Thứ Sáu, 4/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 26/7/2010 6:26'(GMT+7)

Tổ quốc - Ngọn lửa trong tim bất diệt

Các nhân chứng kể lại các mẩu chuyện kháng chiến.

Các nhân chứng kể lại các mẩu chuyện kháng chiến.

"Đỉnh cao" hy sinh

Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu: “Những kỷ vật kháng chiến” do Tổng cục Chính trị phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động từ ngày 14-2-2009, tại Hà Nội. Hơn một năm phát động đã tiếp nhận hơn 10.000 kỷ vật kháng chiến có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, gắn với các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trong dịp này, các địa phương, các cá nhân ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục hiến tặng gần 300 kỷ vật.

Miền Trung - Tây Nguyên là một trong những địa bàn diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, lập nhiều chiến công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây cũng là khu vực có nhiều liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước, mảnh đất này đánh dấu một "đỉnh cao" hy sinh. Vì vậy, miền Trung - Tây Nguyên cũng là địa bàn hứa hẹn nhiều kỷ vật kháng chiến đặc biệt nhất. Cuộc giao lưu lần này nhằm tôn vinh những tấm gương tiêu biểu đã đóng góp, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, không phụ lòng tin và ước mơ của các thế hệ cha ông đã ngã xuống vì quê hương.

Bên lề cuộc giao lưu chúng tôi bắt gặp những tốp chiến sĩ, sinh viên, chăm chú theo dõi, ghi chép những hiện vật được trưng bày trước tiền sảnh Nhà văn hóa Quân khu 5. Qua ánh mắt họ, tôi hình dung một mạch nguồn truyền thống hào hùng của dân tộc từ quá khứ đang thắp lên niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho tuổi trẻ trên con đường dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Đại diện Bảo tàng Quân khu 5 tiếp nhận hiện vật

Những pho sử sống

Những nhân chứng lịch sử, người là chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; người ở cương vị các cấp chỉ huy, nay tuổi cao, sức yếu vẫn lặn lội từ khắp miền Tổ quốc về giao lưu. Thượng tướng Nguyễn Chơn, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, do tuổi cao, sức yếu không đến dự buổi giao lưu đã gửi đến Ban chỉ đạo một lá thư và chiếc ống nhòm từ khi ông là cán bộ Trung đoàn, rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Chiếc ống nhòm gắn với những trận đánh, gắn với tên tuổi sư đoàn thép, gắn với “người chỉ huy huyền thoại”. Kỷ vật của ông làm sống lại một thời hào hùng của các trận đánh Ba Gia, Vạn Tường, Đồng Dương... mà mỗi khi nhắc lại vẫn làm bạt vía quân thù.

Đại diện Viện bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tiếp nhân kỷ vật

Cả hội trường chào mừng Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tốt nghiệp cấp 3 năm 1967, dù trong tay cầm giấy báo gọi đại học, nhưng anh đã tình nguyện nhập ngũ với ước mơ cháy bỏng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Người anh hùng ở tuổi 21, đã được tặng thưởng 20 huân chương các loại, 5 lần được tặng Dũng sĩ diệt Mỹ, 17 lần là Chiến sĩ thi đua... Là người con quê hương Thanh Hóa, nhưng anh có những kỷ niệm sâu sắc với mảnh đất Khu 5 từ chiến dịch Thượng Đức năm 1974 và tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975 với cương vị Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Chuyện anh kể như một khúc ca bi tráng với những bàn chân trần hành quân bộ rớm máu trên địa hình hiểm trở, những cơn khát cháy cổ, những vắt cơm ôi thiu, những trận chiến đấu giáp lá cà bằng lưỡi lê, dao găm với quân địch. Bất chấp những khó khăn gian khổ, trung đoàn của anh quần nhau với địch, không cho lính dù tái chiếm, góp phần cùng các đơn vị bạn giải phóng Tiên Phước, Thượng Đức, chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng, tạo bàn đạp và thế chiến lược mới cho năm 1975. Anh đã tặng hai kỷ vật quý giá của mình một là chiếc la bàn và một bình tông-kỷ niệm về một đồng đội đã hy sinh.

Là người con của quê hương Hoài Ân (Bình Định), 36 năm trong quân ngũ, từ tiểu đội trưởng trưởng thành lên Tham mưu phó Sư đoàn, lăn lộn chiến đấu ở nhiều chiến trường, Đại tá Trần Kim Hùng đã chỉ huy, chiến đấu hàng trăm trận, cùng đồng đội lập nên những kỳ tích trong kháng chiến chống Mỹ. Những trận đánh nổi tiếng như phá hủy sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn, kho xăng Liên Chiểu, diệt chi khu quân sự Hiệp Đức… bừng sáng trên từng trang nhật ký của ông. Trận đánh nổi tiếng của đơn vị đặc công do ông chỉ huy là trận tập kích sân bay Đà Nẵng vào 0 giờ 25 phút ngày 30-6-1965, phá hủy 59 máy bay, 50 xe quân sự, 2 giàn tên lửa và hàng nghìn lít xăng của địch. Đất nước hòa bình, gần 20 năm qua, ông chắt chiu những đồng lương ít ỏi của mình, lặn lội vớt rong biển, nuôi heo lấy tiền, khoác ba lô đi tìm đồng đội giữa rừng sâu cùng đồng đội cất bốc hơn 300 mộ liệt sĩ.

Thiếu tướng Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Trí, đưa mọi người trở về với mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng trong năm 1968, khi ông là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 (R20), Trung đoàn 38, được lệnh diệt căn cứ biệt kích chiến lược tại Non Nước - Ngũ Hành Sơn. Nhờ các sư sãi và nhân dân Hòa Hải nuôi giấu, che chở nên tiểu đoàn của ông đã tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn Mỹ. Chiếc thắt lưng ông thu được của lính Mỹ, sau đó sử dụng để mang súng ngắn, bi đông, bao đạn từ năm 1968-1975, đã được trao lại cho ban tổ chức.

Đại diện bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tiếp nhận kỷ vật

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng, năm 12 tuổi đã tham gia đánh giặc, trốn nhà vào bộ đội năm 1966, thì đến năm 1967 đã được tặng thưởng huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhì. Thấp thoáng trong câu chuyện của anh là một Kim Đồng, một Út Lượm, là hàng trăm, hàng nghìn những thiếu niên ở mọi miền đất nước cầm súng đánh giặc. Những câu chuyện về cuộc đời chiến đấu của các ông thể hiện một khát vọng độc lập tự do cháy bỏng chẳng thể tìm thấy ở đâu khác trên trái đất này.

Còn nhiều và rất nhiều những nhân chứng, đại diện cho các gia đình tướng lĩnh, sĩ quan có mặt trong buổi giao lưu, hiến tặng kỷ vật cho ban tổ chức. Những kỷ vật đó có giá trị cho hôm nay và mai sau. Đúng như lời Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo cuộc sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” tại cuộc giao lưu “...Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến” là việc làm có ý nghĩa chính trị xã hội, nhân văn sâu sắc, nhằm huy động mọi tiềm năng của người Việt Nam trong việc sưu tầm kỷ vật kháng chiến, theo hướng xã hội hóa. Đây cũng là dịp chúng ta tiến hành giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước, truyền thụ kinh nghiệm, phổ biến kiến thức cho các thế hệ người Việt Nam, đồng thời tôn vinh những người có công trong kháng chiến...”./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất