Chủ Nhật, 29/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 25/5/2011 10:10'(GMT+7)

Tìm hiểu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 (Tiếp theo)

Câu hỏi 18: Để xây dựng nền hành chính nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả cần phải làm gì?

Trả lời:

Để xây dựng nền hành chính nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, cần phải:

Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách lập pháp, hành pháp và tư pháp, đổi mới tư duy và quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật. Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thứ hai, tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính và hiện đại hoá nền hành chính quốc gia.

Thứ ba, tiếp tục kiện toàn bộ máy của Chính phủ, nâng cao hiệu quả quản lý vĩ mô, nhất là chất lượng quy hoạch, xây dựng thể chế, năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ năm, hoàn thiện cơ chế phân cấp, bảo đảm quản lý thống nhất về quy hoạch và những định hướng phát triển, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra; đồng thời đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng cấp, từng ngành. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Thứ sáu, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Thứ bảy, đặt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng thể chế, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tăng cường đối thoại giữa Nhà nước với doanh nghiệp và nhân dân; mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của các tổ chức và chuyên gia tư vấn độc lập trong việc xây dựng thể chế, chuẩn mực quốc gia về thủ tục hành chính; giảm mạnh các thủ tục hiện hành.

Thứ tám, công khai các chuẩn mực, các quy định hành chính để nhân dân giám sát việc thực hiện. Tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ.

Thứ chín, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành của hệ thống hành chính nhà nước các cấp.

Câu hỏi 19: Làm thế nào để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả trong thời gian tới?

Trả lời:

Để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả trong thời gian tới cần phải:

Một là, thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

Hai là, hoàn thiện thể chế, luật pháp; nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức; công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức; tăng cường công tác giám sát, thực hiện dân chủ, tạo cơ chế để nhân dân giám sát các công việc có liên quan đến ngân sách, tài sản của Nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan chức năng, khuyến khích phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí; cải cách cơ bản chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Câu hỏi 20: Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước cần phải làm gì?

Trả lời:

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước, cần phải:

Thứ nhất, hoàn thiện nội dung và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, gắn quyền hạn với trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng lãnh đạo của các cấp ủy đảng; tăng cường dân chủ trong Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là nội dung quan trọng của đổi mới chính trị phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới kinh tế. Coi trọng mở rộng dân chủ trực tiếp trong xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền, khắc phục tình trạng Đảng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc bao biện làm thay chức năng, nhiệm vụ quản lý điều hành của chính quyền.

Thứ hai, tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường; đại hội đảng các cấp trực tiếp bầu bí thư cấp ủy; nhân dân trực tiếp bầu người đứng đầu chính quyền cấp xã; nhất thể hoá hai chức danh bí thư cấp uỷ và chủ tịch uỷ ban nhân dân. Trên cơ sở đó, lựa chọn phương án phù hợp, hiệu quả góp phần đổi mới phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là dân chủ trực tiếp.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là về các chính sách kinh tế xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển quan trọng. Quy định chế độ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước nhân dân. Hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và của mỗi người dân trong việc quản lý sinh hoạt và tổ chức đời sống cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 21: Trách nhiệm của các ngành, các cấp, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020?

Trả lời:

Tổ chức thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở. Phải tập trung làm tốt các việc sau đây:

Thứ nhất, các cấp uỷ đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng chỉ đạo quán triệt sâu sắc nội dung Chiến lược trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và tăng cường sự lãnh đạo, tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong Chiến lược.

Thứ hai, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và giám sát việc thực hiện Chiến lược.

Thứ ba, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động, các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm, vùng lãnh thổ, bảo đảm phát huy lợi thế và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước. Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá Chiến lược, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm, các chương trình quốc gia.

Thứ tư, xây dựng cơ chế và đưa vào nền nếp việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh Chiến lược theo sát diễn biến của tình hình thực tế. Trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược, khi xuất hiện những vấn đề cần đổi mới mà chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định việc thực hiện làm thí điểm.

Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, xây dựng cơ chế để phát huy trí tuệ, lực lượng của nhân dân trong việc thực hiện và giám sát việc thực hiện Chiến lược.


 Nguồn: Tài liệu Hỏi - Đáp các Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XI của Đảng
(Ban Tuyên giáo Trung ương)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất