Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 30/11/2017 13:0'(GMT+7)

'Tìm lại ký ức' - cuộc hội ngộ xúc động

Nhiều kỷ vật được các cựu phi công Mỹ trao tặng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Nhiều kỷ vật được các cựu phi công Mỹ trao tặng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Trưng bày được chia thành 4 nội dung: "Đối mặt với B52", "Khách sạn Hilton-Hà Nội", "Ngày trở về" và "Xây đắp tương lai".

Tại buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức”, đại biểu và khách tham quan được gặp lại những nhân chứng đã trải qua nhưng ngày đêm khốc liệt trong tháng 12/1972 như: Nữ chiến sĩ tự vệ Phạm Thị Viễn; thân nhân liệt sĩ phi công Hoàng Tam Hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Nguyễn Đức Soát; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Trần Việt; phóng viên ảnh chiến trường Chu Chí Thành và những người làm công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phi công Mỹ thuộc Đoàn 875, Tổng cục Chính trị (1964-1973)... 

Cùng với đó là sự xuất hiện của những vị khách từ nước Mỹ xa xôi là Hạ sĩ lục quân Mỹ Robert P. Chenoweth, người đã có thời gian sống tại “Khách sạn Hilton-Hà Nội” và ông Thomas Eugene Wilber, con trai Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber (cựu phi công Mỹ bị giam tại Hỏa Lò).

Buổi khai mạc đã chứng kiến nhiều cuộc hội ngộ xúc động giữa cựu phi công Mỹ bị bắt giữ với những người lính làm công tác chăm sóc, bảo vệ phi công. Cũng trong buổi khai mạc, nhiều kỷ vật do cựu phi công Mỹ trao tặng cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò để minh chứng những gì họ cảm nhận được trong thời gian bị giam giữ.

Nội dung trưng bày “Đối mặt với B52” sẽ đem đến cho những ai chưa từng trải qua chiến tranh biết thêm nhiều câu chuyện thời chiến chứa đựng đầy bất ngờ và giàu tính nhân văn, đặc biệt là những câu chuyện của những người làm công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phi công Mỹ ở Hỏa Lò được kể đan xen với những câu chuyện về một số phi công Mỹ bị bắt, giam tại đây.

Trong những năm 1964-1973, một phần của nhà tù Hỏa Lò được dùng để tạm giam phi công Mỹ, trong đó phần lớn là những phi công tham gia ném bom Hà Nội trong tháng 12/1972 mà máy bay bị quân và dân ta bắn rơi.

Nội dung trưng bày “Khách sạn Hilton - Hà Nội” là cuộc sống thường ngày của phi công Mỹ bị bắt. Ở đó, không còn những chuyến bay với B-52 hay những trận bom rải thảm nữa mà chỉ còn lại khoảng lặng dành cho phi công Mỹ suy nghĩ lại những việc đã qua và cảm nhận về cuộc sống bình yên cùng tình người ấm áp tại trại giam Hỏa Lò.

Đến hôm nay, sau 44 năm rời xa “Khách sạn Hilton - Hà Nội”, Trung tá thủy quân lục chiến Edison W. Miller, một trong số những cựu phi công Mỹ nay ở độ tuổi 87 đã chia sẻ: "Tôi không gặp vấn đề gì cả. Tôi biết khi đó đất nước các bạn còn nghèo nhưng tôi vẫn thường được ăn súp rau vào buổi sáng... Một lần, một quản giáo Việt Nam nói chuyện với tôi và tôi đã hỏi họ có thể cho thêm rau gia vị vào súp không, để món súp thêm hấp dẫn... Và tôi thấy thật tuyệt khi họ làm như vậy. Tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi họ đưa cho chúng tôi mỗi người 3 điếu thuốc lá một ngày. Mỗi buổi sáng có 4 người đến phát thuốc lá cho chúng tôi và tôi thích khoảng thời gian 3 lần 1 ngày khi được hút thuốc...".

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ tiến hành trao trả những người bị hai bên giam giữ. Những gương mặt vui mừng, cảm động, những giọt nước mắt hạnh phúc… khi được trở về trong vòng tay người thân đã trở thành kỷ niệm khắc ghi trong tâm thức những người trở về sau cuộc chiến. Ẩn chứa trong từng bức ảnh, trong mỗi hiện vật trong phần trưng bày “Ngày trở về” là những câu chuyện cảm động về hơi ấm tình vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng… sau bao năm xa cách của các tù chính trị Việt Nam được đối phương trao trả tại bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị cũng như những phi công Mỹ được trao trả tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.

“Xây đắp tương lai” là nội dung cuối của trưng bày thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, bởi hơn ai hết, tất cả người dân đất Việt đều hiểu hết giá trị của hòa bình.

45 năm đã trôi qua, nhân dân Việt Nam vẫn luôn dành tình cảm tốt đẹp cho những người Mỹ yêu hòa bình. Vì vậy, trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” là dịp để người dân Việt Nam thêm tự hào khi đã lập nên một kỳ tích của thế kỷ XX, là dịp để các cựu phi công Mỹ nhớ lại một khoảng lặng trong cuộc đời, giúp mỗi người hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, để cùng góp sức xây dựng thế giới hòa bình./.

Theo chinhphu.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất