Phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV vào sáng hôm qua (20/5), ngoài những nội dung như những kỳ họp trước còn có thêm báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ sáu. Sự đổi mới này thể hiện việc tôn trọng của Quốc hội với các ý kiến của cử tri, được đông đảo nhân dân hoan nghênh.
Theo quy định của Hiến pháp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người đại diện
cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, có nhiệm vụ liên hệ chặt chẽ với cử
tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý
kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu
quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của
ĐBQH và của Quốc hội.
Thực hiện nhiệm vụ này, thông qua 1.408 cuộc tiếp
xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ sáu, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban
Thường vụ Quốc hội đã tập hợp được 2.293 kiến nghị cử tri và chuyển đến
cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, đã có 2.290 kiến nghị được
xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định đạt 99,87% tổng số kiến
nghị đã chuyển.
Cử tri đánh giá cao các hoạt động tiếp xúc cử tri của
ĐBQH nói chung và ĐBQH là lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói riêng. Qua tiếp
xúc cử tri, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp lắng nghe,
tôn trọng và trả lời những vấn đề cử tri quan tâm, giải đáp được nhiều
kiến nghị cử tri nêu, tạo niềm tin tưởng trong nhân dân cả nước.
Qua
việc theo dõi, đôn đốc của Ban Dân nguyện đối với việc trả lời ý kiến,
kiến nghị cử tri của các bộ, ngành kết hợp với nhận xét, đánh giá của
63/63 đoàn ĐBQH cho thấy, về cơ bản, các bộ, ngành đều nghiêm túc, trách
nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu. Hiện tượng trả lời
không đúng trọng tâm, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn,
sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ
họp trước hầu như đã được khắc phục. Hầu hết văn bản trả lời cử tri đều
do các bộ trưởng trực tiếp trả lời và ký.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số đoàn ĐBQH thì nhiều văn bản trả lời
cử tri của các bộ, ngành vẫn chỉ thiên về trích dẫn các quy định đã có
của pháp luật, trong khi cử tri đánh giá các quy định này đã và đang bất
cập, không phù hợp, lạc hậu với thực tiễn nhưng không giải trình thấu
đáo.
Một số văn bản trả lời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề mà
cử tri nêu còn chung chung, như đã giao, đang chỉ đạo giải quyết mà
chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri phản ánh, không nhận trách nhiệm của các
bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện các quy
định pháp luật thuộc lĩnh vực mà cử tri kiến nghị nên còn thiếu thuyết
phục. Đó là sự biểu hiện thiếu tôn trọng ý kiến cử tri, cần phải được
chấn chỉnh.
Để khắc phục tình trạng nói trên, ĐBQH đề nghị cần tăng cường giải đáp,
thông tin cho cử tri đối với những vấn đề đã được quy định rõ trong các
văn bản pháp luật, các vấn đề đã được các bộ, ngành giải đáp, trả lời
tại nhiều kỳ họp ngay tại những buổi tiếp xúc cử tri, khắc phục tình
trạng các kiến nghị đã được giải quyết, đang tổ chức thực hiện hoặc đã
được pháp luật quy định nhưng vẫn tiếp tục chuyển đến cơ quan Trung ương
yêu cầu trả lời, giải quyết.
Mọi kiến nghị chính đáng của cử tri cần
phải được tổng hợp, phản ánh đầy đủ và được trả lời tại kỳ họp gần nhất.
Những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cùng cấp
cần được tập hợp và chuyển cho cấp có thẩm quyền để đề nghị xem xét,
giải quyết. Tất cả phải được đại biểu báo cáo kết quả giải quyết và giải
đáp trước cử tri trong lần tiếp xúc sau đó. Tại các kỳ họp Quốc
hội hoặc HĐND, nên tổ chức các "đường dây nóng", "hộp thư điện tử nóng"
để các cử tri có thể gửi ý kiến của mình tới kỳ họp.
Tôn trọng ý kiến cử tri là tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân. Cử tri
mong muốn những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của
mình hãy giám sát việc trả lời ý kiến cử tri của các cơ quan, tránh việc
đùn đẩy quả bóng trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị khác, cho chính
quyền cấp trên hoặc cấp dưới./.
Đỗ Phú Thọ (qdnd.vn)