Làm thế nào
để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật rối nước đến cộng
đồng trong và ngoài nước trong môi trường hội nhập văn hóa như hiện nay
là trăn trở của nhiều nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, những người tâm huyết
với nghệ thuật độc đáo này.
“Đặc sản” đang “lão hóa”
Nghệ
thuật múa rối nước được coi là “đặc sản” độc nhất vô nhị trên thế giới,
được thế giới biết đến như một “thương hiệu văn hóa” của Việt Nam.
Những tích trò như “Bật cờ”, “Tễu giáo đầu”, “Tứ linh”, “Bát tiên”,
“Đánh cáo bắt vịt”, “Múa rồng”, “Múa sư tử”… trong các chuyến lưu diễn
nước ngoài đã khiến khán giả nước ngoài sửng sốt, kinh ngạc. Trong các
tour du lịch đến Việt Nam, hầu hết du khách đều đến xem múa rối nước tại
các Nhà hát Múa rối Việt Nam, hoặc nhà hát Múa rối Thăng Long. Nhiều du
khách còn tìm đến tận các làng quê, nơi sản sinh ra nghệ thuật múa rối
nước để xem múa rối ngay tại ao làng.
Thế nhưng, hơn 30 năm qua, nghệ thuật múa rối nước Việt Nam dường
như không có sự phát triển đặc biệt nào, khiến những người làm rối
chuyên nghiệp không khỏi lo lắng. Theo NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc
Nhà hát Múa rối Thăng Long, có lẽ chưa có tác phẩm sân khấu nào ở Việt
Nam được nhân bản nhiều và dập khuôn giống nhau như 16 - 17 trò rối nước
đến thế. Nó giống nhau từ kịch bản, đường nét biểu diễn, đến lời thoại
nhân vật, rồi tạo hình, âm nhạc thể hiện… Những tác phẩm này được làm
lại theo dạng truyền nghề, dập khuôn máy móc và ít sáng tạo.
Tình
trạng “lão hóa” trong nghề nghiệp cũng là điều khiến các nghệ sỹ băn
khoăn. Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Nhà hát Múa rối Thăng Long mỗi năm có
hàng nghìn suất diễn. “Nhìn vào con số buổi biểu diễn rất đáng tự hào,
nhưng với 5 - 6 suất diễn một ngày, thì sức lực các nghệ sỹ cũng bị bào
mòn, mệt mỏi, nhàm chán, sẽ tạo thành sức ì rất lớn. Thậm chí, có lúc
chính người diễn viên cũng trở thành những con rối, diễn như một cỗ máy,
không có cảm xúc, cũng không có sự thăng hoa. Tình trạng “lão hóa” này
cũng xảy ra ở cả các thế hệ nghệ sĩ trẻ, mà chúng tôi vẫn còn nói đùa
“trẻ mà nghỉ hưu nghệ thuật sớm”, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn chia sẻ.
Các
phường rối ở nhiều địa phương cũng trong tình trạng tương tự. Ông Đào
Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) thừa
nhận, mặc dù có hàng chục phường rối nước đang hoạt động, nhưng hầu hết
các phường rối nước ở miền Bắc đều diễn một chương trình, có nội dung
gần giống nhau, được tạo dựng từ những tích trò diễn phổ biến và khá “ăn
khách” trước đây. Nhiều đơn vị tìm đến cái mới, nhưng lại mải chạy theo
đề tài thời sự, mà kịch bản lại chỉ chạy theo tích “chuyện”, mà quên
diễn “trò” - yếu tố quan trọng nhất trong nghệ thuật múa rối nước, và
rối nước truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mờ dần bản sắc.
Để rối nước không mất bản sắc
Vài
năm trở lại đây, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Nhà hát Múa rối Thăng Long
đã có xu hướng tìm tòi, để làm mới cho rối nước. Đó là các vở diễn như
“Hồn quê”, “Truyện cổ Andecxen”, “Huyền thoại Rồng - Tiên”, “Bay lên từ
mặt nước”… mỗi vở diễn cũng thể hiện được những nét mới lạ, đặc sắc, với
sự kết hợp giữa múa rối nước với nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật múa,
thành những kịch bản, cốt truyện, có nhân vật, có tính cách, mang chủ đề
tư tưởng rõ ràng… Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng chỉ có ở một số nhà
hát múa rối chuyên nghiệp, còn các phường rối nước không chuyên hầu như
vẫn không có gì thay đổi. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu kinh phí, nhân
lực. Nghệ nhân Phạm Văn Tòng, Trưởng phường múa rối xã Hồng Phong (Hải
Dương) cho biết: “Kinh phí tạo hình con rối, hay nhân vật rối là khoảng
100 triệu đồng/con, các phường rối địa phương hầu như không thể đủ kinh
phí để thực hiện. Thêm vào đó, thu nhập cho nghệ sỹ biểu diễn múa rối ở
các địa phương hiện không đảm bảo cuộc sống, nên không thu hút được lớp
trẻ tham gia, các nghệ nhân biểu diễn rối nước ở các phường rối đang
ngày càng ít dần”.
Làm gì để bảo tồn và phát
triển múa rối nước trong thời kỳ hội nhập, để rối nước Việt Nam không
mất đi bản sắc là mối quan tâm của nhiều người trong nghề.
NSND
Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho rằng, Nhà
nước cần tập trung vào khâu kịch bản rối nước, mở rộng đề tài từ lịch
sử, truyền thuyết đến hiện đại. Có thể đặt hàng các tác giả, nhất là tác
giả trong ngành rối sáng tác cho phù hợp với xu thế hội nhập. Chọn từ 1
- 2 phường rối cổ truyền dân gian để đầu tư kinh phí, chất xám, xây
dựng thành phường rối nước điển hình về nghệ thuật rối nước dân gian.
Định kỳ tổ chức các cuộc thi tài năng múa rối nước chung cho các đoàn
chuyên nghiệp và phường rối dân gian toàn quốc để khích lệ, động viên và
phát hiện các tài năng, nhân tố mới về biểu diễn cũng như chế tạo con
rối.
Theo PGS.TS nghệ thuật học Nguyễn Thị
Minh Thái, giải pháp chiến lược cho sự bảo tồn và phát huy di sản nghệ
thuật rối nước cổ truyền Việt trong thời kỳ hội nhập, là rối nước Việt
Nam cần giữ lấy cái “lề văn hóa văn minh lúa nước cổ truyền”, và không
chỉ trong 16 tích trò rối cổ truyền. Nhà nghiên cứu rối nước Nguyễn Huy
Hồng đã sưu tầm được khoảng 250 trò rối cổ truyền, trên khắp các phường
rối châu thổ sông Hồng. “Nếu được khai thác một cách tử tế, những trò
rối cổ truyền ấy sẽ làm phong phú kịch mục trò diễn, và đây chính là con
đường tìm về nguồn của rối nước Việt Nam - hội nhập với nghệ thuật thế
giới bằng chính bản thể của rối nước cổ truyền Việt” - PGS.TS Nguyễn Thị
Minh Thái khẳng định.
Lan Lộc (TTXVN)