Thứ Bảy, 30/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 28/11/2011 21:33'(GMT+7)

Tôn vinh bản sắc văn hóa trang phục các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam

Lần đầu tiên có cuộc trình diễn quy mô lớn về trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Lần đầu tiên có cuộc trình diễn quy mô lớn về trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Cuộc “Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ Nhất - 2011” diễn ra từ ngày 25 - 28/11/2011 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) với sự tham gia của 233 thí sinh của 52 tỉnh, thành trong cả nước nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa, phát huy tinh thần đại đoàn kết của 54 dân tộc anh em.

Chương trình do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị, vẻ đẹp văn hoá đặc trưng trang phục truyền thống (TPTT) của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; tạo điều kiện giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc anh em; phát hiện, tổng hợp các bộ trang phục, trang sức truyền thống của các dân tộc trong cả nước; góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trang phục gắn bó mật thiết với cuộc sống, là dấu hiệu đặc trưng, thông tin ban đầu để nhận biết nhóm cộng đồng này với nhóm cộng đồng khác, sau tiếng nói và chữ viết. Trang phục là biểu trưng, là niềm tự hào của mỗi dân tộc để có thể nhận biết được dân tộc, địa bàn cư trú. Trang phục cộng đồng các dân tộc Việt Nam đa dạng sắc màu nhất vẫn là trang phục nữ. Ngoài giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ, trang phục còn được xem như thông điệp giải mã về quá trình phát triển của nền văn hóa mỗi dân tộc. Nó không chỉ phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội mà còn thể hiện tập quán, nếp sống, trình độ thẩm mỹ và văn hóa từng tộc người. Đối với dân tộc thiểu số, trang phục không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là của cải, tài sản có giá trị theo quan niệm truyền thống và cho thấy được vị trí xã hội của người mặc.

Từ các dân tộc sinh sống ở miền núi phía Bắc (Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì, Giáy, Sán Dìu, La Hủ, Lự, Lô Lô, Pà Thẻn, Pu Péo, Phù Lá...); đến các dân tộc vùng Bắc miền Trung (Khơ Mú, Thổ, Đan Lai...); Miền Trung - Tây Nguyên (Bru – Vân Kiều, Tà Ôi, Ê Đê, Mạ, Kơ Ho, Xơ Tiêng, Cơ Tu, Xơ Đăng, Mnông, Ba Na, Gia Giai...); hay các tộc người ở cực Nam miền Trung (Chăm, Răk Glei...); miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ (Chơ ro, Khơ Me, Xơ Tiêng, Chăm, Hoa...) đều có trang phục truyền thống khác nhau. Dân tộc Kinh, ngoài chiếc áo dài còn có những trang phục đặc trưng vùng miền như áo tứ thân vùng Kinh Bắc, áo bà ba của cư dân Nam Bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3446/VPCP-KGVX ngày 27/5/2011 về Đề án trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ Nhất, các địa phương đã tuyển chọn, chuẩn bị chu đáo bị nhân sự; rà soát và tìm lại những trang phục truyền thống, kể cả phải phục dựng lại các trang phục của một số dân tộc theo thời gian đã bị thất truyền. Hiện nay, một số dân tộc do điều kiện sống khó khăn, dân số còn quá ít (trên, dưới 1.000 người) như người Mạ, Rục, Cống, Pà Thẻn, Chứt... đã bị mai một. Trang phục của những dân tộc đó rất dễ bị ảnh hưởng “nhòe lẫn” với trang phục của các dân tộc mà họ đang chung sống. Chưa kể, 5 dân tộc, như: Xinh Mun, Pu Péo, Sila, Cống và Rục không còn giữ được trang phục truyền thống. Trước thực trạng đó, việc tổ chức cuộc trình diễn trang phục truyền thống dân tộc ở các cấp, đặc biệt là cấp quốc gia là cơ hội tốt để tôn vinh văn hóa trang phục của các dân tộc, góp phần giữ gìn bản sắc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Quy chế trình diễn nêu rõ: Trang phục trình diễn gồm trang phục trong sinh hoạt hàng ngày, đám cưới, lễ hội truyền thống của dân tộc nào phải được đa số cộng đồng dân tộc đó khẳng định là TPTT của dân tộc mình. Kiểu dáng, hoa văn... trên TPTT của dân tộc nào phải thể hiện nét đẹp đặc trưng của dân tộc đó; chất liệu của y phục truyền thống phải là vải (nguyên liệu thô đã qua lao động chế tạo ra, không phải vỏ cây, lá cây, da thú, lông thú...). Đồ trang sức (vòng cổ, vòng chân, tay, hoa tai...) đi kèm phải phù hợp với y phục đó, theo đúng truyền thống, không được cách tân, lai tạp....Thí sinh trình diễn phải có kiến thức, hiểu biết nhất định về ý nghĩa, giá trị văn hoá và xuất xứ bộ TPTT được trình diễn... Với những dân tộc trang phục truyền thống bị mai một, việc tìm hiểu, tham khảo trang phục dân tộc mình tại các bảo tàng địa phương, hoặc Trung ương (Bảo tàng Việt Bắc, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…) để may theo đúng kiểu cách, hoa văn của dân tộc mình là điều cần thiết và có ý nghĩa lớn.

Các đoàn tham gia trình diễn, như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Kiên Giang... đã mang đến một không khí vui tươi, giàu bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua trang phục truyền thống sử dụng trong sinh hoạt, lễ hội, đám cưới. Trang phục các dân tộc Tây Bắc như Mông, Dao, Thái, Hà Nhì... đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật trang trí hoa văn, kiểu dáng, là di sản văn hóa sáng giá nhất của các tộc người. Nét độc đáo trong trang phục truyền thống các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên là chiếc khố, váy, áo choàng quấn cùng nhiều đồ trang sức (lông chim, ngà voi, đồ kim loại...) mang dấu ấn cổ xưa, bảo lưu truyền thống văn hóa thời tiền, sơ sử của cư dân Đông Sơn, Sa Huỳnh. Sắc phục của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận được thể hiện độc đáo qua lễ hội Ka-tê trên các đền tháp cổ xưa. Trang phục các dân tộc Kinh, Chăm, Khơ Me, Hoa mang nét duyên dáng của miền Tây Nam Bộ...

Hội đồng tư vấn, gồm các chuyên gia có chuyên môn sâu trong lĩnh vực văn hóa trang phục, dân tộc được thành lập đã giúp Ban Tổ chức đề ra các quy chế ban đầu, đánh giá, phân loại trang phục gốc, cải tiến, cách tân, chất liệu… của từng bộ trang phục. Làm việc theo nguyên tắc khoa học, khách quan, công tâm, dân chủ, hiệu quả, trên tinh thần tập thể, đồng thuận tạo sự đoàn kết nhất trí cao để thẩm định giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc qua trình diễn, Hội đồng cũng đã nhìn nhận hết sức khách quan về thực trạng trang phục của một số dân tộc hiện nay đã bị mai một, thậm chí không còn; hoặc trong sự giao thoa, tiếp biến, một số dân tộc đã “sáng tạo”, “cách tân” một cách thái quá ngoài giá trị trang phục gốc vốn có; hoặc thay những chất liệu không phù hợp… Vì vậy, cuộc “Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam” là dịp để khảo sát lại toàn diện (tổng hợp, tổng kiểm kê, bổ sung) loại hình di sản văn hóa trang phục truyền thống của tất cả 54 dân tộc, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc.

Đánh giá rất cao sự cố gắng của các địa phương, cũng như việc bảo tồn trang phục của các dân tộc, từ đó, Hội đồng đã tư vấn cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu về cách thức khôi phục những bộ trang phục truyền thống gốc đã bị mai một. Việc thẩm định, nghiên cứu trang phục truyền thống các dân tộc sẽ là cơ sở để đề xuất xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị trang phục cộng đồng các dân tộc trang phục độc đáo của các dân tộc Việt Nam đang có nguy cơ bị mai một, thay vào đó là những trang phục mang dáng dấp của thời đại công nghiệp. GS.TS Hoàng Nam - thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng: “Tiềm năng trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam rất lớn, nhưng hiện đang có xu hướng biến đổi. Việc trình diễn chính là dịp các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu kiểm tra lại “kho” văn hóa của các dân tộc Việt Nam và phải có những chiến lược bảo tồn tiếp theo...”.

Khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc “Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng Ban tổ chức chương trình khẳng định: “Đây là một chương trình sinh hoạt văn hóa của toàn quốc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước ta đối với việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là đợt sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa chính trị rất sâu sắc, không chỉ tôn vinh vẻ đẹp các trang phục mà còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, bộ, ngành lien quan xây dựng hệ thống giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc...”.

Cuộc “Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ Nhất -2011” là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, ngoài việc phô diễn sự giàu có trang phục truyền thống là sự tôn vinh, bảo tồn, phát huy vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của trang phục cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Giữ được trang phục truyền thống chính giữ được hồn cốt, bản sắc của cả một tộc người. Đây là một việc làm quan trọng, cần thiết để bảo tồn, phát triển tính đa dạng văn hóa của các dân tộc, nhất là trong xu thế giao lưu, hội nhập văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ hôm nay nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

TS. Lê Thị Bích Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất