Nông dân có đầu ra, không lo tình trạng "được mùa mất giá" còn doanh nghiệp thì bảo đảm được nguồn hàng cho chế biến, xuất khẩu, kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc sản phẩm...
Đó là lợi ích không nhỏ sau hơn một năm thực hiện "Xây dựng thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp "ở 12 tỉnh, thành trong cả nước do Bộ Công Thương tổng kết sáng 11/12, tại Hà Nội.
Lợi ích hai chiều
Khởi nghiệp từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát không có quy hoạch nên anh Phan Quốc Ân, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã không ít lần thất bại do thiếu kinh nghiệm và kiến thức về chăn nuôi.
Nhưng hơn một năm sau khi tham gia mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản do Sở Công Thương tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư, anh Ân đã có những thành công vượt bậc, nhờ đầu ra và nguồn thu ổn định. Theo anh, sự gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp chính là "đòn bẩy" lớn nhất để phát triển.
"Nhờ bỏ qua khâu trung gian nên nông dân đã hưởng được giá thật của sản phẩm, không lo tranh chấp hợp đồng và yên tâm đầu tư sản xuất," anh Ân chia sẻ.
Trong khi đó, Saigon Co.op Mart, một hệ thống bán lẻ hàng đầu của Việt Nam cũng thu nhận được những hiệu quả thiết thực từ sự gắn kết này. Theo ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm, với nhu cầu tiêu thụ trên 500 tấn nông sản gồm rau củ quả và trái cây mỗi ngày thì doanh nghiệp rất cần những đơn hàng ổn định với bà con nông dân.
"Việc ký kết trực tiếp mua sản phẩm của nông dân và hợp tác xã đã tạo ra lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhờ nguồn hàng ổn định, kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, nguyên liệu và giá thành...," ông Toàn nói.
Tại hội nghị Tổng kết, ông Nguyễn Minh Văn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định cũng đánh giá cao sự kết hợp giữa hộ nông dân với doanh nghiệp mà Hợp tác xã là cầu nối đã mang lại lợi ích hai chiều trong mô hình này.
Cụ thể, là bà con nông dân được doanh nghiệp ứng trước vật tư nông nghiệp và ký kết hợp đồng thu mua 100% sản phẩm đạt chuẩn chất lượng nên đã yên tân sản xuất, tích cực mở rộng diện tích gieo trồng.
Bên cạnh đó, hợp tác xã và doanh nghiệp có kế hoạch, chủ động về lượng hàng cung ứng, giá cả hợp lý, chất lượng tốt hơn do ràng buộc trách nhiệm giữa người sản xuất và doanh nghiệp.
"Mô hình thí điểm nếu được nhân rộng sẽ góp phần xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, kiểm soát được chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh và nâng cao thu nhập," ông Văn chia sẻ.
Cần được nhân rộng
Có thể thấy, dù mới thí điểm nhưng hầu hết các ý kiến tại Hội nghị đều tán thành việc nhân rộng do đáp ứng được mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần đáng kể vào xây dựng nông thôn mới.
Hơn nữa, đây là mô hình có sự kết hợp giữa nông dân với doanh nghiệp; trong đó các hộ kinh doanh, hợp tác xã là cầu nối. Chính vì vậy, sự kết hợp này mang lại lợi ích hai chiều, đó là Nông dân được cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm đầu ra với giá ổn định, giúp gia tăng lợi nhuận, dần chuyển từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô và có định hướng theo thị trường; còn doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng nguyên liệu.
Bên cạnh đó, mô hình này cũng tạo dựng, phát triển mối liên kết kinh tế xã hội giữa doanh nghiệp-Hợp tác xã và người nông dân; tạo lập kênh phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, nông dân khi tham gia thực hiện dự án đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt trong sản xuất và tư duy. Cụ thể là họ có quyền được thương thảo với doanh nghiệp, cam kết và trách nhiệm; được học tập về kỹ thuật canh tác, tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình điển hình ở địa phương và ngoài tỉnh.Mặt khác, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ về mặt tuyên truyền và nâng cao uy tín.
"Một điều không thể phủ nhận là từ những mô hình này đã có được sự chia sẻ, hiểu biết và đồng thuận giữa doanh nghiệp và nông dân. Nông dân đã gắn kết với doanh nghiệp một cách tự nguyện, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, nhu cầu hợp tác, liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ trở thành một tất yếu khách quan,” Thứ trưởng Thoa nói.
Thống kê của Bộ Công Thương, sau hơn một năm triển khai, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đã thiết lập mối liên kết trực tiếp với nông dân hoặc Hợp tác xã ở địa phương. Qua hợp đồng kinh tế, các doanh nghiệp và hợp tác xã có nguồn hàng nông sản, thực phẩm tươi sống ổn định cung ứng cho các cơ sở chế biến và hệ thống siêu thị.
Tuy nhiên, để có thể nhân rộng, theo thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, cần có sự thống nhất trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân có liên quan về mục đích, lợi ích và tác dụng của việc xây dựng mô hình này.
Với doanh nghiệp, ngoài việc tăng cường hỗ trợ kỹ thuật thì cần phải bám sát ruộng đồng cùng nông dân trong suốt quá trình sản xuất đến thu hoạch, thực hiện đúng cam kết thu mua hết sản phẩm. Về phía hộ nông dân cũng cần nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết ghi trong hợp đồng để nâng cao uy tín và xác lập mối quan hệ lâu dài với doanh nghiệp.
"Qua triển khai mô hình thí điểm, nhiều địa phương xuất hiện tình trạng doanh nghiệp không đầu tư nhưng vẫn tranh mua, tranh bán với doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư hoặc người nông dân vẫn cố tình phá vỡ hợp đồng. Do đó cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa của chính quyền địa phương," Lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh.
Dự kiến sau khi tổng kết mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp báo cáo và có kiến nghị cụ thể trình chính phủ xem xét nhân rộng./.
Đức Duy (Vietnam+)