Thứ Ba, 26/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 23/5/2011 16:42'(GMT+7)

Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh

 

Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH – HĐH và hội nhập quốc tế”.

Từng bước trí thức hoá công nhân

Quan điểm của Đảng về chiến lược xây dựng giai cấp công nhân (GCCN)  lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, CNH – HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng GCCN; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CN, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của GCCN. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho CN, từng bước trí thức hoá GCCN là một nhiệm vụ chiến lược.

Để xây dựng GCCN lớn mạnh, một trong những vấn đề hàng đầu là phải tập trung các nguồn lực cho đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt của CN, từng bước trí thức hoá CN; đầu tư cho đào tạo, nâng cao chất lượng LĐ là hướng đầu tư chủ đạo và được coi là đầu tư hiệu quả nhất cho sự phát triển. Đây vừa là giải pháp cơ bản lâu dài, vừa là khâu then chốt, đột phá để thực hiện CNH – HĐH; tạo lập kỹ năng, kiến thức tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo cho CN, biến tiềm năng lao động của CN trở thành “nguồn vốn - vốn con người, vốn nhân lực” một nguồn vốn quan trọng, quyết định mọi thành công của doanh nghiệp cũng như của đất nước.

Cần tập trung mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề để trong thời gian ngắn phát triển được đội ngũ CN có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế, từng bước đi vào kinh tế tri thức; quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên phạm vi toàn quốc, các vùng kinh tế trọng điểm và các địa phương tạo điều kiện để công tác đào tạo, dạy nghề phát triển tập trung, định hướng, đảm bảo cung ứng đủ công nhân kỹ thuật lành nghề tại chỗ cho các doanh nghiệp, nhất là ở các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu CN kỹ thuật hiện nay, giảm sức ép di chuyển LĐ giữa các vùng miền.

Cần chuẩn hoá hệ thống đào tạo nghề

Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia dạy nghề, đồng thời cần tập trung cải cách hệ thống đào tạo nghề theo hướng tiêu chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá, đào tạo phải gắn với nhu cầu của sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động. Quan tâm lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo nghề, gắn đào tạo lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành, gắn đào tạo nghề với giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, về GCCN và gắn đào tạo nghề với rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Sớm có quy định đưa nội dung phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Luật Doanh nghiệp vào nội dung, chương trình đào tạo nghề.

Nhà nước tăng kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất cho công tác đào tạo nghề, tăng cường công tác quản lý nhà nước đảm bảo quản lý thống nhất và có chất lượng công tác đào tạo nghề, xúc tiến thành lập quỹ đào tạo CN của các ngành, địa phương, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đồng thời quy định chặt chẽ chính sách quản lý, sử dụng hợp lý nguồn quỹ trên để phát huy tốt vai trò của quỹ đào tạo CN, góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Trong thời gian qua, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức chỉ đạo các cấp công đoàn trong cả nước thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước” và hiện nay đang tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết XI của Đảng.

Bước vào thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, vấn đề xây dựng GCCN và tổ chức công đoàn lớn mạnh cũng phải được quan tâm sâu sắc, toàn diện, thiết thực và cụ thể hơn theo tinh thần Nghị quyết 20/NQ – TW và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người CN, là yếu tố quan trọng thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

TS Hoàng Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất