1. Trong những năm qua, khắc phục khó khăn của một tỉnh miền núi biên giới, còn đói nghèo, cùng với nhiều âm mưu “Diễn biến hoà bình”, gây phức tạp về an ninh, trật tự của các thế lực thù địch ở một số địa bàn dân cư trong tỉnh, Uỷ ban MTTQ các cấp đã có nhiều hoạt động tăng cường củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Thông qua việc đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân; chủ động mở rộng tổ chức bằng nhiều hình thức như kết nạp thêm các tổ chức thành viên (trong nhiệm kỳ đã kết nạp thêm 03 tổ chức thành viên từ 19 lên 22 tổ chức thành viên, tăng số lượng Uỷ viên Uỷ ban MTTQ tỉnh từ 85 lên 89 vị); kết nạp thêm đoàn viên, hội viên gắn với đổi mới phương thức hoạt động, làm lực lượng nòng cốt trong các sinh hoạt chính trị và xã hội của tầng lớp nhân dân, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Hoạt động của Uỷ ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên ngày càng hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do MTTQ và các tổ chức thành viên triển khai ngày càng đi vào cuộc sống được nhân dân các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Đặc biệt là việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chương trình di dân tái định cư các công trình thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát, Lai Châu được 7.928 hộ, tiêu biểu như bản Nậm Củm (xã Mường Tè), xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn)…; chương trình góp đất, trồng và chăm sóc cây cao su nâng diện tích trồng cây cao su toàn tỉnh lên 11.138 ha. Các phong trào đều có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thông qua các hội nghị gặp mặt các vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu trong các dân tộc; thông qua các hình thức câu lạc bộ đa chức năng như: Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS, câu lạc bộ dân số kế hoạch hoá gia đình, câu lạc bộ không sinh con thứ 3, các tổ giúp nhau xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất đã động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân tiêu biểu có uy tín trong các tầng lớp nhân dân. Các hình thức trên ngày càng làm cho chất lượng, hiệu quả và phạm vi hoạt động của MTTQ được mở rộng và nâng cao. Tiêu biểu như ở Bản Chạm Cả, Bản Huổi Luồng (thị trấn Tân Uyên), Tổ dân phố số 2, số 9 (phường Đoàn Kết)..v.v… đã thu hút hàng trăm nghìn lượt người trong các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, tạo ra sức mạnh của khối đại đoàn kết và bầu không khí dân chủ, cởi mở, phấn khởi trong nhân dân.
Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được Uỷ ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng, thực hiện nghiêm túc, bước đầu đã cụ thể hoá vào các nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở các địa bàn dân cư, góp phần quan trọng vào việc tạo ra sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư vào ngày 18-11 hàng năm đươc duy trì; các hoạt động văn hoá - văn nghệ - thể dục thể thao, các trò chơi dân gian của các dân tộc thu hút đông đảo nhân dân tham gia đã góp phần giữ gìn và phát huy tình đoàn kết và giá trị văn hoá của các dân tộc....thực sự là ngày hội, là đợt sinh hoạt chính trị xã hội sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tạo nên sự đoàn kết đồng thuận, gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Các phong trào, các cuộc vận động của các tổ chức thành viên được quy tụ trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Nghị quyết 30a về xóa đói, giảm nghèo nhanh bền vững, được bổ sung, đổi mới về nội dung, phương thức triển khai phù hợp với loại hình khu dân cư đã và đang khẳng định đây là cuộc vận động sâu sắc, toàn diện.
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" đã phát triển toàn diện, 100% khu dân cư triển khai, đặc biệt là việc mở rộng và nâng cao chất lượng cuộc vận động theo 5 nội dung gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các chương trình mục tiêu của tỉnh và Chính phủ. Hàng năm, MTTQ các cấp đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đăng ký phấn đấu danh hiệu "Gia đình văn hoá"; "Khu dân cư văn hoá". Đến nay, toàn tỉnh có 74 % hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá; 57% thôn, bản đạt danh hiệu "Thôn, bản văn hoá”.
MTTQ tỉnh đã triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" gắn với các chương trình có mục tiêu của tỉnh, của Chính phủ tại 20 xã, phường, thị trấn, đồng thời giao mỗi huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chọn từ một khu dân cư trở lên chỉ đạo điểm toàn diện về công tác Mặt trận, sau đó nhân rộng trong toàn tỉnh. Qua sơ kết hàng năm các điểm chỉ đạo đều chuyển biến rõ nét về KT-XH, an ninh chính trị, đời sống nhân dân được nâng lên.
Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" được triển khai ngày càng sâu rộng, mang tính nhân văn sâu sắc, đã khơi dậy đạo lý và truyền thống của dân tộc với tinh thần "Tương thân, tương ái", "Lá lành đùm lá rách” góp phần quan trọng vào kết quả của công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), xây dựng nông thôn mới (NTM). Cuộc vận động đã nhận được sự quan tâm phối hợp của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân các dân tộc đã được các cấp MTTQ triển khai có hiệu quả, đặc biệt là tháng cao điểm “Vì người nghèo” từ 17-10 đến 18-11 hàng năm. Tính từ năm 2009 đến hết năm 2013 quỹ "Vì người nghèo" của toàn tỉnh đã vận động được 17.294,1 triệu đồng (bao gồm quỹ vì người nghèo cấp tỉnh, huyện, xã, Trung ương và các tỉnh bạn hỗ trợ); đã xây dựng và sửa chữa 1.987 ngôi nhà cho người nghèo, hộ nghèo, góp phần thiết thực vào mục tiêu XĐGN của tỉnh. Kết quả của cuộc vận động không chỉ là ở sự đóng góp về vật chất, mà lớn hơn là bồi dưỡng và phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, yêu nước thương nòi và trách nhiệm xã hội của công dân, làm cho ý thức và hành động giúp đỡ người nghèo trở thành nếp sống văn hoá.
MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp tích cực kêu gọi, vận động ủng hộ nhân dân các địa phương bị thiên tai (bão lụt, lở đất.. v.v) với tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Thương người như thể thương than” do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Uỷ ban MTTQ tỉnh Lai Châu phát động đã được đông đảo cán bộ, chiến sỹ, CNVC-LĐ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng với kết quả cao. Trong nhiệm kỳ đã vận động ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai được 1.230 triệu đồng.
Tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa";“Uống nước nhớ nguồn”, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức thực hiện chính sách người có công, chính sách hậu phương quân đội bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo như: thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, liệt sỹ, xây tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tổ chức tốt việc động viên thanh niên lên đường nhập ngũ với số tiền ủng hộ 1.122,6 triệu đồng, trao tặng 77 nhà tình nghĩa ... đã góp phần cùng các cấp chính quyền chăm sóc ngày càng tốt hơn những người có công với nước có cuộc sống ổn định.
Tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Hàng năm, phối hợp với sở Công thương tổ chức Hội chợ thương mại hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chủ đề “Người tiêu dùng Lai Châu với hàng Việt”. Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh nâng cao nhận thức về ý nghĩa của cuộc vận động, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ASXH và phát triển bền vững của địa phương.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, tham gia hiến đất, góp nhiều công sức, tiền của để xây dựng NTM, đô thị văn minh. Tiêu biểu như: huyện Tam Đường đã vận động nhân dân đóng góp 48.863 ngày công, hiến 85.242 m2, trên 14,2 tỷ đồng; Ông Phan Văn Pàn (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên); nhân dân xã Bình Lư (huyện Tam Đường), Tổ dân phố số 23 (phường Đông Phong)… Đến hết năm 2013 có 5 xã đạt từ 11-19 tiêu chí nông thôn mới, 25 xã đạt từ 8-10 tiêu chí, 42 xã đạt từ 5-7 tiêu chí, không còn xã trắng về tiêu chí.
Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên vận động dân nhân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua việc đóng góp ý kiến, kiến nghị, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử theo quy định của pháp luật. Chú trọng việc tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những nội dung liên quan đến nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; các chính sách phát triển KT-XH của địa phương như: Tổ chức lấy ý kiến tham gia vào văn kiện Đại hội Đảng các cấp; tham gia ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai sửa đổi… phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân với các cấp uỷ đảng, chính quyền; triển khai tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến các tầng lớp nhân dân…Những việc làm thiết thực đó đã góp phần vào việc đổi mới công tác lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, MTTQ Việt Nam các cấp đã tham gia công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIII, bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, bầu cử bổ sung Đại biểu HĐND các huyện, các xã, phường, thị trấn mới được chia tách, thành lập đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật. Việc tham gia tổ chức bầu cử, cũng như tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đi bầu cử đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nên cử tri tham gia bầu cử đạt tỷ lệ cao (99,98%).
Quá tring triển khai công tác mặt trận, Ủy ban MTTQ các cấp đã xây dựng và thực hiện tốt nội dung quy chế phối hợp giữa MTTQ với các ngành, các cấp, đặc biệt là quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, giữa Thường trực HĐND-UBND với Uỷ ban MTTQ cùng cấp; phối hợp với các ngành công an, viện kiểm sát, toà án kiểm tra công tác tạm giam, tạm giữ, việc tuân theo pháp luật về công tác quản lý, giáo dục, cải tạo người chấp hành hình phạt tù tại các trại tạm giam; tham gia Hội đồng tuyển chọn và đề nghị bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; phối hợp với công an tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm; phòng chống ma tuý, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân từng bước được nâng lên; phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh vận động, ủng hộ xây dựng hàng trăm “Mái ấm biên cương nơi biên giới”, vận động nhân dân biên giới giữ gìn đoàn kết, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Công tác giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử được MTTQ các cấp quan tâm và có nhiều cách làm thiết thực, phối hợp giám sát các chương trình trọng điểm, các nghị quyết của tỉnh, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giám sát việc di dân tái định cư các công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh; giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước.
MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” tới từng khu dân cư, từng hộ gia đình, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm làm chủ của nhân dân, tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở; cán bộ, đảng viên ngày càng "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân". Dân chủ ở cơ sở còn được thực hiện thông qua hoạt động giám sát của nhân dân. Trong thời gian qua, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động tương đối tốt, đã giám sát được 1.798 công trình…góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giúp nhân dân hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ, khắc phục thói quen trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được đề cao.
Công tác đối ngoại nhân dân của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã được mở rộng; làm tốt công tác tuyên truyền về đường lối đối ngoại của Đảng và nhà nước. Các huyện, các xã có đường biên giới giáp với Trung Quốc đã có những hoạt động đoàn kết, hữu nghị bằng những hình thức đa dạng, phong phú: vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới, tham gia xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai bên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.
Thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển của nước ta.
Công tác tổ chức thường xuyên được củng cố. Uỷ ban MTTQ các cấp trong tỉnh được mở rộng về cơ cấu các ngành, các lĩnh vực, các thành phần, góp phần nâng cao tính liên hiệp rộng rãi, tính tự nguyện, tính quần chúng, tính đại diện cho các giai tầng xã hội. Đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh Lai Châu đã có 22 tổ chức thành viên; đã thành lập hai hội đồng tư vấn: Dân chủ pháp luật (14 thành viên) và Văn hóa xã hội (15 thành viên). Các hội đồng tư vấn, các câu lạc bộ, tổ tự quản… các cá nhân tiêu biểu trong Mặt trận các cấp đã phát huy tính tích cực, chủ động; hoạt động của MTTQ các cấp đã hướng mạnh về cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ở mỗi cấp.
Bộ máy MTTQ các cấp trong tỉnh đã được kiện toàn theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Các ban chuyên môn trong cơ quan chuyên trách của Uỷ ban MTTQ tỉnh được bố trí theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng tham mưu. Trên cơ sở làm rõ chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc, hàng năm đã bổ sung quy chế hoạt động phù hợp với thời kỳ mới. Công tác bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ MTTQ các cấp được thường xuyên và có nhiều tiến bộ, chất lượng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc (trong nhiệm kỳ đã mở được 61 lớp tập huấn với 3.027 người tham dự).
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém, như: Công tác tuyên truyền có nơi, có lúc còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở; phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên chưa có nhiều hình thức, biện pháp thích hợp để thu hút, tập hợp đông đảo các lực lượng xã hội tham gia vào các hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, một số cơ sở hoạt động chưa đồng đều, chưa phát huy hết vai trò của lực lượng tư vấn, cộng tác viên.
Vai trò chủ trì của Uỷ ban MTTQ các cấp trong tổ chức phối hợp, thống nhất hành động giữa MTTQ với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng có nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên; việc phát huy vai trò của các vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín ở một số nơi hiệu quả thấp. Uỷ ban MTTQ một số cơ sở, một số tổ chức thành viên hoạt động còn hình thức; chưa nắm bắt và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, các dân tộc đặc biệt khó khăn. Một số Uỷ viên Uỷ ban chưa nhiệt tình, tâm huyết, ít tham gia ý kiến, hoạt động còn hình thức, hiệu quả chưa cao.
Công tác giám sát của MTTQ đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức, đảng viên trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn nhiều hạn chế, nhất là việc vận động nhân dân giám sát thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, lãng phí, Luật Thực hành tiết kiệm; cải cách hành chính, giải quyết kiến nghị của cử tri…
Đội ngũ cán bộ MTTQ ở một số cơ sở còn thiếu kinh nghiệm thực tế, năng lực hạn chế. Người đứng đầu MTTQ các cấp chưa được bố trí theo quy hoạch, bố trí không phù hợp, thiếu ổn định nên rất bị động trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ.
Việc phối hợp thực hiện một số chỉ tiêu chưa đạt như Nghị quyết đề ra: Xây dựng và thực hiện quy ước thôn, bản, khu phố mới đạt 85%. Các ban công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động có hiệu quả từ khá trở lên mới đạt 80%.
2. Tiếp tục tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò của MTTQ trong tình hình mới, MTTQ các cấp tỉnh Lai Châu chú trọng một số nội dung hoạt động sau:
Một là, đa dạng hoá các hình thức tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng Lai Châu ổn định và phát triển trong tình hình mới.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt tư tưởng, quan điểm đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011); Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XII; tiếp tục tuyên truyền Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Nghị quyết Đại hội MTTQ tỉnh khóa lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 – 2019. Tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương Nghị quyết Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ VII “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; “Về công tác dân tộc”; “Về công tác tôn giáo” đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đẩy mạnh việc mở rộng, đa dạng hoá các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và tỉnh phát động. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; tuyên truyền tới đông đảo đoàn viên, hội viên trong các tổ chức thành viên; lồng ghép nội dung thực hiện với chương trình hành động bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng.
Phát huy vai trò của các vị già làng, trưởng bản, người uy tín, tiêu biểu trong các dân tộc thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, không ngừng tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tôn trọng và phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, loại trừ các hủ tục, mê tín dị đoan; chăm lo những người gặp khó khăn trong cuộc sống, gia đình chính sách; đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch tìm cách chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư” nhân Kỷ niệm ngày thành lập MTDTTN Việt Nam 18-11 hằng năm, không ngừng khơi dậy truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp nhân dân ở cộng đồng dân cư; giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân theo phong cách: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, đồng thời nâng cao nhận thức, phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hai là, Tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với 5 nội dung cụ thể, bao gồm các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị, góp phần xây dựng từng gia đình, từng khu dân cư có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
Đổi mới nội dung và phương thức triển khai cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” với mục tiêu tăng cường tính hiệu quả, thiết thực, phối hợp đồng bộ với những giải pháp giảm nghèo của Nhà nước, của tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, động viên các điển hình cá nhân, tập thể tích cực tham gia cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, tháng cao điểm “Vì người nghèo” và hoạt động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”; duy trì các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, nhân đạo từ thiện...
Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu của Chính phủ, của tỉnh như: Phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường…xây dựng nếp sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đồng thời tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, đấu tranh chống việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo tuyên truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền “Nhà nước Mông”; Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với mục tiêu không ngừng nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực về thể hiện lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc; trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam góp phần vượt qua những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ổn định và phát triển kinh tế.
Ba là, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạn.
Uỷ ban MTTQ các cấp vận động nhân dân tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Chủ động, tham gia Đại hội Đảng các cấp; tích cực tham gia và giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp năm 2016, đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật và bình đẳng; lựa chọn người có đủ đức, tài tham gia vào bộ máy chính quyền các cấp; phối hợp nâng cao chất lượng việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND - UBND với Uỷ ban MTTQ các cấp, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy ước làng, bản, khu phố.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc VN (sửa đổi). Từng bước nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội để tham gia xây dựng các chủ trương chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã phường, thị trấn.
Bốn là, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân
Tăng cường hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, theo phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” để góp phần cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước xây dựng, củng cố và phát triển môi trường hoà bình hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Tuyên truyền vận động nhân dân các dân tộc nói chung và nhân dân vùng giáp biên giới Việt Nam – Trung Quốc chấp hành và thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật quốc gia, chấp hành nghiêm quy chế bảo vệ biên giới và tôn trọng giữa các bên, tạo bầu không khí hữu nghị, thắm tình đoàn kết để cùng nhau phát triển.
Tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm công tác giữa MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu và Mặt trận Lào xây dựng đất nước các tỉnh Bắc Lào theo biên bản ghi nhớ đã ký kết.
Năm là, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ quốc nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới
Uỷ ban MTTQ các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp uỷ tổ chức tổng kết việc thực hiện Kết Luận số 62-/KL-TW, ngày 08/12/2009 của Bộ chính (khoá IX) về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, ban hành đề án, chương trình hành động mới của cấp uỷ lãnh đạo việc kiện toàn tổ chức và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ủy ban MTTQ các cấp.
* Về kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ: Xây dựng Uỷ ban MTTQ các cấp, Ban Thường trực, các ban tham mưu giúp việc, bộ máy chuyên trách của Uỷ Ban MTTQ các cấp theo hướng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, năng động, sáng tạo, hiệu quả; xây dựng các tổ chức tư vấn và đội ngũ cán bộ không chuyên trách, lực lượng cộng tác viên là những người tiêu biểu, có uy tín, có năng lực và tình nguyện đóng góp cho công tác MTTQ ở các cấp. Làm tốt công tác quy hoạch, tuyển chọn cán bộ, bố trí sắp xếp hợp lý cán bộ, gắn với công tác bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách MTTQ các cấp.
* Về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động: Hoạt động của Uỷ ban MTTQ các cấp phải thực sự đổi mới theo hướng: rõ mục tiêu, rõ nhiệm vụ, sát cơ sở; phát huy tốt vai trò của các tổ chức thành viên; bám sát các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng chương trình phối hợp thống nhất hành động cho sát thực. Hướng vào những nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc, tránh dàn trải, chung chung, xây dựng mô hình để nhân ra diện rộng.
Đổi mới phương thức quan hệ công tác giữa MTTQ với các tổ chức thành viên, thực hiện tốt hơn nữa quy chế phối hợp công tác giữa Uỷ ban MTTQ với Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Nội dung phối hợp đi vào những vấn đề trọng tâm, thiết thực; định kỳ đánh giá kiểm điểm việc thực hiện của mỗi bên, không để kiến nghị nhiều lần.
Đại hội thể hiện ý chí của Đảng bộ, MTTQ và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công, thành công, đại thành công.
Bùi Lệ Dung
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu