Đêm tôn vinh nghệ thuật múa rối 2009 do Nhà hát Múa rối Thăng Long tổ chức diễn ra khá thành công tối qua, 15/10 tại Cung Văn hóa Thiếu Nhi. Những cơn mưa phùn không làm nản lòng các bậc phụ huynh đưa trẻ nhỏ đến xem các tiết mục rối nước, rối cạn của Nhà hát.
Ngoài phần nghi lễ, đêm nghệ thuật múa rối tối qua cũng trình làng nhiều tiết mục múa rối cạn, rối nước ấn tượng. Đặc biệt, vở rối cạn “Nàng Hến” – một vở đầy phá cách giữa Múa rối và Kịch nói về câu chuyện dân gian “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” được diễn cho khán giả xem.
Đêm tôn vinh nghệ thuật múa rối được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Nhà hát Múa rối Thăng Long. Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, đây là địa chỉ hoạt động theo phương thức xã hội hóa khá thành công khi có rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến thưởng thức nghệ thuật múa rối.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những tiết mục rối mà trong những năm gần đây, Nhà hát đã mạnh dạn xây dựng những vở rối dài, khắc phục con đường kịch nói hóa múa rối, lấy con rối kể lại câu chuyện nghèo nàn khờ khạo.
Nhà hát cũng đã có nhiều tác phẩm múa rối thành công khi kết hợp giữa kịch nói vào múa rối cạn như “Trấn cổ Loa thành” (Trí Kiên – Anh Tú), “Huyền thoại tiên rồng” (Đăng Tiến – Hoàng Tuấn), “Nàng Hến” (Hoàng Tuấn)…
Đặc biệt, Nhà hát cũng đã phục hồi 17 trò rối nước Thăng Long cổ xưa đặc biệt với kỹ thuật tạo hình con rối nguyên sơ gồm: Bật cờ; Chú Tễu; Múa rồng; Em bé chăn trâu; Cày cấy; Câu ếch; Bắt vịt; Đánh cá; Vinh quy bái tổ; Múa sư tử; Múa phượng; Lê Lợi trả gươm; Nhi đồng vui chơi; Đua thuyền; Múa lân; Múa tiên; Tứ linh.
Nhà hát cũng đã tham gia các cuộc liên hoan trong nước và quốc tế, giành nhiều huy chương vàng bạc cho các vở: Ala Đanh và cây đèn thần; Tiếng gọi trẻ thơ; Bù nhìn rơm; Huyền thoại tiên rồng; Trấn cổ Loa Thành… Năm 2008, Nhà hát được tặng danh hiệu lá cờ đầu của ngành Văn hóa, là Nhà hát dẫn đầu doanh thu, thực hiện xã hội hóa nghệ thuật sớm nhất cả nước./.
Theo VnMedia