Có tới 7.291 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Số tiền truy đóng do doanh nghiệp chưa đóng, đóng thiếu thời gian là 29,1 tỉ đồng.
SỐ TIỀN XỬ PHẠT DANH NGHIỆP NỢ BHXH LÊN TỚI 5,7 TỶ ĐỒNG
Đây là kết quả mới nhất của đợt kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của BHXH Việt Nam từ đầu năm 2019 đến nay.
Sau 5 tháng triển khai, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra kiểm tra của toàn ngành là 6.427 đơn vị, trong đó số đơn vị được thanh tra chuyên ngành là 2.589 đơn vị; số đơn vị được kiểm tra là 2.938 đơn vị.
Về đối tượng đóng, số lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia là 7.291 lao động; số tiền truy đóng do chưa đóng, đóng thiếu thời gian là 29,1 tỉ đồng; số lao động đóng không đúng đối tượng, đóng thừa thời gian là 898 lao động; số tiền thoái thu, hoàn trả do đóng không đúng đối tượng là 1,1 tỉ đồng.
Về mức đóng, số lao động đóng không đúng mức quy định là 7.577 lao động; số tiền truy đóng do đóng thiếu mức quy định là 7,3 tỉ đồng. Số tiền các đơn vị được thanh tra kiểm tra nợ là 934 tỉ đồng; số tiền nợ đơn vị đã nộp là 583 tỉ đồng.
Với kết quả kiểm tra, thanh tra trên, ngành BHXH đã ban hành là 161 quyết định xử phạt; số tiền xử phạt vi phạm hành chính phải thu là 5,73 tỉ đồng đồng. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thu mới chỉ đạt gần 2,7 tỉ đồng.
Theo BHXHVN, về số thu, trong tháng 5, toàn ngành thu được 33.545 tỉ đồng. Lũy kế hết tháng 5.2019, toàn ngành thu được 136.038 tỉ đồng, đạt 37,8% kế hoạch cả năm; trong đó thu BHXH đạt 91.796 tỉ đồng, thu BHTN đạt 6.892 tỉ đồng, thu BHYT đạt 37.350 tỉ đồng.
Đến hết tháng 5.2019, ước tính số chi BHXH, BHYT, BHTN là 123.230 tỉ đồng, đạt 43% kế hoạch cả năm. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách Nhà nước là 16.897 tỉ đồng, chi BHXH từ nguồn quỹ BHXH là 62.294 tỉ đồng, chi từ nguồn quỹ BHTN là 4.315 tỉ đồng và ước chi khám chữa bệnh BHYT từ nguồn quỹ BHYT là 39.722 tỉ đồng.
HÀ NỘI: GẦN 7 VẠN DOANH NGHIỆP ĐANG HOẠT ĐỘNG CHƯA THAM GIA BHXH
Hà Nội có khoảng 70.000 DN đang hoạt động, với hơn 410.000 NLĐ có kê khai thuế nhưng chưa tham gia BHXH và gần 70% lực lượng lao động trên địa bàn chưa tham gia BH thất nghiệp…
Thông tin trên được UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh trong Đề án “Phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn TP.Hà Nội”, do Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý ký ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 5/6/2019.
Theo UBND TP.Hà Nôi, tính đến hết năm 2018, toàn thành phố có khoảng 80.000 DN đã tham gia BHXH bắt buộc với hơn 1,6 triệu NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20% số người thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng vẫn chưa tham gia. Nguồn dữ liệu từ Cục Thuế Hà Nội cũng cho thấy, vẫn còn tới 70.000 DN đang hoạt động, sử dụng hơn 410.000 NLĐ có kê khai thuế nhưng chưa tham gia BHXH.
Cùng với đó, còn gần 70% lực lượng lao động chưa tham gia bảo BH thất nghiệp, trong đó gần 60% là NLĐ làm việc tại các DN ngoài khu vực nhà nước. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện ít và chiếm tỉ lệ rất thấp. Tính đến hết năm 2018, Hà Nội mới có hơn 22.600 người tham gia BHXH tự nguyện (bằng 0,5% lực lượng lao động).
Trong khi đó, báo cáo từ BHXH TP.Hà Nội cho thấy, còn nhiều đơn vị sử dụng lao động trốn đóng, không tham gia BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ; tỉ lệ nợ đọng BHXH, BH thất nghiệp tại Hà Nội vẫn ở mức cao so với toàn quốc. Ngay trong nhiều DN đã tham gia BHXH vẫn có tình trạng kê khai, đăng ký số NLĐ tham gia BHXH, BH thất nghiệp ít hơn số NLĐ thực tế sử dụng, đóng BHXH với mức lương thấp hơn mức thực tế hoặc chỉ ký HĐLĐ “miệng”, HĐLĐ thời vụ với NLĐ để trốn đóng BHXH…
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý ký ban hành Đề án “Phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn TP.Hà Nội”, với mục tiêu: Năm 2019, tỉ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc và tỉ lệ lao động tham gia BH thất nghiệp đạt 90% số người thuộc diện tham gia. Tốc độ gia tăng BHXH tự nguyện đạt 30%; phấn đấu đến năm 2021 có 40% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH và có 33% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp.
11 DOANH NGHIỆP BỊ XỬ PHẠT DO CHẬM ĐÓNG, NỢ ĐỒNG BHXH
Mới đây, ông Lê Thanh Liêm- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM đã ban hành các quyết định xử phạt đối với 11 DN do hành vi chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT.
Trong số đó, đáng chú ý có Công ty TNHH MTV Giải pháp Zien (trụ sở tại quận Bình Thạnh) chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Ngày 21/5, Đoàn Thanh tra của BHXH TP.HCM đã phát hiện vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Đến ngày 27/5, Giám đốc BHXH TP.HCM đã có tờ trình đề nghị UBND Thành phố xử lý vi phạm đối với DN này. Theo đó, ngoài mức xử phạt 150 triệu đồng, UBND TP.HCM còn buộc DN phải truy nộp BHXH, BH thất nghiệp theo quy định.
Được biết, trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT thời gian qua, UBND TP.HCM rất tích cực và quyết liệt trong việc xử lý các sai phạm về chậm đóng, nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, đem lại sự tin tưởng cho NLĐ vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, UBND TP.HCM đã trực tiếp ban hành quyết định xử phạt đối với 11 DN trên địa bàn, với tổng số tiền phạt hơn 1 tỉ đồng. Đơn cử, xử phạt 158 triệu đồng đối với Công ty CP XDCT Đường sắt 796; xử phạt 150 triệu đồng/đơn vị đối với Công ty TNHH V-Probes Holdings, Công ty TNHH TM DV&VT Vy Phương và Công ty CP Nguyễn Ngọc Logistics.
Ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, những quyết định xử lý nghiêm khắc, kịp thời của UBND TP.HCM đã góp phần làm cho nhiều DN phải “chùn tay” trước những hành vi vi phạm, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng về BHXH, BHYT cho NLĐ./.
Phạm Tuấn