Với chủ đề “Âm vang sông Hồng”, vào lúc 19 giờ ngày 14-10, tại Quảng trường 14 tháng 10 thành phố Thái Bình, diễn ra lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất.
Tham dự có hơn 2 vạn khán giả quần chúng, 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân, vận động viên của 10 tỉnh trong khu vực. Đây là một lễ hội quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức nhằm giới thiệu, gìn giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Cao Thị Hải (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban tổ chức.
- PV: Xin bà cho biết mục đích, ý nghĩa, các hoạt động của ngày hội và tại sao ngày hội được diễn ra vào thời điểm này?
- Bà CAO THỊ HẢI: Nếu tính từ lễ hội 14-10-1990 đến lễ hội 14-10-2009 thì Thái Bình đã tổ chức 20 kỳ lễ hội văn hóa - du lịch truyền thống của địa phương. Lễ hội đã thực sự đi vào lòng dân bởi tính chất, quy mô, chất lượng ngày được nâng cao, góp phần đích thực vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ngày hội VH-TT-DL khu vực đồng bằng sông Hồng lần này diễn ra với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tham dự có 10 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng là Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội và một số tỉnh khu vực phía Bắc với 9 nội dung hoạt động như: hội thi thông tin cổ động tuyên truyền, triển lãm ảnh và tranh cổ động Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng thôn, làng văn hóa; hội thảo du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng, bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới… và nhiều hoạt động văn hóa thể thao đặc sắc. Ngày hội nhằm tôn vinh, gìn giữ và phát huy, giới thiệu bản sắc văn hóa các tỉnh trong khu vực, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương, đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tăng cường liên kết phát triển du lịch… Vì vậy, chúng tôi đặt ra yêu cầu ngày hội phải mang đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng khu vực đồng bằng sông Hồng với nhiều sắc màu rực rỡ, sôi động, ấn tượng.
- Thưa bà, “điểm nhấn” nào sẽ được tập trung để tôn vinh nét đặc trưng văn hóa khu vực đồng bằng sông Hồng?
- Các nội dung nằm trong chương trình đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến các tỉnh, thành và địa phương, với nhiều địa điểm khác nhau, do các tiểu ban đảm trách. Hoạt động biểu diễn các trò chơi, loại hình nghệ thuật dân gian như trống trắc, cà kheo, múa rồng, múa lân được tổ chức tại Quảng trường 14-10, do Sở VH-TT-DL thực hiện. Giải vật nông dân, giải bóng chuyền bông lúa vàng do Tổng cục TDTT tổ chức… Tuy nhiên “điểm nhấn” được tập trung vào lễ khai mạc và bế mạc.
Lễ khai mạc được tổ chức có quy mô lớn với không gian mở tại quảng trường thành phố mang chủ đề “Âm vang sông Hồng” dựa trên kịch bản văn học của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, do NSND Phạm Thị Thành làm Tổng đạo diễn có độ dài 60 phút với 3 chương. Chương 1 “Tình yêu châu thổ”, mô phỏng truyền thuyết câu chuyện tình kỳ diệu và điển hình nhất của Chữ Đồng Tử - Tiên Dung. Chương 2 “Sông mẹ cuộn sóng” là hoạt cảnh tái hiện cảnh vua Lý đi cày ở tịch điền (Bố Hải Khẩu), phản ánh khát vọng mở mang nông nghiệp, mưu cầu cuộc sống ấm no cho trăm họ với chèo thuyền Bắc bộ… Chương cuối “Bài ca đi tới biển – khát vọng phù sa” với những hoạt cảnh như “Mùa vàng châu thổ” phản ánh bức tranh hòa hợp tâm hồn của con người miền châu thổ qua các vở chèo kinh điển như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Thái hậu Dương Vân Nga… cùng với tổ khúc ca múa nhạc phản ánh khát vọng của nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
|
Chùa Keo - điểm du lịch nổi tiếng của Thái Bình. |
Tham gia vào chương trình trên ngoài 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân, chuyên và không chuyên của 10 tỉnh, thành trong khu vực, còn có sự góp mặt gần 2 vạn khán giả quần chúng tham gia diễn kết hợp với dân nhạc, dân ca, dân vũ, trò diễn dân gian truyền thống nhằm tạo nên nét văn hóa riêng với nhiều khát vọng như đất phù sa luôn bồi đắp cho vùng châu thổ sông Hồng.
- Ngành du lịch của Thái Bình sẽ được hưởng lợi ích gì từ lễ hội này, thưa bà?
- Như trên đã nói, ngoài mục đích nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của vùng châu thổ sông Hồng thì còn một ý nghĩa quan trọng khác là thông qua các tinh hoa văn hóa truyền thống nhằm quảng bá cho du lịch, hình thành các tour tuyến du lịch vùng. Đặc biệt với Thái Bình, lâu nay ngành du lịch dường như chưa được đánh thức dù đang có nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong đó có khu di tích nhà Trần với 3 mộ đời đầu nhà Trần và là nơi có bộ môn nghệ thuật chèo với nhiều chiếng chèo nổi tiếng của vùng châu thổ.
VÕ HÙNG-SGGP