Kế hoạch số 381/KH-UBND ngày 05/7/2016 về việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 3214/QĐ-UBND ngày 05/7/2016 của UBND Tỉnh Nghệ An về việc thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành (đoàn số 3) về bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An năm 2016; Quyết định số 4213/QĐ-UBND ngày 31/8/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2016; Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 ban hành Quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công thương trên địa bàn tỉnh Nghệ An… từng bước tạo chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo các đơn vị quản lý an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch được phê duyệt; quản lý chất lượng thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng. Trong 5 năm qua, ngành y tế đã tiếp nhận công bố hợp quy 145 sản phẩm, chứng nhận bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho 286 sản phẩm. Tăng cường quản lý điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, kinh doanh dịch vụ ăn uống, các chợ. Đã quản lý 15.422 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm (chế biến 1.953, kinh doanh 8.552, dịch vụ ăn uống 4.937). Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho 85 sản phẩm thực phẩm, xác nhận quảng cáo cho 26 sản phẩm thực phẩm chức năng; hướng dẫn, hỗ trợ 20 cơ sở sản xuất kinh doanh chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong đó 08 cơ sở GAP trồng trọt và 12 cơ sở GAP thủy sản; hướng dẫn 126 cơ sở đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận 197 cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; chứng nhận 37 cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương quản lý.

Chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn; hỗ trợ xây dựng các mô hình VietGAP, VietGAHP, HACCP cho 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn để đảm bảo việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, tập trung vào quy hoạch vùng sản xuất, chế biến tập trung (rau, thịt) áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm như HACCP, ISO 9001, ISO 22000…

Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đã được cấp ủy, chính quyền, các ngành chú trọng triển khai khá thường xuyên, đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Trung bình hàng năm thành lập khoảng 1.392 đoàn thanh, kiểm tra từ tỉnh đến xã; trong đó, 03 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh; 78 đoàn tuyến huyện; 1.311 đoàn tuyến xã. Việc kiểm tra, thanh tra liên ngành, chuyên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tăng cường, từ 79,7% (năm 2012) lên 82,6% (năm 2015). Nhiều cơ sở vi phạm đã bị xử lý, tạm đình chỉ hoạt động, nhiều loại sản phẩm tịch thu, tiêu hủy, nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện kịp thời, xử lý theo pháp luật và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý theo pháp luật. Từ 2012-2015 có 85.168 lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra: 66.860 cơ sở đạt, 16.067 cơ sở vi phạm, 938 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt là 549.060.000 đồng.

Tuy nhiên, qua 05 năm thực hiện Chỉ thị 08, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: một số nơi các cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm; chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt và chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng an toàn thực phẩm. Công tác phối hợp liên ngành trong giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm đôi lúc vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn, bất cập, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm chưa triệt để. Hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức hết mối nguy hại của thực phẩm bẩn, còn lạm dụng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục quy định; sử dụng nước ô nhiễm để rửa rau, quả; lạm dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi; còn sử dụng hàng hóa thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc nguy cơ ngộ độc cao. Ngộ độc thực phẩm đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, giống nòi và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn thực phẩm chưa được nhân rộng nhiều mà chủ yếu là các hộ gia đình. Việc bố trí nguồn lực, kinh phí chưa đảm bảo cho công tác triển khai thực hiện các hoạt động về an toàn vệ sinh thực phẩm.

An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề nóng bỏng và được quan tâm đặc biệt trong đời sống xã hội; nó không chỉ diễn ra ở các quốc gia đang phát triển, kém phát triển mà còn xảy ra ở cả những nước phát triển, có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến. Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả nước nói chung, ở Nghệ An nói riêng trong thời gian qua đang tạo nhiều lo lắng cho người dân. Để tăng cường vai trò, vị trí của vấn đề an toàn thực phẩm trong phát triển bền vững hiện nay, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền cần phái đi trước một bước nhằm nâng cao nhận thức cho cá nhân, cộng đồng về vai trò, vị trí của vấn đề an toàn thực phẩm đối với sức khỏe, năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội.

 Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền các gương thực hành tốt, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến an toàn thực phẩm nhằm khẳng định vai trò của thực phẩm sạch trong phát triển bền vừng đất nước. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn thực phẩm. Nội dung tuyên truyền cần có trọng tâm, trọng điểm, nhấn mạnh vai trò quan trọng của an toàn thực phẩm trong việc bảo đảm sức khỏe con người, giống nòi của dân tộc, sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và hội nhập quốc tế. Biện pháp tuyên truyền cần phải đa dạng, phong phú: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (nhất là báo, đài), qua tập huấn, hội thảo, câu lạc bộ, cuộc thi tìm hiểu…

Thứ hai, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề an toàn thực phẩm. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TW về vấn đề an toàn thực phẩm và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác an toàn thực phẩm. Các cấp, các ngành xây hằng năm đưa các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; triển khai các hoạt động liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi “từ sản xuất đến tiêu dùng”; xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh sự số về an toàn thực phẩm các cấp.

Thứ ba, tiếp tục củng cố, kiện toàn, tăng cường đầu tư nguồn lực, đảm bảo kinh phí và các điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. UBND các cấp, các sở, ngành được giao quản lý về an toàn thực phẩm có trách nhiệm củng cố, tăng cường nhân lực, phương tiện làm việc, kinh phí cho các cơ quan, đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ thực hiện công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp liên ngành; nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của các cơ quan có thẩm quyền; kiểm tra việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi, phụ gia trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị; phát huy hiệu quả mô hình chợ an toàn thực phẩm; ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Xử lý, kỷ luật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm./.  

Hồ Phúc Hợp
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

     


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất