Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 18/11/2019 16:46'(GMT+7)

Tọa đàm “Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới”

Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Duy Phong

Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Duy Phong

Sáng ngày 18/11, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới” nhằm đánh giá tầm quan trọng đặc biệt của việc nâng cao chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, những thách thức đặt ra, đồng thời tìm giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng dân số.

Tham gia buổi Tọa đàm có Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội – Đại học Kinh tế quốc dân; Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tuổi thọ trung bình tăng nhanh; tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, đứng vị trí thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Chất lượng dân số đã được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ người dân tiếp tục tăng (đạt trung bình khoảng 73,5 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người); tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng dân số còn hạn chế, chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân là 73,5 tuổi, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp, chỉ đạt 64 tuổi.

Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện , trong 30 năm chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng được 3 cm. Việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người còn hạn chế, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi.

Chất lượng dân số có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia nhằm hướng tới “nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.

Đánh giá bối cảnh công tác dân số hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: Công tác tổ chức bộ máy làm dân số đang có vấn đề. Vấn đề ở đây là bộ máy dân số của chúng ta “nhập - tách, nhập – tách” rất nhiều. Tôi gọi đó là không ổn định và chúng ta không làm được cái định hướng để làm sao cho thống nhất quản lý định hướng về mặt chuyên môn cho tốt'.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, để công tác dân số phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, tổ chức bộ máy làm dân số phải được ổn định. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng, ổn định là có biên chế hay tăng biên chế, mà ổn định ở chỗ, giảm biên chế nhưng chất lượng cán bộ dân số của chúng ta tốt lên. Để làm được điều này, công tác truyền thông phải được đẩy lên. Bộ máy phải được củng cố chứ không thu hẹp.

Đề cập thêm về bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, ông Nguyễn Văn Tân - nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Những năm vừa qua Việt Nam đã có quá nhiều sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức dân số. Chúng ta đã xử lý bộ máy tổ chức dân số một cách cơ học. Cấp huyện trở xuống đang bị “teo lại” và nảy sinh gây nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác dân số.

 Ảnh minh họa

Mặt khác, cán bộ dân số nhập vào trạm y tế xã dẫn đến sự khủng hoảng của đội ngũ cán bộ dân số ở địa phương. Quyết định đưa 11 ngàn cán bộ dân số chuyên trách cấp xã vào viên chức ở các trạm y tế xã khiến mỗi năm tiêu tốn một lượng lớn cho quỹ lương cán bộ dân số này. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện lại không cao do quản lý điều hành bị thay đổi.

Bên cạnh đó, nội dung của dân số thay đổi rất nhiều do quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, cán bộ làm công tác dân số phải giải quyết toàn bộ các vấn đề của dân số như làm sao để cân bằng được giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số. Vì vậy, có nhiều nội dung trong công tác dân số phải đào tạo lại kiến thức cho cán bộ dân số cho phù hợp với tình hình hội nhập toàn cầu.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định, chiến lược dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước; một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội; là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Nói cách khác, dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Vì vậy, đầu tư cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao.

Muốn vậy, công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Tuy nhiên, vấn đề chất lượng dân số cũng đang đứng trước các thách thức như: mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; quản lý di cư còn nhiều bất cập./.

Thanh Xuân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất