Nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại trong tổ chức và quản lý lễ hội (LH) năm 2009 để tìm ra giải pháp khả thi cho công tác này trong những năm tiếp theo là nội dung chính trong cuộc họp ngày 19-3 của Bộ VH-TT&DL với TP.Hà Nội và các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh và Thái Bình.
Tái diễn nhiều vi phạm
Từ trước Tết Nguyên đán, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản hướng dẫn gửi ngành văn hóa các địa phương về cách thức tổ chức và quản lý LH đúng quy chế, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả nhưng kết quả kiểm tra các LH năm 2009 của thanh tra Bộ cho thấy các LH còn rất nhiều "sạn". Cảnh tượng khách đi lễ chen lấn, tranh giành tại nơi thờ tự, xả rác xuống khuôn viên di tích, đặt tiền không đúng nơi quy định... khá phổ biến ở các LH chùa Đồng (Thái Bình), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Hương (Hà Nội). Hiện tượng xóc thẻ, bói toán, cờ bạc hoạt động công khai ở LH chùa Bà (Bình Dương), chợ Viềng (Nam Định), hội Lim (Bắc Ninh)…
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết: Tính đến ngày 10-2, các cơ quan chức năng đã thu giữ 46 phương tiện xe máy chèo kéo, đeo bám khách; xử lý các vi phạm khác và phạt cảnh cáo 261 vụ với số tiền là 286 triệu đồng; thu giữ gần 4 vạn băng đĩa không đủ tiêu chuẩn lưu hành.
Ông Nguyễn Đạo Toàn, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở cho rằng, những tồn tại kéo dài này là do công tác tuyên truyền về tổ chức và quản lý LH chưa hiệu quả. Việc tổ chức LH thường diễn ra ở các di tích quan trọng, trong khi đó việc phân cấp quản lý di tích ở nhiều nơi lại không thống nhất, lại có những nơi do ban quản lý di tích quản lý về chuyên môn, công ty kinh doanh phụ trách khâu vận chuyển và dịch vụ... Bởi thế, nên khi xảy ra sự cố, các đơn vị đổ trách nhiệm cho nhau, đùn đẩy nhau giải quyết.
Đồng quan điểm với ông Toàn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Do thiếu quy định rõ ràng về việc sử dụng tiền công đức nên hiện nay nguồn thu công đức ở đền, phủ do thủ nhang quản lý, tiền công đức ở các chùa do nhà sư trong chùa quản lý, UBND xã, huyện chỉ quản lý tiền cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ dẫn tới nghịch lý: Các khu di tích, danh lam thiếu tiền để tu bổ, tôn tạo, trong khi lượng tiền công đức có nơi tới hàng tỷ đồng rơi vào "túi" chủ nhang hoặc ai quản - chưa rõ.
Cần chế tài quản lý LH
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhận định: LH năm nay tồn tại bốn vấn đề lớn: bị thương mại hóa; sân khấu hóa; lợi dụng LH để hành nghề mê tín dị đoan, tổ chức cờ bạc và gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự. Để giải quyết vấn đề trên, ông Nguyễn Đăng Túc, GĐ Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cần phải nhận diện các LH một cách rõ ràng để có định hướng quản lý đúng. Nhận diện cả giá trị vật thể và phi vật thể. Với các LH lớn, để quản lý tốt cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều hiện tượng chứ không nên kết luận vội vàng từ một vài hiện tượng vốn không phải là bản chất.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Hải Dương - Đặng Việt Cường lại đề cập đến vấn đề quản lý LH ở góc độ cần thiết phải tiến hành quy hoạch LH. Ông cho biết, năm 2008, tỉnh Hải Dương đã tiến hành quy hoạch tổng thể và chi tiết LH đến năm 2015, nhờ đó LH Côn Sơn - Kiếp bạc và LH Cửa Ông năm 2009 có nhiều tiến bộ...
Ý kiến ngược xuôi thì nhiều nhưng điều cốt lõi nhất mà các đại biểu nhấn mạnh chính là ý thức của cán bộ và nhân dân sẽ giúp khâu quản lý LH của những năm sau tốt hơn. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu các tỉnh, thành thống kê, phân loại các LH theo tính chất và quy mô. Trên cơ sở đó, mỗi tỉnh, thành xây dựng một mô hình tổ chức, quản lý LH cần có sự thống nhất trong quản lý và quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Vấn đề đặt ra là phải thay đổi nhận thức, ý thức từ cán bộ tới nhân dân thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức, quản lý mùa LH năm sau./.
(Theo: Hà Nội Mới)