Thứ Năm, 3/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 17/3/2009 13:52'(GMT+7)

Tin nhắn SMS lừa đảo đang trở nên nhức nhối : Trách nhiệm thuộc về ai?

Các doanh nghiệp cung cấp nội dung (DNCCND) cho rằng những mạng di động như MobiFone và Viettel đã chèn ép họ, “ăn chặn” doanh thu của họ và khiến cho họ điêu đứng khi phân chia lại tỷ lệ “khuyến mãi” trong thời gian vừa qua, khiến nhiều DNCCND “bị âm” doanh thu, có nguy cơ phá sản! Có vẻ như mâu thuẫn giữa các DNVT và các DNCCND đã sắp đến cao trào và trách nhiệm giải quyết mâu thuẫn này thuộc về ai? Trong khi đi liền đó là tin rác, tin nhắn kiểu lừa đảo đang ngày càng trở nên nhức nhối cho người sử dụng điện thoại đi động.
Trong ngày hôm qua, 16-3, trả lời những vấn đề liên quan đến vụ việc này, mạng MobiFone đã gửi cho chúng tôi một số thông tin liên quan và thực sự khiến cho mọi người bị “choáng”: một thuê bao di động của mạng này đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo và bị “dội bom” tới 2.800 tin nhắn (SMS)!

Theo đó, thuê bao này đã bị những thuê bao di động khác “chơi bẩn” bằng cách gửi SMS đến hàng loạt thuê bao khác khác với nội dung: “Bạn đã nhận được món quà đặc biệt từ thuê bao 090... Để nhận được quà, bạn vui lòng soạn SMS gửi đến 8792”.

Kết quả là sau khi gửi SMS đi, những thuê bao bị lừa đã bị trừ mất 30.000 đồng/SMS. Cay cú và bực tức, những thuê bao này đã quay lại “dội bom” SMS, chửi rủa thuê bao 090... nói trên và cả cảm ơn vì đã được anh tặng quà. Liên tiếp trong mấy ngày, chủ thuê bao này đã không thể thực hiện được giao dịch cần thiết. Thậm chí, tổng đài của MobiFone phải thực hiện xóa toàn bộ SMS trên hệ thống theo yêu cầu của chủ thuê bao này.

Một vụ việc cụ thể liên quan đến Công ty Đông Hà, chủ sở hữu của đầu số 8733. Theo phản ánh của MobiFone, 1 thuê bao của họ đã bị “dội bom” tới 1.000 cuộc gọi và SMS/ngày liên quan đến đầu số 8733. Khi khách hàng và MobiFone khiếu nại, thì Công ty Đông Hà cho rằng họ không chịu trách nhiệm vì không gửi SMS đến khách hàng. Doanh nghiệp này cũng cho rằng mình là nạn nhân vì bị “chơi xấu” làm mất uy tín. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại cho biết họ đã tìm ra chủ nhân thuê bao gửi SMS lừa đảo, nhưng không liên hệ được!? Vì vậy Đông Hà không xin lỗi khách hàng và không tiến hành bồi thường!

Cũng trong ngày hôm qua, đại diện các mạng di động và nhiều khách hàng cho biết đây thực chất chính là “đòn bẩn” của không ít đầu số thuộc các DNCCND. Cách thực hiện là dùng thuê bao trả trước không quản lý, sau đó gửi hàng loạt SMS kiểu lừa đảo. Nếu chỉ tính với 1 cá nhân trên, việc có tới 2.800 SMS “bị lừa đảo” với 30.000 đồng/SMS thì số tiền trục lợi là rất lớn. Các chuyên gia viễn thông và kinh tế cho rằng: Thực chất, các DNCCND đã làm ăn chụp giật theo cách thức “tay không bắt giặc”.

Nhiều trường hợp, họ chỉ cần lập ra công ty, tải trên mạng những hình ảnh bikini bắt mắt và nhạc nền không có bản quyền. Sau đó họ tiến hành quảng cáo, dụ dỗ và lừa đảo. Với cách này, họ đã trục lợi cả phía những thuê bao bị lừa và cả từ khoản tiền khuyến mãi của DNVT. Trên thực tế, đây chính là chiêu trong làm ăn với biến “tiền ảo” là tiền khuyến mãi, hoặc không khuyến mãi trong tài khoản di động của người tiêu dùng, thành tiền thật mà hàng tháng mà họ “ăn chia” với DNVT.

Ai sẽ giải quyết và giải quyết thế nào?

Trao đổi với báo chí hôm qua, đại diện Bộ TT-TT cho biết dù chưa nhận được thông tin hay văn bản chính thức về vụ việc này, song chắc chắn trong thời gian tới sẽ chấn chỉnh và sớm “dẹp loạn” kiểu SMS lừa đảo này. Trong khi đó, theo các mạng di động như Viettel và MobiFone, họ rất cần đối tác làm ăn để tăng doanh thu.

Song với kiểu làm ăn trục lợi, gây tai hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng không tốt đến uy tín DNVT thì các nhà mạng cũng sẽ sẵn sàng không hợp tác với những DNCCND này. Mạng MobiFone khẳng định: không cho phép các DNCCND gửi SMS quảng cáo từ đầu số dịch vụ đến khách hàng.

Đối với tin nhắn rác nếu xác định được gửi từ các DNCCND qua các đầu số dịch vụ 8xxx/6xxx/4xxx, MobiFone sẽ cương quyết xử lý theo hợp đồng đã ký (ngừng kết nối) và trên thực tế đã có một số công ty cung cấp dịch vụ nội dung đã tạm thời bị ngừng cung cấp dịch vụ nhắn tin trên mạng MobiFone do vi phạm gửi tin nhắn rác trong thời gian qua.

Trên thực tế, việc các DNVT và DNCCND có hợp tác với nhau hay không chỉ là bề nổi của vấn đề. Xét cho cùng, câu chuyện về những mánh khóe làm ăn, mâu thuẫn này chỉ bị vỡ lở khi DNVT và DNCCND ăn chia không sòng phẳng. Bên cạnh đó, dù mối quan hệ và mâu thuẫn đó như thế nào thì phần thiệt hại to lớn và cuối cùng vẫn thuộc về người tiêu dùng. Trong đó DNCCND là đối tượng trục lợi, DNVT tiếp tay và hưởng lợi một phần!

Vì thế để có thể giải quyết tận gốc vấn đề này, các chuyên gia và đa số khách hàng cho rằng Bộ TT-TT cần chấn chỉnh ngay hoạt động quản lý thuê bao trả trước. Đặc biệt là cần sớm chấm dứt tình trạng khuyến mãi phá giá như một số mạng di động đang làm. Bởi đây chính là nguyên nhân để các DNCCND có phương tiện để thực hiện hành vi trục lợi. Nói cách khác, vai trò “cầm cân nảy mực” của Bộ TT-TT trong vấn đề này là rõ ràng và nếu Bộ TT-TT không “sớm dẹp loạn” thì mọi chuyện sẽ không được giải quyết đến cùng!

Liên quan tới việc quản lý thuê bao trả trước, mới đây, Thanh tra Bộ TT-TT đề nghị các mạng di động tiến hành rà soát cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao trả trước, kiên quyết dừng cấp dịch vụ với các thuê bao đăng ký thông tin không chính xác trước 15-4-2009. Bên cạnh đó, các mạng di động cần phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát các chủ điểm giao dịch theo quy định tối thiểu 1 lần/tháng và thường xuyên tổ chức hướng dẫn các chủ điểm giao dịch thực hiện quy định về quy trình đăng ký thông tin. Các mạng di động cần phải kiên quyết cắt hợp đồng với điểm giao dịch ủy quyền nếu vi phạm. Nếu làm tốt và triệt để được vấn đề này, việc sử dụng thuê bao trả trước không “rõ ràng” về nguồn gốc để thực hiện nhắn tin lừa đảo sẽ giảm bớt đáng kể và từng bước quản lý được những thuê bao trả trước hoạt động trên mạng.


(SGGP điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất