Thứ Ba, 1/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 16/2/2011 20:21'(GMT+7)

Tổng kết 10 năm Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

 

Lễ tôn vinh hơn 500 các tập thể, gia đình, cá nhân xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Lao động của Nhà nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) sẽ diễn ra vào tối 23/2 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội.

Ngày 24/2, cũng tại đây diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, nhằm đánh giá 10 năm thực hiện phong trào này và đề ra mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện phong trào đến năm 2015.

Trong 10 năm qua, phong trào xây dựng "Người tốt, việc tốt" đã góp phần tích cực vào hình thành nhân cách con người trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Các ngành, các địa phương coi trọng công tác biểu dương "Người tốt, việc tốt", tạo nên những tấm gương sáng, có sức lan tỏa, cổ vũ mọi người tham gia thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH. Kết quả có trên 1.200 nghìn "Người tốt, việc tốt" được suy tôn ở các cấp.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển về bề rộng và chiều sâu. Từ hơn 8 triệu 600 nghìn gia đình văn hóa được công nhận năm 2000, đến nay, cả nước đã có hơn 16 triệu gia đình văn hóa được công nhận (tăng gần gấp 2 lần).

Năm 2000, cả nước có hơn 17.600 làng (thôn, ấp, bản...), tổ dân phố (khu phố, khu dân cư) được công nhận đạt danh hiệu văn hóa, thì đến năm 2010 đã có hơn 58.200 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được công nhận (tăng gấp hơn 3 lần). Phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ văn hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của người dân ở các cộng đồng dân cư.

Năm 2010, cả nước có gần 38 nghìn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đựoc công nhận đạt chuẩn văn hóa (tăng hơn 4 lần) so với năm 2000. Đại bộ phận các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật; duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng; có môi trường làm việc xanh- sạch- đẹp và an toàn.

Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" phát triển toàn diện, vững chắc, với gần 104 nghìn trong tổng số 105.842 khu dân cư trong cả nước tham gia (đạt tỷ lệ 98%).

Đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, mang đậm giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc. Cuộc vận động xây dựng "Qũy vì người nghèo" do Mặt trận tổ quốc các cấp chủ trì đã vận động nhân dân đóng góp 5.120 tỷ đồng. Các Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ các cấp tận dụng các nguồn vốn, giúp nhau phát triển sản xuất với số vốn hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tiến bộ. Việc cưới đã đơn giản về thủ tục, quy mô hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình, địa phương, chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc tang ở các địa phương được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, đảm bảo qui định về vệ sinh môi trường và trật tự an toàn xã hội. Về lễ hội, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian trong các lễ hội được phục dựng, làm phong phú giá trị văn hóa lễ hội. Hoạt động lễ hội gắn với phát triển du lịch và trùng tu, tôn tạo di tích- lịch sử văn hóa mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Ngân sách Nhà nước ở các địa phương đầu tư và hỗ trợ 734 tỷ đồng xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, nhân dân đóng góp 1.400 tỷ đồng. Cả nước hiện có hơn 4.500 xã có nhà văn hóa, sân thể thao; hơn 38.000/99.600 thôn có nhà văn hóa, sân thể thao; hơn 6.700 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có nhà văn hóa...

Bài học kinh nghiệm để có kết quả tốt trong phong trào là do: Vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng đời sống văn hóa được phát huy; việc thực hiện chủ trương xã hội hóa văn hóa đạt hiệu quả, tạo điều kiện để phát huy tốt nhất sức sáng tạo văn hóa của nhân dân; Phong trào có tác động tích cực đến sự phát triển của văn hóa- xã hội.

Tại cuộc họp báo sáng 16/2 tại Hà Nội, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch khẳng định: “Đây là cuộc vận động lớn từ Trung ương đến địa phương, trong đó, phát huy tính tự giác của người dân là chính để xây dựng cuộc sống tốt đẹp của mình ở địa phương và cơ sở”.

Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, phong trào đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hoá đối với sự phát triển. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hoá, các hoạt động chỉ đạo triển khai và thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về văn hoá, về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hoá trong giai đoạn mới được nâng lên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” thông qua các phong trào và nội dung văn hoá cụ thể đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế và văn hoá- xã hội một cách bền vững. Truyền thống đoàn kết và đạo lý dân tộc được phát huy trở thành nội lực giúp nhau “Xoá đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Xây dựng con người về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nếp sống…/.

- Thành Nam -
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất