Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 3/1/2015 19:35'(GMT+7)

Tình hình quốc tế năm 2014 và dự báo năm 2015

Cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq chưa thấy hồi kết. Ảnh: THX/ TTXVN

Cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq chưa thấy hồi kết. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong năm 2014, trên thế giới không chỉ xảy ra nhiều sự kiện mà còn trải rộng trên nhiều vùng miền của năm châu, bốn biển, trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế - xã hội đến chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại, văn hóa và đời sống con người; Từ khoa học công nghệ đến biến đổi khí hậu - thời tiết, các thảm họa và dịch bệnh đe dọa loài người. Năm này còn xuất hiện một nguy cơ mới mà loài người chưa từng gặp bao giờ, đó là sự ra đời của tổ chức khủng bố cực đoan - tàn bạo tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS). Xin điểm một số nét:

 
1. Về kinh tế, xã hội
 
Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn cầu trong những năm 2008 - 2009 đến năm 2014 chưa thuyên giảm, có nơi giảm, có nơi tăng, có nơi rơi vào suy thoái, giảm phát. Những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trước đây như Trung Quốc có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trung bình là 10%/năm thì trong năm 2014 chỉ đạt trên 7%/năm. Nền kinh tế Mỹ năm nay cũng phát triển không cao bằng các năm trước đây, thậm chí có lúc nước Mỹ không có cả tiền cho Chính phủ tiêu dùng, khiến nhiều cơ quan của Chính phủ phải đóng cửa trong nhiều ngày. Mãi tới quý III, IV trong năm kinh tế mới tăng lên chút ít. Nhật Bản là nước có nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu (sau Mỹ và Trung Quốc) nhưng trong năm 2014 kinh tế nước này quý sau lại thấp hơn quý trước hoặc phát triển âm, dẫn tới nguy cơ suy thoái. 
 

Cả vùng miền Đông Ukraine cho tới lúc này vẫn hỗn độn.Ảnh: AFP/TTXVN

 
Điều đó đã khiến Thủ tướng Shinzo Abe phải hoãn việc tăng thuế tiêu dùng, phải giải tán Quốc hội để bầu cử sớm hơn dự định hai năm. Châu Âu, chủ yếu là khối EU gồm hơn 20 nước, xưa nay vẫn là một trung tâm kinh tế mạnh của toàn cầu. Nhưng năm 2014, kinh tế khối này phát triển dưới dạng, chỗ cao như Đức và Anh, chỗ thấp như Pháp và Ý, chỗ suy sụp như Tây Ban Nha, Bỉ; trung bình toàn vùng dùng đồng Euro chỉ tăng khoảng 0,8%, còn nhiều nơi chưa ra khỏi vòng nợ nần chồng chất. Kinh tế không phát triển, kéo đời sống xã hội tụt xuống, khiến nhiều nơi phải bóp chặt chi tiêu, tăng các khoản thuế, nạn thất nghiệp có nơi lên tới 10%, gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối lôi kéo hàng ngàn người tham gia, gây mất ổn định chính trị.
 
2. Về chính trị
 
Cuộc khủng khoảng ở Ukraine do Mỹ và phương Tây kích hoạt từ tháng 11/2013 với các cuộc biểu tình bạo loạn ở Maidan, Kiev, khiến cho nguyên Tổng thống Viktor Yanukovych phải bỏ chạy, chính quyền Kiev sụp đổ, đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn về nhiều mặt. Cả vùng miền Đông Ukraine cho tới lúc này vẫn hỗn độn. Những cuộc xung đột giữa các phe phái ở đó đã làm hàng nghìn người chết và bị thương, nhiều nhà cửa của dân và công trình xã hội bị phá hoại, nguy cơ nội chiến vẫn đang rình rập. Tại Ukraine đã và đang diễn ra cuộc đối đầu quyết liệt từng ngày, từng giờ giữa một bên là Liên bang Nga muốn giữ cho Ukraine độc lập, không ngả theo phương Tây hay để cho NATO nhảy vào đe dọa trực tiếp nước Nga. Moskva đã đòi lại vùng Crimea để sáp nhập vào Liên bang Nga, đã tăng giá dầu và hơi đốt bán cho Ukraine, làm ảnh hưởng đến cả nguồn khí đốt cung cấp cho nhiều nước thuộc EU. Phía chống lại Nga là phương Tây và EU do Mỹ đứng đầu đã đề ra nhiều biện pháp trừng phạt Nga cả về kinh tế - tài chính, đối ngoại, cung cấp hàng hóa - dịch vụ, thậm chí còn đe dọa dùng cả vũ lực khi cần. 
 
Cuộc khủng khoảng này đến nay không hề dừng, cho dù Ukraine đã tổ chức bầu cử Tổng thống, Quốc hội mới và lập Chính phủ mới. Gần đây hơn, Mỹ còn cấu kết với Saudi Araibia và một số nước trong tổ chức OPEC để tìm mọi cách kéo giá dầu lửa - một nguồn thu vô cùng quan trọng đối với nước Nga - ngày một xuống thấp để làm cho Nga suy sụp, như họ đã từng làm vào những năm 80 của thế kỷ trước để đánh sập Liên Xô. Nhưng nước Nga vẫn đứng vững dưới sự lãnh đạo kiên quyết và khôn khéo của Tổng thống Vladimir Putin. Trong khi đó, chính Mỹ lại tự "lấy đá đập vào chân mình". Cuộc bầu cử Thượng viện, Hạ viện và thống đốc một số bang giữa nhiệm kỳ lần thứ hai của Tổng thống Barack Obama đã đưa lại thất bại thảm hại cho Tổng thống đương nhiệm và Đảng Dân chủ đang cầm quyền ở Mỹ. 
 
Qua các cuộc bầu cử nói trên, cả hai Viện của Quốc hội Mỹ đã tuột khỏi tay Đảng Dân chủ, nhiều ghế Thống đốc bang trước đây do Đảng cầm quyền giữ thì nay đã về tay Đảng Cộng hòa đối lập. Uy tín của Barack Obama ở trong nước bị rơi xuống mức rất thấp, còn thấp hơn cả George Bush sau cuộc bầu cử tương tự, chỉ cao hơn Richard Nixon sau vụ bê bối Watergate vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong khi đó, ở bên kia Đại Tây Dương, uy tín của đương kim Tổng thống Pháp F.Hollande cũng bị giảm sút thảm hại sau nhiều thất bại về đường lối đối nội và chính sách đối với một số nước châu Phi. Còn nước Anh, một đồng minh chí cốt của Mỹ do Thủ tướng David Cameron đứng đầu cũng vừa "chết hụt" sau khi người dân ở Irland tổ chức không thành cuộc trưng cầu dân ý để tách ra khỏi Vương quốc Anh trở thành một quốc gia độc lập riêng. Khối EU vốn đã không thống nhất, nay do nhiều nguyên nhân càng chia rẽ hơn, dù cho Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cố gắng rất nhiều để chèo chống và Đức phải thi hành một chính sách ôn hòa hơn với Nga.
 
Trong năm 2014, phong trào cánh tả và trung tả ở châu Mỹ và vùng Caribe tiếp tục phát triển. Venezuela tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn khắc phục được nhiều âm mưu phá hoại của Mỹ và phương Tây. Nhiều nước do các đảng cánh tả và trung tả cầm quyền tiếp tục giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống như ở Chile, Bolivia, Peru, Brazil và Uruguay ... Cuba vẫn đứng vững, kinh tế tăng hơn nhờ chính sách cập nhật hoá kinh tế và mở rộng quan hệ với nhiều nước EU, với các chính khách Mỹ và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Nga.
 
Ngày 17/12, Mỹ và Cuba chính thức tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ sau 53 năm gián đoạn. Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định “một chương mới” đã mở ra trong quan hệ hai nước, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt “cách tiếp cận lỗi thời” với Cuba.

3.Về an ninh - quốc phòng

Tình hình bất ổn, xung đột vũ trang và bạo loạn lật đổ không hề giảm bớt ở Trung Đông, châu Phi và một số nơi khác. Ai Cập tình hình có khá hơn sau cuộc bầu cử Tổng thống đưa một vị Tướng thân Mỹ lên cầm quyền nhưng đến cuối tháng 11/2014 nhiều cuộc biểu tình vẫn nổ ra để phản đối việc xử trắng án cho cựu Tổng thống Mubarak. Syria nay lại chịu thêm sự can thiệp của tổ chức IS, khiến cho cuộc chiến tranh ở đây không có hồi kết. Tại Iraq, chính lực lượng Al Qaeda do CIA nuôi dưỡng trước đây nay chuyển thành lực lượng IS đang tiến hành nhiều cuộc tấn công thảm sát ở nhiều nơi. Tuy Mỹ đã đứng ra kéo nhiều nước tham gia vào cuộc không kích chống IS nhưng lực lượng này vẫn tồn tại và phát triển vì chúng có nguồn tài chính dồi dào do nắm được nhiều cơ sở sản xuất dầu lửa ở nhiều nơi và được người của nhiều nước theo đạo Hồi hoặc không theo đạo Hồi gia nhập. Tình hình đã đến mức, buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama và cả Thủ tướng Anh David Cameron phải quyết định đưa hàng ngàn binh lính quay trở lại Iraq để đánh nhau nhưng nói tránh đi là đưa số quân Mỹ này sang chỉ để huấn luyện cho quân đội Iraq.
 

 
Tại Iran, cuộc bầu cử Tổng thống trong năm nay đã đưa một vị Tổng thống ôn hòa hơn lên cầm quyền. Điều đó đã giúp đưa đến cuộc thương lượng giữa Iran và P5+1 (gồm 5 nước Uỷ viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) về việc Iran phát triển hạt nhân. Tuy nhiên, đến ngày 24/11 ấn định chấm dứt các cuộc thương lượng để hai bên có thể ký một văn bản thỏa thuận nào đó nhưng đã không đạt được. Hai phía đã phải lùi các cuộc thương lượng này đến tận ngày 1/7/2015. Gần với Trung Đông, Afganistan và Trung Á, vùng đất Tân Cương thuộc Trung Quốc đang bị những người Duy Ngô Nhĩ bất mãn với sự chèn ép của người Hán nên đã có nhiều hành động chống lại chính quyền Bắc Kinh. Từ việc tiến hành khủng bố ở ngay Quảng trường Thiên An Môn, đến việc dùng đao kiếm đâm chém người Trung Quốc tại một số nhà ga xe lửa và ngay chính tại Thủ phủ của Tân Cương khi Chủ tịch Tập Cận Bình tới đó. Được những người Duy Ngô Nhĩ ủng hộ, lực lượng IS đe dọa sẽ tấn công cả Tân Cương, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á có đông người theo đạo Hồi sinh sống.
 
Tại châu Á - Thái Bình Dương, sau khi chính quyền Barack Obama xoay trục sang khu vực này nhằm trước hết là ngăn chặn sự trỗi dậy và tham vọng của Trung Quốc, nhiều nước lớn khác như Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và một số nước EU cũng tìm cách tăng cường sự hiện diện của họ ở vùng này. Tình hình đó đã dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang chưa từng thấy ở khu vực này, trước hết là chạy đua của các nước trong việc xây dựng lực lượng hải quân mà chủ yếu là xây dựng các đội tàu ngầm và tàu nổi mạnh; những phi đội máy bay chiến lược có khả năng hoạt động ở tầm xa và có thể tiếp dầu cho máy bay chiến đấu ở trên không; các lực lượng tên lửa tầm xa và tầm trung; các lực lượng hải giám và thủy quân lục chiến mạnh ... 
 
Trong số các nước lớn đổ xô vào khu vực này, Trung Quốc nổi lên là một nước có nhiều tham vọng và hung hăng nhất. Trung Quốc đã thúc đẩy ngày càng mạnh việc đòi chủ quyền và quyền tài phán tới 90% diện tích của Biển Đông theo thiết kế đường 9 đoạn của Bắc Kinh nhằm kiểm soát đường hàng hải quốc tế từ Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương, và khai thác các tài nguyên và khoáng sản ở đây. Trung Quốc còn có ý đồ xây dựng qua khu vực này cái gọi là "con đường tơ lụa trên biển" để kết nối với "con đường tơ lụa trên đất liền" chạy từ Tân Cương qua vùng Trung Á đến tận châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản. Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 xuống vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa để hoạt động thăm dò từ tháng 5 đến tháng 7/2014, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và dư luận quốc tế. Sau khi rút giàn khoan này, Trung Quốc lại đang cho tàu bè chở nguyên vật liệu xuống lấp dần các đảo nhỏ và bãi đá ngầm ở Biển Đông để nhận đó là lãnh thổ của mình theo chiến thuật "vết dầu loang" hay "tằm ăn lá dâu". Trước sự phản đối của dư luận quốc tế và đòi hỏi của các nước ASEAN về việc ký Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, Bắc Kinh đang tìm cách thoái thác và trì hoãn việc làm này bằng nhiều cách.
 
4. Về khoa học - công nghệ
 
Ngoài những thành tựu như đã biết, trong năm 2014 người ta đã khẳng định được công nghệ biến đá phiến thành nguồn dầu khí có thể giúp cho nước Mỹ dựa vào nguồn đá phiến phong phú ở trong nước để tự chủ về dầu khí mà lâu nay Mỹ vẫn phải nhập từ Trung Đông và các nơi khác. Năm nay, loài người còn được chứng kiến một kỳ tích đặc biệt nữa là: ngày 13/11 cơ quan không gian châu Âu gồm 20 nước tham gia (ESA) đã tách thành công Robot Philae nặng 100 kg, mang theo 11 thiết bị khoa học ra khỏi tàu mẹ Rosetta hạ xuống bề mặt của sao Chổi 67P/Churyumov Gerasinenko đang di chuyển cách trái đất 510 triệu km. Robot Philae có pin chạy trong 60 giờ nhưng có thể hoạt động đến tháng 3/2015 nếu nó sạc thành công được pin từ ánh sáng mặt trời. Robot này hạ cánh xuống bề mặt sao chổi nói trên với vận tốc 3,5 km/giờ. Nó có nhiệm vụ nghiên cứu đất sao chổi để xác định lượng nước và các loại axit, kể cả các loại amin trong đó. Nếu sao Chổi mang theo những chất liệu của sự sống, thì rất có thể sự sống cũng tồn tại ở các hành tinh khác chứ không chỉ riêng Trái Đất. Việc phóng thành công Robot Philae được đánh giá là một thành tựu khoa học không gian vĩ đại, táo bạo và thần kỳ.
 
5. Các thảm họa

Năm 2014 loài người đã gặp phải sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện đang tìm cách mở rộng hoạt động sang các nước xung quanh Iraq và Syria, đe dọa cả các nước châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc, các nước Trung Á và một số nước ở Đông Nam Á. Ngoài IS, loài người đang phải đối mặt với đại dịch Ebola bắt nguồn từ Tây Phi, đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Tới nay, con người vẫn chưa tìm ra được thứ thuốc đặc hiệu nào có thể chặn đứng ngay căn bệnh quái ác này. Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Liên Hợp quốc đã kêu gọi các nước phải hợp lực ngăn chặn để không cho bệnh này lây lan trở thành đại dịch đối với thế giới. Năm 2014 còn là năm xảy ra nhiều thiên tai với những trận bão lên tới trên 200 km/ giờ, nhưng trận lụt lớn ở Mỹ, Nam Á, châu Âu; những trận bão tuyết cực mạnh trải rộng tới 1/2 diện tích nước Mỹ. 
 
Năm này còn xảy ra nhiều thảm họa về hàng không và hàng hải như máy bay Malaysia MH-17 rơi tại Ukraine khiến hàng trăm người thiệt mạng; vụ đắm phà du lịch biển Sewol của Hàn Quốc làm cho 304 người chết và mất tích, trong đó có tới 250 học sinh. Cuối tháng 11/2014 lại xảy ra vụ đắm tàu cá của Hàn Quốc ở vịnh Bering thuộc vùng Viễn Đông (Nga), làm một người chết và 52 người mất tích trên tổng số 62 người đi trên tàu. Ngày 16/12/2014, nhóm khủng bố Taliban gây ra cuộc thảm sát man rợ ở một trường học tại thành phố Peshawas (Pakistan) khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương, trong đó có 132 học sinh.
 
*           *
*
Sang năm 2015, các nhà phân tích về tình hình quốc tế đều có chung nhận định rằng năm mới chưa có biến động gì đặc biệt lớn mà cơ bản vẫn là những vấn đề của năm 2014 tiếp tục chuyển dịch sang. Điều nổi bật là nền kinh tế - tài chính - thương mại thế giới tiếp tục ảm đạm, chưa có chuyển động gì đáng kể khi nhìn lướt qua các trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại hay nền kinh tế lớn. OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng từ 2,2% của năm nay lên 3,1% vào năm 2015 cho dù GDP quý III của Mỹ tăng 3,9%, cao hơn mức 3,5% so với dự báo và mức tăng GDP của nước này trong hai quý II và III là 4,25%. Kinh tế Trung Quốc sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 7% năm, vì đầu tư nước ngoài vào nước này giảm, tình trạng nợ công tăng do các tỉnh đua nhau đi vay vốn nước ngoài để đầu tư vượt khỏi sự kiểm soát của chính quyền Trung ương. 
 
Kinh tế Nhật Bản tiếp tục trên đà giảm phát từ cuối năm 2014 nên ít có cơ may phục hồi, trừ khi chính quyền của ông Shinzo Abe có khả năng xoay chuyển gì lớn với chính sách Abenomics, sau thắng cử vang dội trong cuộc bầu cử ngày 14/12/2014. Khối các nước sử dụng đồng tiền chung Euro ở châu Âu chưa thể bứt phá khỏi tình trạng của năm 2014 để vươn xa hơn nữa. Kinh tế Nga vẫn gặp khó khăn, thậm chí còn suy thoái, vì nước này tiếp tục bị Mỹ - EU và NATO bao vây, cô lập và trừng phạt vì vấn đề Ukraine; bị Mỹ liên kết với Saudi Arabi tiếp tục kéo giá dầu lửa xuống ngày một thấp để đánh vào bao tử Nga và đồng Rúp của Nga bị mất giá liên tiếp có thể tới mức trên 30%. Năm 2015, kinh tế toàn cầu chưa có gì bảo đảm để tăng trưởng cao hơn nhiều lắm so với mức tăng trưởng bình quân 3,4% của năm 2014.
 
Tình hình chính trị thế giới tiếp tục bị chi phối bởi các mối quan hệ địa - chính trị lớn, trong đó nổi lên là quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và kiềm chế ảnh hưởng của nhau giữa Mỹ và Trung Quốc; quan hệ cẳng thẳng và thù địch giữa Nga và Mỹ cùng với các đồng minh của Mỹ; quan hệ vừa gắn bó, vừa lợi dụng nhau giữa Trung Quốc và Nga; quan hệ giữa các khối nước mới nổi lên như các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), khối BRICS gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đối chọi lại với khối EU và liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc... Cuộc đối thoại giữa P5+1 với Iran về vấn đề phát triển hạt nhân của Iran phải lùi tới giữa năm 2015 nhưng cũng chưa ai dám chắc nó sẽ đem lại kết quả như các bên mong đợi.
 
Tình hình an ninh - quốc phòng còn diễn biến phức tạp vì Mỹ và các nước đồng minh (gồm cả NATO) chưa từ bỏ việc chống Nga và ý đồ can thiệp về quân sự vào Ukraine, can thiệp sâu vào vùng Baltic và các nước ở gần Nga. Mỹ và liên quân NATO cũng chưa thể rút chân khỏi Iraq, Afganistan, thậm chí còn phải đưa quân trở lại nước Nam Á này như Mỹ đang làm ở Iraq. Cuộc chiến do Mỹ đứng đầu có hơn 40 nước tham gia để chống IS ở Syria và Iraq chưa thấy hồi kết trong khi IS lại đe dọa mở rộng hoạt động sang các nước khác. Ở châu Á - Thái Bình Dương, việc xoay trục của các nước lớn sang đây tiếp tục buộc họ phải theo dõi và kiềm chế nhau. Trung Quốc tiếp tục ý đồ bành trướng ở Biển Đông với các thủ đoạn mới như kiểu "lấp Biển Đông" để xây dựng các bãi đá ngầm hoặc các đảo thành những sân bay hay những "hàng không mẫu hạm không thể bị đánh chìm"; kết hợp đe dọa bằng sức mạnh quân sự với tiềm lực tài chính dồi dào và "sức mạnh mềm" để lấn chiếm từng bước Biển Đông.
 
Dịch Ebola còn chưa thuyên giảm thì nay Tổ chức y tế thế giới (WHO) lại cảnh báo về nguy cơ có thể bùng phát bệnh dịch hạch ra toàn thế giới. Tình trạng ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu vẫn nuôi dưỡng khả năng xảy ra các trận lụt lội, bão tố, động đất và sóng thần đe dọa loài người ở nhiều nơi như Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP20) vừa kết thúc ở Lima (Peru) đã cảnh báo.
Theo Báo Tin tức
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất