Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 18/12/2008 18:20'(GMT+7)

Tín dụng: Còn xa để với tới nông dân, nông thôn!

Người dân nông thôn mong muốn được vay vốn với chi phí giao dịch thấp, thủ tục nhanh chóng và tiện lợi

Người dân nông thôn mong muốn được vay vốn với chi phí giao dịch thấp, thủ tục nhanh chóng và tiện lợi

Con số thống kê đưa ra tại Hội thảo "Tín dụng nông thôn Việt Nam - thực trạng và định hướng phát triển sau khi gia nhập WTO" do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Quỹ Ford (Hoa Kỳ) diễn ra tại Hà Nội ngày 18/12, cho thấy một thực trạng đáng buồn là hiện nay, mặc dù nguồn vốn cũng như doanh số cho vay và dư nợ tín dụng đối với nông nghiệp - nông thôn ngày càng tăng (đến 31/10/2008, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 294.853 tỷ đồng), chiếm tới 23% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế nhưng hiệu quả thực sự của những đồng vốn này lại chưa như mong muốn. Nhiều hộ nghèo tại các vùng nông thôn sâu, vùng xa hầu như vẫn chưa tiếp cận được với vốn vay từ các định chế tài chính là ngân hàng.

Nền tảng hạ tầng bị bỏ quên
 

Một phân tích của các chuyên gia từ Học viện Ngân hàng đã khiến cho nhiều người không khỏi giật mình, khi mà thị trường tín dụng phục vụ nông nghiệp - nông thôn tuy đã trải qua hơn 10 năm phát triển nhưng vẫn "bỏ quên" một yếu tố cơ bản nhất của bất kỳ một thị trường tài chính nào, đó là nền tảng hạ tầng.

"Tôi cho rằng, hình như chúng ta còn bỏ quên mất một điều rất quan trọng là nền tảng hạ tầng cho thị trường tài chính nông thôn. Cần phải tạo ra được một cơ chế cho các định chế tài chính tuân thủ, giống như "handbook" (cẩm nang) ở trên địa bàn nông thôn và cơ chế chính sách cũng phải thể hiện rõ. Bởi, suy cho cùng, bất kỳ tổ chức tín dụng nào hoạt động cũng phải có lợi ích, ngay cả Ngân hàng Chính sách Xã hội dù hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận thì cũng phải hoạt động bền vững. Và muốn bền vững thì họ phải có thu nhập để tái đầu tư.

Vì vậy, chính phủ phải tạo cho được một chế rõ ràng để các định chế tài chính thấy được họ hoạt động kinh doanh tại môi trường nông nghiệp nông thôn vốn dĩ có rất nhiều rủi ro, chi phí cao nhưng vẫn thu được lợi ích ở đó." - ông Nguyễn Trọng Tài, chuyên gia Học viện Ngân hàng nhận định.

Cái "khó" của thị trường tín dụng nông nghiệp-nông thôn hiện nay, theo ông Tài, chính là ở sự "bó hẹp" về tư duy của những người làm tín dụng chính sách (Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển) hay cả ở chính những định chế tài chính như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Họ cho rằng, cần phải "bao cấp" về mặt lãi suất, mà đây lại chính là yếu tố làm triệt tiêu đi tính cạnh tranh cần phải có trong một thị trường tài chính.
 

Chính vì vậy, thực tế là, trong khi Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện vẫn hiện chỉ đang "theo đuổi" một bộ phận "tầng lớp trên" ở nông thôn, thì phần "dưới đáy' của khu vực này lại mới chỉ có các tổ chức tài chính vi mô chăm sóc. Việc quản lý vĩ mô ở khu vực tài chính nông thôn vẫn chưa tốt, dẫn đến tình trạng Ngân hàng Chính sách và Agribank vẫn "chéo giò" nhau. "Khi đã có cho vay lãi suất thấp thì người vay vốn lại nhìn nhận khác, thậm chí họ cho đó là 'lộc trời, của chùa;...," ông Tài ví von.
 

Vấn đề của các tổ chức tín dụng hiện nay chính là ở sàng lọc khách hàng vì mỗi một tổ chức tín dụng thì đối tượng lại khác nhau. Ông Tài cho rằng, với vai trò là người cho vay chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội phải sàng lọc đối tượng cho đúng. Những đối tượng nào cần có sự cho vay ưu đãi, thậm chí là với lãi suất 0% thì vẫn cần phải cho vay ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách tài trợ; còn những đối tượng đang cần vốn, thiếu vốn thì đầu tư theo lãi suất thị trường và phải thiết lập được một cơ chế tài trợ vốn chính xác, không thì sẽ dễ dẫn đấn thất thoát vốn.
 

Về chính sách vĩ mô, chính phủ cần thiết lập một quy chế, một nền tảng tài chính tốt ở nông thôn thì thị trường tài chính nông thôn mới có thể phát triển được. Sau đó mới là sự phối kết hợp giữa các định chế tài chính trên thị trường. Có như vậy, thì thị trường mới "đồng điệu" nhau và mới phát triển được. "Mỗi một thị trường, một khu vực lại có tập quán khác nhau, vấn đề là định chế tài chính phải hướng đúng và trúng để tạo cơ chế cho từng thị trường đó", một chuyên gia chia sẻ.
 

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) thì lãi suất cho vay ưu đãi đối với người nghèo - đối tượng phục vụ chính của các chương trình tín dụng nông thôn hiện nay thường ở mức thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thị trường (và thường được ấn định ở mức thấp hơn lạm phát) khiến cho lãi suất thực tế có giá trị âm. "Ở mức lãi suất thực âm, nhu cầu tín dụng sẽ trở nên vô hạn, cung không thể đáp ứng cầu, nguồn vốn cung ứng bị hạn chế. Và sự chênh lệch giữa giá áp đặt giả tạo và giá thực taho ra động lực tham nhũng của cơ chế xin cho. Do đó, tín dụng sẽ không đến được đúng đối tượng cần phục vụ, mà nhiều khi lại lọt vào tay những người có thế lực hoặc có quan hệ tốt và những người này lại đem tín dụng giá rẻ cho vay lại với lãi suất cao hơn. Điều đó đã bóp méo ý nghĩa của các nguồn tín dụng giá rẻ...", bà Thanh lý giải.
 

Người nghèo có cần tín dụng giá rẻ ?
 

Khi đi vay, ai cũng muốn lãi suất càng thấp càng tốt. Tuy nhiên, nếu lãi suất quá thấp trong khi thủ tục thẩm tra, thẩm định lại rườm rà và có tiêu cực, thì người dân cho rằng họ thà vay với lãi suất thị trường, nhưng ngân hàng phải cung cấp một chất lượng dịch vụ tốt với cách tiếp cận dễ dàng.
 

Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy, tín dụng trợ cấp không phải là chìa khóa cho thành công của tài chính cơ sở. "Nhu cầu chính của người nghèo là dễ dàng và nhanh chóng vay được vốn, với chi phí giao dịch thấp (thủ tục đơn giản và nhanh chóng nhận được tiền), chứ không phải tín dụng giá rẻ," bà Thanh nói.
 

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo khả năng phát triển bền vững về dài hạn, một chương trình tín dụng cần phải áp dụng lãi suất đủ để trang trải chi phí hoạt động cũng như bảo vệ giá trị thực của nguồn vốn.
 

Đồng tình với quan điểm này, ông Tài cũng cho rằng cần phải xóa bỏ ngay tư duy bao cấp về lãi suất đang tồn tại. "Đừng nghĩ là nông dân người ta nghèo không thể trả nổi vốn vay. Không có chuyện đó. Tại sao Băng la-đét người ta nghèo thế mà ngân hàng họ vẫn thu nợ theo tuần? Cứ vài chục nghìn thì học trả được ngay, nhưng vấn đề là ngân hàng của Việt Nam cứ gộp lại một tháng thu cả gốc lẫn lãi lên đến tiền trăm, tiền triệu thì làm khó cho người nông dân. Nguyên do là tính kế hoạch của người nông dân còn thấp, vẫn lối tư duy tiểu sản xuất.... Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần phải nắm rõ tập quán này mà thích ứng với nó để có thể hoạt động được. Nếu áp đặt tư duy thành thị vào nông thôn thì hiệu quả rõ ràng là không cao", ông Tài nhấn mạnh.
 

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia nhận định cần phải xem xét lại tư duy giữa "cần câu" và "con cá". Quan điểm chỉ nên hỗ trợ nông dân theo hướng đưa cho họ "cần câu" chứ không đưa thẳng "con cá" là đúng, nhưng quan trọng hơn đó là phải biết sàng lọc để đưa "cần câu" - tức là vốn tín dụng, tới đúng người biết câu; còn nếu người thật sự cần "con cá" thì phải chuyển sang ngân sách ! Đã là tín dụng thì phải có đòn bẩy lãi suất và lãi suất do thị trường quyết định.
 

Cũng chính vì "lấn cấn" với lãi suất mà nhiều tổ chức tài chính không nhiệt tình trong việc cho các hộ nông dân vay, mặc dù nợ quá hạn của nông dân thường chỉ ở dưới mức 5%, thấp hơn nhiều so với con số của các doanh nghiệp, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp...
 

"Phải làm sao thị trường phát triển cạnh tranh, để cho những doanh nghiệp cũng như những hộ sản xuất ở nông thôn tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ. Chứ hiện nay, giá rẻ theo tư duy bao cấp là không ổn. Thực tế trên thế giới cũng chỉ rằng, những nước nào áp dụng một thị trường lãi suất cạnh tranh thì phát triển tín dụng cho nông nghiệp -  nông thôn rất tốt (Anh, Đức....), còn ngược lại theo kiểu bao cấp (như Ireland) thì thị trường ngày càng lụi tàn đi vì tạo lập một thói quen xấu là chỉ trông chờ vào ngân sách," ông Tài đưa ra khuyến cáo.
 

Đấu thầu và bán buôn
 

Để đồng vốn tín dụng tới được đông đảo nông dân và mọi lĩnh vực của nông nghiệp-nông thôn, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc các ngân hàng cần phải chú trọng vào "bán buôn", chứ không chỉ dừng ở "bán lẻ" trực tiếp tới người dân, hộ sản xuất như hiện nay.
 

Agribank hiện có trên 10 triệu khách hàng là hộ sản xuất, 23.500 khách hàng là doanh nghiệp nhưng đến nay toàn bộ dư nợ tín dụng hầu như là dư nợ "bán lẻ". Trong khi đó, các số liệu ở những nước trong khu vực châu Á cho thấy, Nhật Bản có tới 60-70% dư nợ của Hiệp hội nông-lâm-ngư nghiệp là cho vay trực tiếp đến hợp tác xã để cung ứng vốn cho các xã viên. Malaysia cũng áp dụng phần vốn tín dụng phát triển nông thôn của chính phủ chỉ định cho Ngân hàng BPM cho vay chủ yếu được ngân hàng này cho vay theo hình thức bán buôn đối với các ngân hàng nông thôn và các hợp tác xã tín dụng để các tổ chức này cho vay trực tiếp tới hộ nông dân. Tương tự, ở Hàn Quốc hơn 1/3 dư nợ cho vay hộ nông dân cũng được Hiệp hội Nông nghiệp cho vay bán buôn qua HTX nông nghiệp và các tổ chức cung ứng dịch vụ nông nghiệp....
 

"Theo tôi, bên cạnh việc phát triển các tổ chức tài chính vi mô, các ngân hàng thương mại nhà nước phải thực hiện "bán buôn" vốn cho nông dân. Agribank nếu vẫn thiết lập một mạng lưới như hiện nay thì chi phí cao, trong khi thiết lập cho vay vốn thông qua "bán buôn," ủy thác qua các tổ chức tài chính vi mô trong đó tạo cơ chế ràng buộc lẫn nhau, hoặc thậm chí có thể tổ chức đấu thầu, nếu tổ chức nào thắng thầu thì ngân hàng sẽ ủy thác vốn cho vay qua đó... Chứ hiện tại cứ đi tìm một cách vu vơ, không theo một tiêu chí nào cả thì hiệu quả sẽ chẳng đi đến đâu", một chuyên gia đưa ra sáng kiến.
 

Thực tế cũng cho thấy do quan điểm của người cho vay là "đồng tiền phải đi liền khúc ruột", nên nhiều tổ chức tín dụng đã đưa ra những quy định để rằng buộc người đi vay trong việc sử dụng vốn và hoàn trả vốn và buộc người vay phải chấp hành. Đây âu cũng là điều dẽ hiểu. Thế nhưng, không thể phủ nhận là dường như tâm lý "phòng ngự" do ảnh hưởng của lối tư duy bao cấp cũ vẫn còn ẩn hiện trong hệ thống ngân hàng nên dường như các nhà băng vẫn rất cẩn thận, thậm chí cẩn trọng tới mức quá mức cần thiết và đưa ra nhiều thủ tục rườm rà.
 

Trong khi chờ đợi các ngân hàng cởi bỏ "tấm áo cũ", các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm hình thành một thị trường bảo hiểm các sản phẩm nông nghiệp để hạn chế những rủi ro khá lớn về thị trường, giá cả, thiên tai cho người nông dân.

"Chúng ta có hơn 10 triệu hộ nghèo ở nông thôn. Nếu với cơ chế, chính sách hiện nay, thì những mục tiêu của chương trình tam nông mặc dù sẽ vẫn phải thực thi, nhưng hiệu quả đến đâu mới là vấn đề cần phải nói. Sẽ có những mục tiêu ta đi được đến đích rất nhanh, nhưng cũng có những mục tiêu ta sẽ phải đi lòng vòng hay phải thay đổi mục tiêu, thậm chí phải trả giá cho nó. Vậy làm sao phải tìm ra con đường đến đích ngắn nhất để thực hiện được mục tiêu cuối cùng là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh," ông Tài trăn trở./.

Theo Khánh Chi (Vietnam+)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất