Khí hậu mùa đông thường làm cho một số bệnh trầm trọng hơn do nhiệt độ xuống thấp, gió rét và thiếu ánh nắng mặt trời. Dưới đây là một số mặt bệnh thường gặp khi mùa đông đến:
Cảm lạnh: Bạn có thể phòng tránh cảm lạnh bằng cách rửa tay thường xuyên. Điều này giúp bạn loại bỏ vi khuẩn mà bạn có thể bị nhiễm từ việc chạm vào các đồ vật được sử dụng chung với những người xung quanh, chẳng hạn như công tắc đèn và tay nắm cửa. Điều quan trọng là phải rửa tay đúng cách. Cần thiết phải giữ cho nhà cửa và đồ gia dụng như ly, tách và khăn sạch sẽ, đặc biệt là nếu ai đó trong nhà bạn bị ốm. Nếu bạn bị cảm lạnh, hãy sử dụng khăn giấy dùng một lần thay vì khăn tay để tránh phải rửa tay và giặt khăn liên tục.
Viêm họng: Đau họng thường xảy ra vào mùa đông và phần lớn nguyên nhân là do nhiễm virus. Có một số bằng chứng cho thấy sự thay đổi và chênh lệchnhiệt độ - chẳng hạn như đi từ một căn phòng ấm áp ra ngoài trời lạnh giá - cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến cổ họng.Một trong những biện pháp khắc phục nhanh chóng và dễ dàng thực hiện khi bị đau họng là súc miệng với nước muối ấm. Mặc dù nước muối không chữa được khi bạn bị nhiễm trùng, nhưng nó có tính chống viêm và có tác dụng làm dịu cổ họng đang viêm rát.
Bệnh phổi - phế quản: Các bệnh này phát triển mạnh, người chưa mắc bệnh thì dễ mắc, người đang mắc thì bệnh có xu hướng tǎng nặng, người đã chữa khỏi thì bệnh dễ tái phát. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ và người già. Quá nửa số tử vong của người già trong nǎm là vào mùa lạnh, hầu hết số tai biến do bệnh tật gây ra cũng xảy ra vào mùa này.
Các bệnh phổi – phế quản thường gặp: Hen phế quản, đợt cấp của tâm phế mạn (COPD), giãn phế quản, viêm khí - phế quản cấp, đặc biệt viêm phổi mắc phải ở cộng đồng. Bệnh có thể xảy ra sau khi bị một đợt cúm, thường xảy ra và có thể phát thành dịch vào mùa này. Ngoài ra, lao phổi nếu không được chǎm sóc, giữ gìn, điều trị tốt sẽ nặng lên trong mùa lạnh. Các thể lao tổn thương rộng, phá hủy nhiều, lao suy kiệt, thể trạng gầy yếu, lao trẻ em mùa đông - xuân có tử vong cao.
Đau khớp- Viêm khớp: Nhiều người bị viêm khớp cho biết khớp của họ trở nên đau đớn và cứng hơn vào mùa đông dù không rõ nguyên nhân. Không có bằng chứng cho thấy sự thay đổi thời tiết gây ra những tổn hại chung đến khớp. Nhiều người bị trầm cảm nhẹ trong những tháng mùa đông u ám và điều này có thể làm cho họ cảm thấy đau đớn hơn. Tập thể dục hàng ngày có thể làm tăng trạng thái tinh thần và thể chất. Bơi là cách luyện tập lý tưởng vì nó tác động lên các khớp.
Mùa đông, thời tiết lạnh, ẩm khiến tình trạng bệnh của những người bị khớp trở nên nặng hơn. Viêm khớp dạng thấp, thấp tim và gout là 3 bệnh dễ lên những đợt cấp tính nhất trong mùa đông; trong đó, viêm khớp dạng thấp: Là bệnh khớp mãn tính kéo dài trong nhiều năm và có thể gây những di chứng nặng nề như: dính, biến dạng khớp. Triệu chứng của bệnh là viêm nhiều khớp (khớp cổ tay, bàn tay, đốt tay, khớp chân…) và diễn biến kéo dài. Người bệnh cũng có thể bị cứng khớp vào bưởi sáng, gây khó cử động các khớp và kéo dài hằng giờ. Viêm khớp dạng thấp diễn biến từng đợt, ở giai đoạn đầu, nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn hai, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động của khớp.
Viêm xoang: Khi chiếc mũi của chúng ta gặp phải các vấn đề như đau, chảy dịch, nghẹt, khó thở hoặc bị điếc mũi thì đây đều là những dấu hiệu cảnh báo đã mắc bệnh viêm xoang. Bệnh viêm xoang được chia làm 2 loại là viêm xoang cấp tính và mãn tính. Trong đó, những người mắc viêm xoang mãn tính dễ tái phát hơn và nguy hiểm hơn. Vì thế, khi thấy có các dấu hiệu của viêm xoang, bạn cần đi khám tai mũi họng càng sớm càng tốt để có kết quả chính xác và điều trị kịp thời.
Viêm tai giữa cấp: Viêm tai giữa cấp là tình trạng viêm nhiễm ở màng nhĩ và hòm nhĩ. Nguyên nhân gây ra bệnh có thể do chúng ta bị cảm cúm, viêm amidan, viêm xoang, viêm VA. Bệnh viêm tai giữa cấp xảy ra do sự thay đổi áp suất khi đi máy bay hoặc điều kiện làm việc trong phòng lặn, tàu ngầm…
Bệnh viêm tai giữa cấp nếu không được điều trị kịp thời thì có thể biến chứng thành viêm tai giữa thanh dịch, viêm tai giữa mãn thủng nhĩ hay viêm xương chũm. Để chữa bệnh, cần phải dùng khám sinh, khám viêm và giảm đau. Đồng thời súc họng bằng nước muối thường xuyên. Trường hợp bị viêm tai giữa cấp thì nên chích rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ hoặc phẫu thuật để điều trị bệnh viêm tai giữa mãn thủng nhĩ hoặc viêm xương chũm.
Đau dạ dày do lạnh: Thời tiết lạnh thường hay bị đau bao tử và vết loét có vẻ đau nhiều hơn. Trong khi chưa có phương pháp hữu hiệu ngăn chặn viêm loét bao tử, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách chăm sóc bản thân để tăng sức đề kháng. Hàng ngày, làm những việc khiến bạn cảm thấy bớt căng thẳng như tắm nóng, đi bộ trong công viên hoặc xem một trong những bộ phim yêu thích của bạn.
Tay lạnh: Hiện tượng tay bị lạnh là một tình trạng phổ biến khiến ngón tay và ngón chân bạn thay đổi màu sắc và trở nên rất đau đớn trong thời tiết lạnh. Các ngón tay có thể chuyển sang màu trắng, sau đó là màu xanh, rồi đỏ và sưng tấy. Các mạch máu nhỏ ở bàn tay và bàn chân bị co thắt lại, khiến lưu lượng máu đến tay và bàn chân của bạn giảm.Vì thế, đừng hút thuốc hoặc uống cà phê (cả hai có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng) và luôn luôn đeo găng tay, vớ và giày dép ấm khi ra ngoài trong thời tiết lạnh.
Cúm: Người ở độ tuổi từ 65 trở lên, phụ nữ có thai và người có bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh thận và bệnh phổi tắc nghẽn (COPD)… đặc biệt có nguy cơ tử vong khi mắc cúm. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là tiêm vắc xin. Thuốc chủng ngừa cúm bảo vệ tốt cho cơ thể chống chọi lại virut này và kéo dài được một năm. Nếu bạn trên 65 tuổi hoặc có tình trạng sức khoẻ mắc bệnh mãn tính, bạn nên tiêm vắc xin chống phế cầu khuẩn và phòng ngừa bệnh viêm phổi.
Hen suyễn: Không khí lạnh là một yếu tố chính gây ra các triệu chứng hen như thở khò khè và thở dốc. Những người bị hen nên đặc biệt cẩn thận vào mùa đông. Hãy ở trong nhà vào những ngày nhiệt độ xuống thấp và gió rét. Nếu bạn phải đi ra ngoài, hãy đeo khăn hoặc khẩu trang che kín mũi, miệng. Hãy cẩn thận hơn hãy tích trữ các loại thuốc thông thường và giữ thuốc dạng hít hoặc dạng xịt bên mình; luôn chú ý giữ ấm để tránh bị bệnh suyễn tấn công.
Hội chứng Norovirus: Norovirus là một loại virus phổ biến gây viêm ở dạ dày - ruột và cực kỳ dễ lây nhiễm. Nó có thể bị nhiễm quanh năm ở bất cứ thời điểm nào, nhưng phổ biến hơn vào mùa đông và dễ lây nhiễm hơn ở những nơi như khách sạn, bệnh viện, nhà điều dưỡng và trường học.
Khi bị nhiễm norovirus, người ta có cảm giác rất khó chịu, nhưng rất may là chỉ bị vài ngày. Khi người bệnh bị nôn mửa và tiêu chảy, điều quan trọng là uống nhiều nước để tránh mất nước, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi do vậy người bệnh cần uống nước bù điện giải là hữu hiệu nhất.
Đau tim: Các cơn đau tim cũng phổ biến hơn vào mùa đông. Điều này có thể là do thời tiết lạnh làm tăng huyết áp và gây nhiều áp lực hơn lên tim. Trái tim của bạn cũng phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt của cơ thể khi trời lạnh. Hãy giữ ấm căn nhà của bạn. Duy trì nhiệt độ phòng ở mức thấp nhất là 18 độ C và sử dụng bình nước nóng hoặc chăn điện để giữ ấm trên giường. Hãy mặc ấm khi bạn đi ra ngoài và nhớ đội mũ, quàng khăn và đeo găng tay.
Đột quỵ: Theo bác sĩ, nhiều người Việt có thói quen tập thể dục vào giờ không khoa học, trời lạnh vẫn đi tập trong tiết trời gió lạnh. Đây là một thói quen không tốt. Vào mùa lạnh, người dân cần thay đổi thói quen tập thể dục, không nên tập quá sớm, thay vì 4-5h có thể đổi sang 8-9h sáng. Khi tập, cần căn cứ theo sức chịu đựng, có thể vận động, tập trong nhà.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được đưa đến viện cấp cứu trong giờ vàng để can thiệp còn rất thấp. Trong năm 2016, số bệnh nhân vào viện trong khung giờ vàng được điều trị tái thông bằng thuốc chỉ chiếm 1,5%. Tỷ lệ này tăng lên 2,5% trong 2017 và năm 2018 có 3,5% trong gần 7.000 bệnh nhân được điều trị. Bệnh nhân vào viện trong 4-6 giờ sau khi có các triệu chứng được xem là giờ vàng để được can thiệp sớm, chi phí điều trị thấp mà di chứng cũng ít.
Ngứa ngoài da: Một trong những bệnh phổ biến nhất vào mùa đông là ngứa ngoài da. Trời lạnh, độ ẩm thấp và thói quen tắm nước nóng khiến da khô, ngứa ngáy, khó chịu. Cách phòng tránh bệnh này đó là: tránh xa các loại thức ăn nhiều dầu mỡ; ăn nhiều hoa quả và rau xanh; uống nhiều nước; bổ sung các loại axit béo, vitamin A, C, D3, Selenium; sử dụng dầu dừa, dầu oliu để cung cấp độ ẩm cho da; không nên tắm bằng nước quá nóng.
Các triệu chứng xung huyết, đau đầu, ho, chảy nước mũi khiến mọi người cảm thấy khổ sở trong suốt mùa đông. Thời tiết lạnh khiến xoang bị tắc nghẽn, viêm, phù nề, sự lưu thông không khí bị ứ trệ, các dịch nhầy ứ đọng tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển gây bệnh.
Để phòng và tránh bệnh tái phát trong mùa lạnh, cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh bụi bẩn, vệ sinh hốc mũi hàng ngày, sử dụng khẩ phần ăn lành mạnh và uống nhiều chất lỏng để không bị cảm lạnh.
Nam Anh